Nhiễm liên cầu lợn là căn bệnh đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người vì làm cho cơ thể bị nhiễm trùng máu, suy đa tạng, viêm màng não mủ. Một trong những tác nhân chính gây ra căn bệnh nguy hiểm này là do bệnh nhân (BN) có thói quen ăn tiết canh các loại động vật mà không lường trước được hậu họa.
BS Nguyễn Thị Thục – Trung tâm Y tế dự phòng Q.10Mặc dù được ngành y tế cảnh báo nhưng không ít người vẫn chủ quan do những món ăn ngon miệng tiềm ẩn bên trong các loại bệnh.
Nguy hiểm từ tiết canh
Một BN bị nhiễm liên cầu lợn điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (ảnh tư liệu)Cách đây 3 tháng, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy đã kịp thời cứu sống một BN bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn trong tình trạng nguy kịch với các biến chứng thần kinh sốt cao, kích động co giật và mất tri giác dù phải thở bằng máy. Theo bệnh án của Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, BN là ông P.T.L sinh năm 1964, quê ở An Giang được chuyển lên TP.HCM từ BV Đa khoa tỉnh An Giang vào ngày 1-6-2016 với triệu chứng sốt cao, co giật liên tục, mất khả năng tri giác. Dù được các cơ sở y tế chẩn đoán viêm màng não và điều trị bằng kháng sinh liều cao nhưng bệnh tình vẫn trở nặng. Đến ngày thứ năm, ông L. bị sốc, rơi vào trạng thái lơ mơ phải cho thở máy và đặt nội khí quản. Sau khi có thêm thông tin từ người nhà, các BS điều trị xác định BN đã bị nhiễm liên cầu lợn nên quyết định điều trị kháng sinh liều cao kết hợp hồi sức cấp cứu. Sau gần 2 tuần điều trị, BN đã ổn định sức khỏe và xuất viện trở về nhà. Đây là trường hợp thứ 2 trong năm mà BV Chợ Rẫy cấp cứu thành công bệnh nhiễm liên cầu lợn. Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng có nhiều BN bị nhiễm liên cầu lợn do điều trị đúng phác đồ đã kịp thời lấy lại được tính mạng của mình. Theo lời kể của gia đình, hầu hết đều từng ăn tiết canh của các loại động vật như heo, vịt xiêm (ngan), dê, chó, ngựa, dơi hoặc các món ăn chế biến từ huyết heo, huyết bò. Đó là trường hợp người đàn ông tên là B.V.N nhập vào BV Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao, xuất huyết ngoài da, chóng mặt sau khi ăn món huyết heo xào giá đỗ. Sau khi được thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, BN có được kết quả suy đa tạng, nhiễm trùng máu, viêm màng não mủ mà thủ phạm là do nhiễm liên cầu lợn. Tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc Người lớn, các y BS của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực chống độc, cho thở bằng máy, dùng thuốc vận mạch kết hợp với kháng sinh mạnh. Mặc dù ăn món giá đỗ nhưng khi chế biến do huyết heo ngoài chợ đã luộc sẵn nên người vợ chỉ xào sơ và kết quả là người chồng bị “dính” nhiễm liên cầu lợn. Tuy nhiên, sau một tuần điều trị do bệnh tiến triển nặng người đàn ông 35 tuổi đã tử vong trên đường về nhà. Theo báo cáo của Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong năm 2015 đã có gần 30 ca đến nhập viện điều trị căn bệnh này.
Tránh xa các loại máu sống
“Một người nào đó khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời” – BS Nguyễn Thị Thục khuyên.BS Trần Quang Bính – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Steptococus suis gây ra. Thường có mặt trong đường hô hấp của lợn, khi có điều kiện thuận lợi vi khuẩn Steptococus sẽ phát triển và gây bệnh. Người bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm bệnh. Các đối tượng nguy cơ nhiễm cao như: nuôi lợn, giết mổ lợn, bán thịt lợn và ăn thịt lợn nấu chưa chín. Bệnh nhiễm khuẩn viêm cầu lợn có 4 biến chứng: viêm màng não mủ, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết. Đây là căn bệnh nguy hiểm và cần được cứu chữa kịp thời vì BN có thể tử vong từ sau 7 giờ nhiễm khuẩn đến 10 ngày.
BS Nguyễn Thị Thục – Trung tâm Y tế dự phòng Q.10 cho biết, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Bệnhcó thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết của lợn, ăn sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh.Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.Tùy thuộc từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ,có thể tử vong do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có BN chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng. Để chủ động phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. “Một người nào đó khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời” – BS Thục khuyên.
Quang Phan
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.