Thứ Ba, 04/10/2016 | 15:30

Hãy thử tưởng tượng, sẽ ra sao nếu bạn trót yêu và cưới một anh chàng luôn bắt đầu câu chuyện với vợ bằng ba từ “mẹ anh bảo”?

Ức chế vì chồng ngoan

Đêm nằm mãi không ngủ được, Ngân mầy mò lên mạng, vô tình thấy cái diễn đàn “Chồng nghe lời mẹ”, nó như được lập ra vì chị vậy. Chị đăng kí làm thành viên nói xấu mẹ chồng cho hả dạ.

Tối nay, sau một trận khẩu chiến với chồng, chị đóng cửa kín ngồi một mình. Nghĩ lại chị vẫn ấm ức vì hai vợ chồng bàn nhau mua ti vi Sony màn tinh thể lỏng mới, cái cũ cho cô chị ở dưới quê, nhưng khi chị nhìn thấy lại là cái Samsung, còn cái ti vi cũ mẹ anh đã bán rồi. Chị thấy cái ti vi đen bóng kia như một bức tường mà chị muốn lấy hòn đá to ném cho vỡ toang ra. Chị nổi điên lên thì anh bảo: mẹ anh nói, loại này có nhiều người mua, chắc là nó tốt. Còn cái kia mẹ bán lúc nào anh không biết”.

Anh thì có biết gì đâu, lúc nào cũng mẹ…mẹ… Bao nhiêu bực tức bấy lâu nay chị không kìm chế được, tuôn ra hết như thác nước. Từ đặt tên cho con cũng bị “tranh” mất, cái ga giường mình thích màu vàng, bảo đổi cũng nói mẹ bảo màu ấy xung khắc, muốn nuôi mấy con chim cảnh mẹ sợ điếc tai … lần nào cũng thế. Anh lấy vợ làm gì, ở với mẹ cả đời đi? Anh chỉ biết xin lỗi để làm chị nguôi giận.

Ngân đọc được tâm sự của một chị y như mình ngày vừa về làm dâu: “Không biết có ai lấy phải chồng nghe lời mẹ như tôi không? Khi yêu nhau, tôi thấy anh đi làm về đúng giờ, mẹ mua quần áo gì mặc thế, tôi nghĩ là anh rất ngoan, không đua đòi mà lại tình cảm nên thường xuyên về nhà ăn cơm và mặc đồ mẹ chọn. Bây giờ theo anh về làm vợ, tôi mới hay mình đã tưởng bở.

Chồng tôi chưa khi nào biết bênh vực bảo vệ tôi. Tháng đầu tiên tôi đã có bầu nên được mẹ anh chăm sóc lắm, nhưng sợ nhất là mẹ làm những món tôi ăn không hợp. Tôi nói với chồng nhưng anh nói: Mẹ bảo là chúng tốt cho con của chúng ta, em chịu khó ăn đi. Tôi nhắm mắt, nhắm mũi ăn được một lần rồi thôi. Tôi đối phó bằng cách, sáng dậy đi chợ sớm mua đồ ăn, mẹ ở nhà nấu cơm, thì mình sẽ không bị nuốt những thứ không ưa nữa. Vậy là thành công.

Rồi đến khi cái bụng nó to to, tôi nhõng nhẽo chồng mua váy. Mẹ chồng tôi chặn ngay: “Con nên mặc quần chun cho dễ chịu, mặc váy loè xoè lắm. Hồi trước mẹ toàn cắt mấy cái quần như thế, mặc được mấy lần bầu”. Tôi im de, tỏ vẻ nghe lời, nhưng thật ra tôi đang nghĩ chiến thuật để được mặc váy bầu. Bất ngờ, chiều đi làm về, chồng đưa tôi một túi quần áo.

Tôi tưởng là chồng sẽ chiều mình mà mua váy cơ, ai ngờ là quần mẹ đã đặt thợ may cho tôi từ hồi nào. Tôi xì mặt, chẳng buồn ngó nhìn, chồng an ủi: “Em cứ mặc đi cho mẹ vui”. Sao anh không nói là sẽ mua váy cho em, em mặc váy đẹp cơ mà, em có bầu chứ có phải mẹ đâu. Anh không thích em mặc đẹp chứ gì?” Chồng biết tôi đang tức giận nên không nói gì sợ mẹ nghe thấy.

Tôi ấm ức cả đêm không ngủ được. Kế hoạch của tôi là mai trên đường về nhà ông bà ngoại, ông xã sẽ mua váy cho tôi và nói là của chị gái tôi tặng. Nếu mẹ không thích thì tôi chỉ mặc khi đi làm, còn ở nhà mặc quần. Mẹ chồng tôi giận ra mặt sau vụ này, chồng tôi bảo mẹ già rồi, nghe lời cho mẹ vui. Tôi ức chế quá, thấy chuyện cũng bé thôi, nhưng tôi cứ làm ngược lại cho bõ tức vì chồng lúc nào cũng nghe mẹ. Mẹ chồng cũng hiểu là tôi luôn tìm cách đối phó nên bà bảo là tôi ương bướng, khó chiều. Còn chồng tôi ở giữa cứ nhăn mặt cười trừ”.

Cái gì cũng “mẹ anh”…

Ảnh minh họa

Chiến thuật hợp lý

Đọc tiếp câu chuyện của một người đàn ông đuổi vợ ra khỏi nhà giữa đêm tối khi đang bụng mang dạ chửa vì anh nghe lời mẹ nghi đứa con chị mang không phải là của anh.

Sau đó anh hối hận vô cùng vì đã nông nổi, lúc nào cũng tin tưởng mẹ một cách quá đáng. Chuyện đó mẹ anh cũng chỉ nói để mà hả cái khó chịu trong người vì cảm giác con dâu đã cướp mất con trai của mình. Từ ngày chồng mất, bà ở vậy nuôi con, cái gì cũng dành hết cho anh, và ngược lại. Khi con trai lấy vợ, mẹ cảm giác bị chia sẻ tình cảm cho người khác nên mới gây ra những xích mích nhỏ để anh bớt chiều vợ đi, ai ngờ lại làm hỏng hạnh phúc của con.

Đọc đến đây, Ngân cảm thấy thất vọng về chồng mình và về những người đàn ông này ghê gớm, toàn là những kẻ nhu nhược và không có lập trường, chính kiến. Hai vợ chồng ngoài những cái chung với mẹ thì cũng cần một khoảng trời riêng của hai người. Khi anh đã có gia đình riêng, mẹ anh phải hiểu là việc gì đúng thì theo chứ có phải không nghe mẹ là hư đâu. Quan tâm, chiều theo ý mẹ là đúng, nhưng cũng phải để ý xem vợ nói có hợp lý không chứ. Giá như chồng chịu hiểu cho vợ một chút thì chị sẽ yên lòng mà chiều mẹ vì có chồng làm chỗ dựa, nhưng anh không hiểu điều đó chỉ nghe theo mẹ, khiến nhiều lúc chị có cảm giác như đang bị đẩy ra rìa.

Đến nước này chị phải âm thầm thực hiện những mưu kế Gia Cát Lượng, mong bảo toàn được cuộc sống, sở thích, thói quen của mình để không bị mẹ chồng chi phối. Nếu chồng không dám làm thì ít nhất cũng phải âm thầm ủng hộ vợ. Trước mặt mẹ thì cứ vâng cho mẹ vui vẻ, sau đó thì làm theo ý mình và giải thích với mẹ sau. Cứ thực hiện chiến dịch này dài ngày, rồi mẹ cũng sẽ hiểu nàng dâu chỉ muốn tốt cho cả nhà thôi, nàng không có ý thay thế mẹ hay muốn làm số một trong nhà.

Chiến dịch thực hiện được một tuần, chị được mua những thứ mình thích, trang trí lại nhà cửa theo kiểu mới, nấu món ăn Tây… nhưng mẹ chồng Ngân bỏ về quê vì nghĩ rằng con dâu ra oai, muốn toàn quyền, không cần đến sự có mặt của bà nữa. Chồng trách vợ, vợ giận chổng, không khí gia đình nặng nề. Ngân hiểu rằng, âm thầm chống đối dù hợp lý cũng không mang lại kết quả vì mẹ không hiểu được tấm lòng của mình. Mẹ có gì không đúng thì cần nói để mẹ hiểu, không nên gật gù nghe theo rồi lại ức chế tinh thần.

Cuộc chiến mà cứ kéo dài, thì người khổ nhất là chồng, không nghe theo mẹ thì thành bất hiếu, không chiều ý vợ thì thành hết yêu. Vì vậy, cuối tuần cả nhà về quê đón mẹ lên và chị sẽ gần gũi tâm sự để mẹ hiểu và chồng chị sẽ đứng về phe vợ để giúp hai người phụ nữ đều là số 1 của đời anh hiểu nhau hơn.

Vi Vi

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook