Chủ Nhật, 05/08/2018 | 10:35

Theo các chuyên gia ung bướu, điều trị căn bệnh ung thư là một điều không dễ dàng và vô cùng tốn kém nếu bệnh nhân đến bệnh viện vào giai đoạn muộn.

Cho nên cộng đồng nên quay lại từ gốc – phòng ngừa để hiệu quả điều trị tốt hơn, người bệnh có thể khỏi bệnh hoàn toàn, chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn. về vấn đề tầm soát bệnh ung thư, Sức khỏe & Đời sống cuối tuần có cuộc phỏng vấn TS.BS.CKII. Diệp Bảo Tuấn – Phó giám đốc BV. Ung Bướu TP.HCM.

Tuy không kỳ vọng tất cả người dân đều biết phòng ngừa và chủ động tầm soát bệnh sớm nhưng các chuyên gia hy vọng tỉ lệ này ngày càng tăng theo thời gian.

Xin bác sĩ cho biết tầm quan trọng của tầm soát bệnh ung thư?

TS.BS.CKII. Diệp Bảo Tuấn: Phụ nữ vốn biết làm tóc, làm đẹp, biết sơn móng tay và phải biết tự khám vú đúng cách để sớm phát hiện những bất thường nơi tuyến vú. Thứ hai, mỗi người dân phải đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm một lần.

Vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành một khảo sát nhanh bằng cách tiến hành khám và tầm soát tuyến vú cũng như tuyến giáp cho một số cán bộ công chức ở nhiều cơ quan, công sở. Đây là một tầm soát khá đơn giản, chỉ cần một phòng khám và thiết bị siêu âm, vừa khám bệnh vừa siêu âm. Chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp ung thư giai đoạn rất sớm. Nhiều bệnh ung thư khác cũng có thể tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm như ruột, dạ dày, buồng trứng, cổ tử cung… Người được tầm soát là những người có nhu cầu mới đăng ký tham gia, nhưng họ không chủ động đi khám sức khỏe định kỳ.

Chủ động tầm soát,  bệnh ung thư không phải không thể điều trị!Tầm soát bệnh và được tư vấn điều trị càng sớm, người bệnh càng có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn

Việc chủ động tầm soát sức khỏe sẽ giúp người dân không phải nhập viện khi bệnh quá trễ. BV. Ung bướu TP.HCM là bệnh viện tuyến cuối, hậu quả là nhiều bệnh nhân mang những khối bướu đã lớn hoặc rất lớn đến hàng chục kg tìm đến điều trị. Kỹ thuật điều trị ung thư hiện nay rất tốt, nhưng các bác sĩ tiếp nhận cũng vô cùng “hồi hộp”. Một khối bướu lớn có rất nhiều chuyện xảy ra. Các bác sĩ phải suy nghĩ, đặt phương án, chuẩn bị nhiều thứ từ nhân lực cho đến máu truyền…

Mổ xong, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Theo dõi 7 ngày, bệnh nhân không biến chứng, mừng! Nhưng, hậu quả rất nhiều vì đó là căn bệnh ung thư, di căn… bệnh nhân cần hóa trị, xạ trị. Về lâu dài, người bệnh không có khả năng để theo đuổi hóa trị vì vấn đề sức khỏe, tài chính. Còn nếu ở giai đoạn sớm, mổ là xong và bệnh nhân có thể hoàn toàn khỏe mạnh, cuộc sống bình thường.

Làm sao chúng ta giữ được chức năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư?

BS. Diệp Bảo Tuấn: Đó là bệnh nhân phải đến ở giai đoạn bệnh càng sớm càng tốt, các bác sĩ phải vì tính mạng người bệnh trước, rồi mới tính đến bảo tồn các chức năng sinh sản. Hiện nay, chúng ta có những kỹ thuật điều trị ung thư bảo vệ chức năng sinh sản như: mổ và bảo tồn buồng trứng, trong xạ trị có kỹ thuật cố định buồng trứng ra khỏi vùng xạ, hoặc ứng dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như trữ đông trứng hoặc tinh trùng…

Những kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật robot, chúng ta có thể chưa theo kịp thế giới, nhưng các kỹ thuật đòi hỏi sự tinh tế, chúng ta không thua kém một ai.

Bệnh nhân nữ trẻ bị ung thư phụ khoa hiện nay có nhiều hay không?

BS. Diệp Bảo Tuấn: Những ung thư phụ khoa cơ bản xuất phát từ các tổn thương mạn tính. Đa phần tổn thương mạn tính như các bệnh nhiễm, cần thời gian để bệnh tiến triển nên phụ nữ trẻ thường ít gặp. Tuy nhiên, những tổn thương liên quan đến di truyền, gen, hoặc những nguyên nhân gây bệnh tác động quá mạnh, rút ngắn thời gian khiến bệnh biến thể nhanh hơn. ung thư cổ tử cung dưới 30 tuổi vẫn có thể gặp tại BV. Ung bướu TP.HCM.

HƯỜNG CÁT thực hiện

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook