Thứ Tư, 18/10/2017 | 17:01

Cái thời “ăn cơm trước kẻng” phải cạo trọc đầu bôi vôi hay ô nhục với quan viên hai họ dường như đã qua rồi. Bây giờ, đôi khi cái bụng lùm lùm lại tạo nên “quyền lực mềm” cho những nàng dâu mới về nhà chồng.

Có bầu mới được cưới

Được mẹ chồng dìu đỡ ở phòng đợi sinh, chị Hương (Đông Anh, Hà Nội) cứ thầm “tạ ơn” đứa bé sắp ra đời. Nó là “visa” giúp chị có đám cưới mong ước, là “thần hộ mệnh” cho chị sống ở nhà chồng.

Hơn năm trước, chị hoảng hốt nghe Long nói: “Mẹ bảo từ giờ tới cuối năm nếu em có bầu thì mẹ sẽ lên Hà Nội làm lễ ăn hỏi”. Cứ mơ tưởng về mối tình cũ kỹ nên Hương đã 29 tuổi mà chẳng có ai. Long (Nam Định) mở văn phòng bất động sản gần nhà cô, đã 38 tuổi mà chẳng màng chuyện vợ con. Họ đến với nhau từ những lời gán ghép xung quanh, nghĩ kết hôn cho “đúng quy luật con người”. Ngày về ra mắt mẹ Long ở Nam Định, bà cũng đã nói thẳng với Hương rằng: “Bây giờ anh chị muốn đến với nhau, bố mẹ không ngăn cản. Nhưng cái Hương chú ý mà ăn uống thuốc men bồi bổ để còn sinh con”.

Họ đến với nhau không lãng mạn như các đôi khác nhưng Hương không ngờ mẹ Long lại đưa ra “tối hậu thư” hiện đại theo kiểu… chắc ăn thế! Trớ trêu, bẽ bàng hơn chính Long cũng chờ đợi cái tối hậu thư ấy. Mẹ Long còn điện thoại an ủi Hương rằng: “Nghĩa vợ chồng giữ được cũng bởi những đứa con nên mẹ tính trước thế nhỡ khi cưới rồi…”.

Nghĩ mình cũng đã lớn tuổi, chẳng còn ai ngó nghiêng, lấy chồng cho xong nên Hương ngậm ngùi: “Vâng”. Chị e dè tính đến chuyện uống thuốc Đông y để “tăng tốc” việc có con. Nhưng phụ nữ chưa chồng mà đi bốc thuốc này thì thật hài hước xấu hổ. Bởi vậy chị mới về tận Hưng Yên nhờ một người quen cũ đã nhiều lần “mát tay” bốc thuốc cho các cặp vợ chồng muộn con. E dè mãi Hương cũng thổ lộ: “Anh cắt thuốc cho em”. Người bạn dựng đứng lên: “Thế chúng mày lấy nhau chỉ để duy trì nòi giống thôi à? Nếu đến cuối năm chưa có bầu thì bỏ nhau à? Hôn nhân là trao đổi à?”.

Đau khổ và dằn vặt trước thực tế phũ phàng mà mẹ chồng đặt ra, Hương nhiều lần muốn từ bỏ nhưng lại nghĩ: “Cũng là thực tế, mình đã lớn tuổi, sức khỏe lại yếu. Cưới nhau mà không có con được, mang nhau ra tòa rắc rối hơn”. Từng ngày đợi “cái bụng Thị Màu” ễnh ra là từng ngày chị hồi hộp, lo âu. Biết tin chị có thai, mẹ Long chuẩn bị một đám cưới rình rang. Vì bà chăm sóc đứa cháu trong bụng nên Hương cũng được nhờ, mẹ chồng cũng hay nhường nhịn.

Có “nghé” mới tậu “trâu”

Ảnh minh họa

“Dâu hư” mới được chiều

Hoa và Mai cùng yêu hai anh em sinh đôi Chiến và Thắng (Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội), nhưng Hoa luôn được mẹ chồng tương lai quý hơn Mai. Bởi bà nhận xét: “Cái Hoa nó điềm đạm chu đáo có vẻ là người vợ đảm, dâu tốt. Con Mai lúc nào cũng nhí nhoét mắt xanh mỏ đỏ như gái làng chơi”. Nhưng khi đã cùng về làm dâu thì Hoa luôn bị mẹ chồng phân biệt đối xử thua kém em dâu “một trời một vực”.

Lúc còn yêu nhau bà rốt ráo giục Chiến và Hoa làm đám cưới với lý do: “Thằng Chiến là bộ đội đóng quân ở xa. Con Hoa đẹp người đẹp nết bao kẻ dòm người ngó cưới cho chắc. Mà tao chỉ có hai thằng con trai cưới nó về để tao có đứa con gái trò chuyện”. Còn mỗi lần Thắng dẫn Mai về là bà đổi giọng: “Chúng mày làm em thì từ từ hãy cưới”. Mới cưới về ai cũng nói Hoa và mẹ chồng thân thiết như mẹ đẻ con gái gia đình êm ấm. Khổ một nỗi bà đợi mãi chưa thấy con dâu có tin vui.

Gần hai năm sau ngày cưới mà bụng Hoa vẫn im lìm. Lúc đó cũng đến lượt lo đám cưới cho Thắng và Mai. Sau ngày lễ ăn hỏi có người thì thầm với mẹ chồng Hoa rằng: “Ơ con Mai đã có bé hay sao ấy nhỉ?” Bà gạt đi: “Tôi không có đứa con dâu hư hỏng thế”. Dù nói vậy nhưng bà vẫn gọi Thắng lên cho ra nhẽ: “Con Mai có bầu phải không?”. “Không phải mẹ vẫn mong có cháu sao”. Hôm sau bà liền gọi con dâu tương lai đến để đi chợ sắm đồ: “Con phải ăn đồ bổ cho em bé hãy mặc mấy bộ đồ rộng này cho nó thoải mái”.

Đám cưới xong, bao nhiêu thứ phải dọn thì bà chỉ Hoa: “Con là chị thì cố giúp các em, với lại nó đang có bầu cần chăm sóc đặc biệt”. Vì gia đình sống chung nên Hoa phải cáng đáng cả việc nhà. Em dâu thì được mẹ đặc cách: “Có bầu thì ngủ dậy muộn chút cho đủ giấc đừng cúi lau nhà mà quặn bụng”…

Ngày trước mỗi buổi tối khó ngủ bà đều sang phòng Hoa để cùng con dâu xem phim nói chuyện cho con dâu đỡ buồn lúc vắng chồng. Bây giờ cứ tối là bà gọt hoa quả cố tìm mọi cách vào phòng con dâu bé ngay cả lúc hai vợ chồng nó khóa trái: “Phải ăn cho em bé con ạ. Để mẹ sờ đứa cháu của mẹ một lúc thì mẹ mới ngủ được”.

Hàng xóm có ai đùa cợt: “Bà chiều con dâu út thế nhỉ?” thì bà lầm nhầm trong cổ: “Chăm nó rõ ràng là chăm con chăm cháu nhà mình còn cứ như con cá rô đực kia biết đâu lại phí công”. Hoa tủi thân xoa bụng mình cầu cho đứa con hãy đến đầu thai. Trước không khí gia đình như vậy, Chiến cũng phải lên kế hoạch chuyển vợ đến gần đơn vị để “nhào nặn” em bé.

 Biến xấu hổ thành tự hào

Thiện (ngõ 1411, Giáp Bát, Hà Nội) là người kết hôn sớm nhất trong lớp học cũ của chúng tôi. Bạn bè xa xôi đứa Bắc kẻ Nam nên Thiện đều mời bằng điện thoại. Lời mời bạn về cưới thì ít mà chủ yếu cậu nói dai nói dài khoe khoang vì sắp được làm bố: “Ngày cưới của tôi các ông bà cố gắng về cho vui. Tôi sắp được làm bố rồi đấy, con trai nhé. Vậy là tôi nhất lớp nhé!”.

Ngày cưới của họ cũng nhiều người cố rướn cái cổ lên để nhìn cho rõ cái bụng cô dâu phập phồng trong bộ váy cưới bó sát, cũng có người rì rầm “ăn cơm trước kẻng”. Nhưng cô dâu cũng cứ hồn nhiên phô cái bụng, miệng cười toe toét, không chút đỏ mặt khi chồng dẫn đi mời nước bạn bè. Đám cưới của cậu ta đặc biệt là được đón cả thầy giáo cũ về dự. Thiện không ngần ngại khoe: “Thầy! học trò cưng của thầy sắp làm bố rồi”.

Ông thầy đến chung vui với học trò nhưng cũng lúng túng, lắp bắp không biết nên biểu lộ cảm xúc thế nào trước tin này. Mẹ Thiện vốn không ưa người yêu của con trai nhưng khi chúng cứ nhất quyết thì bà đồng ý. Trong thời gian chuẩn bị làm đám cưới, nghe tin con dâu có thai, bà mừng ra mặt. Thế là nhờ sự mắn đẻ mà cô con dâu ung dung làm bà hoàng ở nhà chồng.

 Ba câu chuyện trên chỉ là con số nhỏ bé trong 1001 chuyện cô dâu vác bụng bầu về nhà chồng thời hiện đại. Nhưng những sự thật đó đã phần nào cho chúng ta thấy sự “hiện đại hóa” của quan niệm truyền thống. Mong ước một đứa con đã lấn át tất cả mọi lý thuyết truyền thống khiến người ta biến những giá trị cũ như sự xấu hổ thành tự hào, sự dè bỉu thành cảm thông, sự khinh bỉ thành kiêu hãnh. Có lẽ vì đến lúc này người ta lo vì chuyện có một đứa con khó hơn ngàn lần so với việc bận tâm tới những giá trị khác?

Đức Thành

Theo tạp chí Sống Khỏe

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook