Thứ Hai, 11/01/2016 | 10:00

Khi cưới nhau, không ai nghĩ kết hôn để ly dị, nhưng khi cuộc sống chung trở thành địa ngục thì ly dị là điều nên làm.

Một ngày mưa ướt át, trong căn phòng xử án sáng hôm đó, nếu không kể đến những người đại diện pháp luật cùng một vài người dự khán thì sự hiện diện của lão nông Nguyễn Văn An, 65 tuổi cùng vợ và con trai dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một gia đình hai thế hệ đang bình yên ngồi chờ trong nhà ga nào đó. Chỉ đến khi khuôn mặt già nua đầy mệt mõi của ông An khẩn thiết xin được ly hôn với người vợ đã sống cùng ông hơn 30 năm qua thì mọi người mới vỡ lẽ.

Cái kết cho những tâm hồn lạc lối

Ảnh minh họa

Tình và hận

Trước hội đồng xét xử, câu chuyện đời của ông An được hé lộ. Hồi trẻ, ông là cán bộ của một vùng kinh tế mới, tính tình ít nói nên ngoài 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Bà Nụ – vợ ông khi ấy là cán bộ kho cùng cơ quan, nhưng do “trót dại” và có mang với một gã họ “Sở” nên khi gặp được ông bà như người chết đuối vớ được cọc.

Trong khi tình yêu đến với ông rất tự nhiên với phần lớn trong đó là lòng cảm thương thì tình yêu bà dành cho ông là cả một lòng biết ơn sâu sắc. Mặc cho gia đình ra sức ngăn cản việc gá duyên với gái “Thị Mầu”, ông An không nói không rằng chỉ lẳng lặng gây dựng nên một mái ấm nhỏ chờ ngày bà sinh nở.

Khi đứa bé chào đời, ông yêu thương nó như con ruột và sẵn sàng nhận thêm việc làm gia công để tăng thu nhập cho ba miệng ăn trong nhà. Cuộc sống tạm ổn được một thời gian thì bà Nụ lại bị thuyên chuyển công việc vì dính vào vụ tham ô công quỹ.

Công việc mới không hợp nên sau khi sinh đứa thứ hai, bà Nụ bỏ việc để đi buôn chuyến từ Bắc vào Nam. Sau vài chuyến buôn lậu trót lọt, bà bị tịch thu mất sạch hàng hóa. Vốn là người kiệm lời và có phần cục tính, ông An trong vai trò chủ gia đình đã ra quyết định xây một gian nhà ngói khang trang ở quê nhà Bắc Giang để vợ con về ở, bà Nụ không được đi buôn chuyến nữa, còn ông thì vẫn ở lại cơ quan làm việc đến khi nghỉ hưu mà không cần sự tán thành của vợ. Dù có thất vọng trước quyết định của chồng, bà Nụ vẫn đành vâng theo.

Sống ở quê trong tình cảnh chồng vắng nhà triền miên, hai con đã vào tuổi đến trường mà việc canh tác trên mấy sào ruộng không mang lại lợi nhuận đáng kể nên bà Nụ quyết tâm lén chồng trở lại nghề buôn chuyến. Mỗi năm ông An về thăm nhà chỉ vài lần, thời gian đó bà Nụ lại nghỉ ở nhà chăm chồng như chưa hề có vụ đi buôn bán.

Nhưng thời gian càng về sau, mỗi khi về thăm nhà ông lại thấy kinh tế trong nhà khá khẩm hơn. Dò la biết được vợ trốn mình đi buôn chuyến, ông nổi giận đùng đùng răn đe. Bà cũng tỏ ra nghe lời ông, nhưng khi ông quay về cơ quan thì chuyện đâu vào đấy. Và càng về sau khi việc kiếm tiền bằng buôn chuyến khá khẩm hơn thì bà càng mạnh miệng công khai việc đang làm và khuyến khích ông nghỉ hưu non về nhà trông coi nhà cửa để bà đi kiếm tiền.

Thấy vợ nói có lý và thêm phần xót hai thằng con không có ai chăm cứ sống như “người rừng” cuối cùng ông đành nghỉ hưu non về nhà chăm con và lấy việc sửa chữa đồ dân dụng, chăm sóc mấy sào vườn kiếm đồng ra đồng vào để an vui tuổi về chiều. Nhưng hai đứa con lâu ngày vắng bố và thiếu sự chăm sóc của mẹ đã khiến tuổi về già của ông không được êm đềm như mong ước. Chúng ngang bướng và ngổ ngược. Chúng luôn nghĩ, chỉ ai cho nhiều tiền là yêu chúng hơn. Vì vậy, trong mắt chúng chỉ có mẹ và những “tờ tiền vui vẻ”, còn người cha già hết lòng vì chúng chỉ như người ở trọ trong nhà.

Và chuyện tất yếu đã xảy ra, thằng con cả bị đuổi học vì tội đánh bạn trọng thương. Ông răn dạy nó thì bà bù lu bù loa ông là hạng “khác máu tanh lòng”, vì nó không phải là con ruột nên ông ghét bỏ… Thế là bà đùng đùng thu xếp cho con vào Nam để đổi đời. Nhưng chẳng may, chỉ ít lâu sau khi vào Nam, thằng con lớn đã bị đâm chết trong một lần đi đòi nợ thuê. Từ đó ông và vợ sống đối nghịch nhau như mặt trời mặt trăng.

Ngôi nhà nhỏ của họ chỉ bình yên khi bà theo xe đi buôn chuyến. Mỗi khi bà ở nhà, thế nào hàng xóm cũng nghe tiếng bà quát nạt ông như người mẹ đang dạy đứa con hư. Quá đáng hơn là bà và thằng con út đã tìm cách lấy hết lương hưu của ông và thường xuyên kiếm cớ mắng chửi ông.

Đỉnh điểm là lần bà dùng đồ đập vào đầu ông chảy máu khi ông nhắc tới chuyện tiền nong. Một thời gian ngắn sau, mẹ con bà Nụ lại dùng dây cao su trói ông lại để bà đánh vào ngực, vào mặt làm ông bị trọng thương và gãy mất ba chiếc răng cửa rồi bỏ mặc ngoài sân.

Giải thoát

Trong suốt phiên tòa khi nghe chồng cho lời khai bà Nụ không ngừng lườm nguýt và nhất quyết không chịu ly hôn. Dù bà thừa nhận rằng vì mang ơn mà bà đã lấy ông, chứ càng sống chung bà lại càng thất vọng và xem thường chồng vì tính cù lần, chậm chạp nhưng lại gia trưởng và độc tài.

Trong khi thiên hạ làm ăn rầm rầm thì ông chỉ biết ngồi nhà xem tivi và làm những việc vô bổ. Việc lớn việc nhỏ trong nhà đều phải nhờ vào tay bà mới thành. Và hơn hết là do bà nghi ngờ ông có quan hệ tình cảm với một bà góa chồng đầu phố. Giờ ông muốn ly hôn thì hóa ra bao nhiêu công sức của bà thành tro hết ư?!

Trước sự giằng co giữa đôi bên và sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, cuối cùng tòa án đã chấp thuận đơn ly dị của ông An, vì xét thấy những gì ông nêu trong đơn là đúng với sự thật. Còn chuyện ông có trăng gió không thì lại không có bằng chứng.

Tòa cũng tuyên bố, vì ngôi nhà ông An bà Nụ đang sinh sống mang tên chủ sở hữu là bố ông An, nên đáng lẽ sẽ chia theo luật định, nhưng vì ông An đã đề nghị chia cho vợ cũ một phần nên bà Nụ vẫn có thể ở cùng nhà, còn mọi sinh hoạt riêng rẽ, không ai xâm phạm đời tư của người khác.

Dù đã gần đi hết cuộc đời, nhưng khi nghe tòa tuyên bố, ông An đã không cầm được nước mắt. Giờ đây ông đã có thể sống bình yên, nhưng câu chuyện của đời ông sẽ còn mãi khiến ông phải đau đáu nhìn về quá khứ với những câu tự hỏi: phải chi ngày xưa mình cứng rắn hơn, bản lĩnh hơn! Phải chi ngày xưa mình đừng để các con phải sống xa cha quá lâu thì các con đâu trở thành hư hỏng…

Còn bà Nụ, dù luôn tỏ ra là người cứng rắn nhưng bà vẫn để rơi nước mắt khi nghe tòa tuyên bố. Có lẽ trong lòng bà sự hậm hực, nỗi oan ức vẫn còn chất ngất, nhưng sẽ rất khó tránh khỏi việc bà cảm thấy ân hận trước những lời của vị chủ tọa hôm đó: “Có khi nào bà tự hỏi, việc mãi mê chạy theo tiền đã làm thay đổi tính cách con người bà và khiến những đứa con không được dạy dỗ đến nơi đến chốn? Có khi nào bà nghĩ lại những cái được từ chồng để thông cảm hơn với ông ấy? Nếu bà luôn đúng thì tại sao ở cái tuổi gần đất xa trời này ông nhà lại nhất quyết đòi ly hôn?…”.

Chiều hôm đó, trên chiếc sân rộng của tòa án mưa vẫn cứ rơi như tiễn đưa bước chân của ông An và bà Nụ về hai ngã đường với lời thì thầm “xin đừng lạc lối!”.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook