Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:19

Biến chứng mạch máu là nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Hai nhóm chính của biến chứng mạch máu là biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Kết quả từ nhiều nghiên cứu đã chứng minh ĐTĐ có liên quan đến các biến cố tim mạch, như tử vong do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim (NMCT), đột quỵ … Theo NCEP ATP III (chương trình giáo dục Cholesterol Quốc gia Hoa Kỳ), ĐTĐ đã được khuyến cáo như một “tình trạng tương đương về nguy cơ với bệnh động mạch vành”. Không chỉ có biến chứng mạch máu lớn, Stratton và cộng sự còn cho thấy HbA1c cao cũng có liên quan đến các biến chứng trên mạch máu nhỏ.

Trong quá trình tiến triển tự nhiên của ĐTĐ típ 2, tăng đường huyết sau ăn xuất hiện sớm hơn tăng đượng huyết lúc đói.

Nguyên nhân là do tế bào β tụy bị rối loạn đưa đến giảm bài tiết insulin sau khi ăn (cả về số lượng và thời điểm tiết), hoặc do gan và cơ giảm nhạy cảm với insulin. Theo nghiên cứu của Bonora và cộng sự, 84% NB ĐTĐ đã điều trị (nhưng không dùng insulin) vẫn bị tăng đường huyết sau ăn > 8,9 mmol/dL (160 mg/dL) ít nhất một lần.

Tầm quan trọng của Đường huyết sau ăn

Đường huyết sau ăn, được đánh giá gián tiếp qua nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, có giá trị tiên lượng cho các biến cố tim mạch tốt hơn so với đường huyết lúc đói, ở cả bệnh nhân bị rối loạn dung nạp glucose và ĐTĐ.

Nghiên cứu DECODE, phân tích dữ liệu đường huyết đói và đường huyết 2 giờ sau thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose từ 13 nghiên cứu đờn hệ ở châu Âu, đã xác định tầm quan trọng của đường huyết sau ăn trong việc tiên lượng các biến cố tim mạch (đặc biệt là tử vong). Đường huyết sau ăn càng cao thì dự hậu cho các biến cố tim mạch, bệnh mạch vành, hay đột quỵ do mọi nguyên nhân càng xấu. Mối tương quan này là không rõ ở nhóm có tăng đường huyết lúc đói.

Một nghiên cứu khác là DECODA phân tích gộp từ 5 nghiên cusu đoàn hệ tiến cứu lớn ở Châu Á cũng cho kết quả tương tự. Bệnh nhân có đường huyết 2 giờ sau ăn từ 7,8 – 11,1 mmol/L có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 35% và tử vong do tim mạch tăng 27% so với nhóm đường huyết 2 giờ sau ăn < 7,8 mmol/L. Hơn nữa, những nguy cơ này sẽ gia tăng đáng kể nhiều hơn 3 lần nếu đường huyết 2 giờ sau ăn ≥ 11,1 mmol/L (p < 0,001).

Lợi ích của kiểm soát đường huyết sau ăn

Nghiên cứu UKPDS đã cho thấy kiểm soát đường huyết tích cựu và giảm HbA1c sẽ làm giảm đáng kể các biến cố liên quan đến ĐTĐ, đặc biệt là biến cố tim mạch sau 10 năm. Theo nghiên cứ STOP – INDDM, bệnh nhân có rối lợn dung nạp glucose nếu dùng thuốc kiểm soát đường huyết sau ăn sẽ giảm 91% nguy cơ NMCT, và 49% nguy cơ bất kỳ biến cố tim mạch nặng. Trên bệnh nhân ĐTĐ típ 2, một chỉ dấu của xơ vữa động mạch là bề dày thành động mạch cảnh đã giảm có ý nghĩa ở nhóm điều trị theo mục tiêu đường huyết sau ăn.

Hơn nữa, Woerle và cộng sự đã ghi nhận tiyr lệ bệnh nhân ĐTĐ típ 2 kiểm soát đường huyết tích cực có HbA1c đạt mục tiêu (< 7%) là 94% trong nhóm bệnh nhân đạt mục tiêu đường huyết sau ăn (< 140mg/dL) cao hơn so với 64% trong nhóm đạt mục tiêu đường huyết lúc đói (< 100 mg/dL). Phân tích gộp của Giugliano và cộng sự đã cho thấy insulin analogue 2 pha làm giảm HbA1c < 7% tốt hơn insulun nền.

Kết luận:

Tăng đường huyết sau ăn là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 và xuất hiện sớm trong diễn tiến tự nhiên của bệnh. Đường huyết sau ăn có giá trị tiên lượng cho tử vong  và các biến cố tim mạch nặng tốt hơn so với đường huyết lúc đói. Việc kiểm soát đường huyết sau ăn góp phần quan trọng vào việc giảm các biến cố tim mạch cũng như đóng gopa đáng kể vào việc đạt HbA1c mục tiêu. Hiện tại, có nhiều cách để kiểm soát đường huyết sau ăn, trong đó, insulin analogue 2 pha đã chứng tỏ có hiệu quả hơn insullin nền trong việc làm giảm HbA1c.

Ts Huỳnh Quang Trí

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook