Đau đầu có thể là hậu quả của một bệnh toàn thân hoặc tổn thương thực thể ở não và vùng sọ mặt.
Đau đầu là một triệu chứng hay gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn là các nguyên nhân không nguy hiểm, các nguyên nhân gây tử vong chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Đau đầu có thể là hậu quả của một bệnh toàn thân hoặc tổn thương thực thể ở não và vùng sọ mặt.
Nguyên nhân gây đau đầu
Nguyên nhân đau đầu rất đa dạng, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu không phải đơn giản.
Năm 1988, Hiệp hội nhức đầu quốc tế (I.H.S) tại Tây Đức đã xây dựng các tiêu chuẩn rõ ràng cho mọi loại nhức đầu. Hội nghị đã phân loại 13 nhóm nguyên nhân gây đau đầu.
– Bệnh Migrain(nhức nửa đầu).
-Nhức đầu do căng thẳng.
– Đau mạch máu mặt và đau nửa đầu từng cơn mạn tính.
– Nhức đầu các loại không phối hợp với rối loạn cấu trúc (nhức đầu tự phát như dao đâm, do lạnh, nhức đầu lành tính liên quan tới ho, gắng sức).
– Nhức đầu phối hợp với một chấn thương sọ não.
– Nhức đầu liên quan tới những rối loạn mạch máu.
– Nhức đầu liên quan tới các bất thường nội sọ không do nguyên nhân mạch máu.
– Nhức đầu liên quan đến dùng hoặc ngừng các thuốc.
– Nhức đầu phối hợp một nhiễm khuẩn nội sọ.
– Nhức đầu liên quan một bất thường chuyển hoá.
– Nhức đầu phối hợp bệnh vùng cổ, sọ, mắt, tai mũi họng, hoặc răng.
– Đau dây thần kinh, đau rễ thần kinh.
– Nhức đầu không phân loại được.
Trước một trường hợp đau đầu cần phải loại trừ các cấp cứu sau:
– Hội chứng tăng áp lực nội sọ (u não, áp xe não, tụ máu trong não..)
– Các tổn thương màng não (Viêm màng não, chảy máu màng não..)
-Bệnh Horton.
-Bệnh não tăng huyết áp.
-Glocom góc đóng.
Trên thực tế thường chia ra hai nhóm lớn: Đau đầu cấp tính và đau đầu mạn tính.
– Nhức đầu cấp tính: Loại đau đầu này phần lớn là do các nguyên nhân tổn thương thần kinh (trừ Glocom góc đóng và cơn tăng huyết áp kịch phát)
+ Bệnh Horton (viêm ĐM thái dương): Thường gặp ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ nữ/nam 3/1.Đau thái dương một hoặc hai bên. Động mạch thái dương nổi cứng, không đập, hoại tử da vùng đầu, đầu lưỡi. Giảm thị lực cùng bên>nguy cơ mù do huyết khối động mạch trung tâm võng mạc. Xét nghiệm máu lắng tăng cao, sinh thiết động mạch thái dương tổ chức viêm. Điều trị corticoid 0,5-1mg/kg/ngày , 3 tuần > giảm dần> duy trì 10-20mg/ngày trong1-2 năm.
+ Chảy máu não và màng não: Thường khởi phát đột ngột, đau đầu dữ dội, nôn, rối loạn ý thức kèm theo dấu hiệu màng não hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú, chẩn đoán dựa vào chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chọc dò dịch não tuỷ.
+ Áp xe não: Nhức đầu thường đi kèm tình trạng nhiễm khuẩn, phối hợp với triệu chứng thần kinh khu trú.
+ Viêm màng não cấp: Thường đau đầu dữ dội kèm theo sốt, gáy cứng.
+ Cơn tăng huyết áp: Cần đo huyết áp ở tất cả bệnh nhân đau đầu.
– Nhức đầu mạn tính: Do rất nhiều nguyên nhân, không chỉ gặp trong các bệnh có tổn thương thần kinh mà còn gặp trong cả các bệnh vùng hàm mặt, nội khoa toàn thân.
+ Đau đầu Migrain: Là chứng đau nửa đầu dữ dội, thường gặp ở nữ, thường xảy ra từng cơn. Điều trị cắt cơn thường bắt đầu sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, 4 loại thuốc có tác dụng là thuốc giảm đau thông thường, thuốc giảm đau không steroid, dẫn chất cựa lúa mạch, chất đồng vận tiết serotonin 5HT1.
Điều trị nền (điều trị dự phòng): khi ≥ 3 cơn/ tháng, kéo dài 2-3 tháng.
– Nhóm ergotamin: tamik 3mg ngày 2-3 viên, thận trọng đối với các trường hợp bệnh nhân có các bệnh tim mạch.
– Chẹn beta.
– Chẹn calci: Sibelium 5mg 1-2 viên/ ngày.
– Chống trầm cảm: amitryptilin 1-2 viên/ ngày.
+ Đau đầu do căng thẳng: Liên quan tâm lý và tư thế của đầu.Sự co thắt các cơ vùng đầu – cổ. Cảm giác “bó chặt’’, không theo mạch đập.Cơn vài phút – vài ngày, dai dẳng tái diễn. Không có các đặc tính của Migrain.
+ Đau đầu do các chuyên khoa kế cận: bệnh về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng đặc biệt hay gặp trong viêm xoang cấp.
+ Đau đầu nguồn gốc tâm thần: Chiếm 50% trường hợp. Kiểu đau đa dạng, cảm giác “đầu trống rỗng”.Sự mất cân xứng giữa mức độ đau và sự chịu đựng của bệnh nhân.Nguyên nhân: trạng thái lo âu ám ảnh, nghi bệnh, rối loạn phân ly, hội chứng trầm cảm….Điều trị: Thuốc chống trầm cảm dùng liều thấp sau đó tăng dần kết hợp với các liệu pháp tâm lý.
Nguyên tắc điều trị đau đầu
Đối với tất cả các trường hợp đau đầu đều phải được điều trị theo nguyên nhân, đặc biệt cần được chẩn đoán sớm các đau đầu cấp cứu. Đối với các đau đầu chưa rõ nguyên nhân nguyên tắc chung là dùng giảm đau và an thần không gây nghiện.
BV Bạch Mai.
Chưa có bình luận.