Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:16

Có nhiều người bị động kinh nhưng vẫn thông minh, có trình độ cao, có sự nghiệp. Tuy nhiên, bệnh này phải kiên trì điều trị và tuân thủ nguyên tắc nhất định, đặc biệt chú trọng đến các yếu tố tâm lý và giữ nề nếp sinh hoạt ổn định.

Động kinh là một hội chứng bệnh lý của não, do nhiều nguyên nhân gây nên, với đặc điểm lâm sàng là những cơn rối loạn kịch phát chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan, tâm thần, thần kinh thực vật và ý thức.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tỷ lệ động kinh trên thế giới hiện nay dao động từ 0,5 – 1% dân số, 50 trường hợp trên 100.000 dân. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ mới mắc bệnh động kinh trong một năm là 100/100.000 người.

Động kinh là tình trạng phóng điện bất thường ở các nơron thần kinh

Có nhiều người bị động kinh nhưng vẫn thông minh, có trình độ cao, có sự nghiệp. Tuy nhiên, bệnh này phải kiên trì điều trị và tuân thủ nguyên tắc nhất định, đặc biệt chú trọng đến các yếu tố tâm lý và giữ nề nếp sinh hoạt ổn định.

Bệnh động kinh có nhiều loại, với những triệu chứng khác nhau.

Phân loại theo dạng động kinh có 3 loại:

– Thể động kinh toàn thân

– Thể động kinh cục bộ

– Thể động kinh kịch phát Rolando

Phân loại theo nguyên nhân: vô căn và thứ phát.

– Động kinh nguyên phát (vô căn): không tìm được tổn thương thực thể của não trong tiền sử và hiện tại, có thể do di truyền.

– Động kinh triệu chứng (thứ phát): có các tổn thực thể ở não: như chấn thương não, u não.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh động kinh:

– Co giật bắp thịt

– Sùi bọt mép

– Cắn lưỡi

– Mắt trợn ngược

– Bất tỉnh

– Mất kiểm soát tiểu tiện

– Gây cảm giác lạ

….

Nguyên nhân chính của cơn động kinh

Có nhiều nguyên nhân động kinh tuỳ theo lứa tuổi:

+ Ở trẻ sơ sinh: khoảng 1% trẻ sơ sinh có các cơn co giật và thường là động kinh triệu chứng, các nguyên nhân chính là: ngạt lúc lọt lòng, chấn thương sản khoa, chảy máu trong sọ, hạ đường huyết, hạ canxi huyết, hạ magne huyết, hạ natri huyết, thiếu hụt pyridoxin, ngộ độc nước, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương hoặc các nhiễm khuẩn và các rối loạn chuyển hoá khác.

+ Trẻ em: sau thời kỳ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây xuất hiện động kinh khởi phát trong lứa tuổi trẻ em.

Các nguyên nhân thường gặp là: động kinh nguyên phát (không rõ nguyên nhân), liệt do tổn thương não (cerebral palsy), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương (viêm não, viêm màng não), tổn thương cấu trúc trong sọ, bệnh chuyển hoá, ngộ độc (thuốc, chì), bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống (thận, gan, bạch huyết), bệnh di truyền, chấn thương…

+ Người lớn: có rất nhiều nguyên nhân gây khởi phát động kinh ở người lớn lấn sang cả nhóm các nguyên nhân gặp ở trẻ em như: động kinh nguyên phát, chấn thương, tổn thương cấu trúc não (khối u, chảy máu, dị dạng mạch máu), bệnh mạch máu não (chảy máu não, nhồi máu não), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống, bệnh bẩm sinh, nhiễm độc (rượu, thuốc tâm thần, lạm dụng thốc), bệnh rối loạn chuyển hoá.

+ Người già: ở người già trên 60 tuổi, động kinh có thể do u não, ung thư di căn các rối loạn tuần hoàn não, xơ cứng mạch máu não, teo não. Đặc biệt cần quan tâm tới thiếu máu não cấp tính: Weber (1987), Loiseau (1988), Dalangre(1989) và cộng sự nhận thấy 13% trường hợp động kinh ở người ngoài 60 tuổi là do thiếu máu não cục bộ.

Điều trị bệnh động kinh

Việc chọn thuốc kháng động kinh tuỳ thuộc vào tính hiệu quả cho từng loại cơn, tác dụng phụ của thuốc và cách sử dụng.

Đối với cơn co giật không phân loại được dựa trên bệnh sử thì valproate là thuốc được lựa chọn đầu tiên cho các bệnh nhân < 25 tuổi và thuốc carbamazepine là thuốc được lựa chọn cho bệnh nhân > 25 tuổi.

Một số thuốc điều trị động kinh:

– Phenitoin (sodanton dilantin):liều trung bình người lớn 300 – 400mg/24 giờ, trẻ em 4 – 7mg/kg trọng lượng cơ thể.

– Primmidin (misolin): liều trung bình 500 – 1500mg/24giờ, trẻ em 10 – 30mg/kg cân nặng.

– Carbamazepin (tegretol): liều trung bình 600 – 1000mg/24 giờ, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.

– Ethosuximid (zarontin): liều trung bình 750 – 1500mg/24 giờ, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.

– Clonazepam: liều trung bình 1,5 – 10mg/24 giờ, trẻ em 0,01mg/kg cân nặng.

– Axit valproic: liều trung bình cho người lớn< 60mg, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.

– Trimethadion (tridione): liều trung bình cho người lớn 20 – 25mg/kg cân nặng.

– Paramethadion (paradione): liều dùng như trimethadion.

Khi một người lên cơn động kinh cần:

– Bảo vệ bệnh nhân tránh xe cộ qua lại

– Di chuyển những vật sắc bén ra xa bệnh nhân

– Cho bệnh nhân lăn sang thế nằm nghiêng để dung dịch trong miệng khỏi ứ tràn vào đường thở.

-Không cho bất cứ đồ vật gì vào miệng người đang lên cơn động kinh.

– Theo dõi bên cạnh bệnh nhân cho đến hết cơn co giật.

-Sau đó để bệnh nhân nằm bất động một thời gian để theo dõi.

– Không nên để bệnh nhân đi ra đường cho đến khi ý thức thực sự trở lại bình thường

Tầm soát sức khỏe cho người bị bệnh động kinh (ảnh minh họa)

Lưu ý:Nhiều người cho vật cứng hay giẻ vào miệng bệnh nhân hy vọng tránh lưỡi bị cắn nhưng thực tế làm vậy có thể làm mẻ răng hay làm bệnh nhân bị ngạt thở. Lưỡi bị cắn chảy máu không bao nhiêu,  không hại tính mạng và dễ lành. Có đồ vật cứng trong miệng làm tăng khả năng cắn lưỡi. Ngoài ra răng mẻ sau này khó chữa và miếng răng mẻ có thể lọt vào sau gây chấn thương trong họng hay khí quảng. Giẻ trong mồm có thể làm ngạt thở.

Người bị bệnh động kinh vẫn có đời sống tình cảm, biết yêu thương và có khả năng sinh hoạt tình dục như bình thường. Tuy nhiên người bệnh thường mặc cảm, che giấu mình bị động kinh vì vậy rất cần sự quan tâm, chia sẻ không kỳ thị của cộng đồng xã hội.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook