Thứ Bảy, 19/08/2017 | 21:55

Nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cặp vợ chồng phải gắn bó với chiếc xe lăn cả đời đã có thể sinh con.

Tại Hội thảo kỷ niệm 4 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, hình ảnh bé Lê Trương Phúc An (4 tháng tuổi) bụ bẫm ngồi trong lòng cha mẹ – cặp vợ chồng cùng ngồi trên xe lăn khiến mọi người đều xúc động.

Bé là con của anh Lê Văn Năm (33 tuổi, Nông Cống, Thanh Hóa) và chị Trương Thị Hà (39 tuổi, Nông Cống, Thanh Hóa) sau 4 năm điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Cặp vợ chồng khuyết tật trở thành cha mẹ nhờ thụ tinh ống nghiệm

Vợ chồng anh Nam hạnh phúc vì có con, ước mơ tưởng chừng khó thành sự thật. Ảnh: HQ.

“Để có được đứa con này chúng tôi đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thời gian đi lại phải tính tới hàng nghìn km. Vợ tôi đã phải đánh cược cả tính mạng của mình để có thể sinh con”, anh Nam chia sẻ.

Khi quyết định có con, vợ chồng anh vấp phải sự phản đối của cả gia đình bởi việc có một đứa con đối với một cặp vợ chồng cùng bị liệt được cho là điều không thể. Chị Hà bị liệt bẩm sinh, còn anh Nam cũng không may mất đi đôi chân vì tai nạn năm 19 tuổi. Niềm đồng cảm đã đưa hai anh chị đến với nhau và thành vợ chồng.

Nhiều năm chung sống, nhìn thấy các gia đình khác có con, anh Nam và chị Hà cũng thèm khát được tận hưởng hạnh phúc làm cha mẹ. Do đó, bất chấp sự ngăn cản, anh chị quyết định sinh con thay vì nhận con nuôi.

Không thể có con bằng cách tự nhiên, hai vợ chồng đã tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để xin làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, là người đã tiếp nhận ca bệnh đặc biệt này.

“Tôi đã khuyên chị Hà không nên mang thai vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cương quyết mong muốn được làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi đã bị lay động trước quyết tâm đó nên đã đồng ý giúp”, thạc sĩ Hiền chia sẻ.

Chuyên gia nhận định đây là một ca bệnh rất khó vì người chồng không có tinh trùng, vợ liệt ngồi một chỗ. Một người bị liệt mang thai sẽ khó khăn gấp trăm vạn lần người bình thường. Nhưng cả người bệnh và bác sĩ đều quyết tâm.

“Khi bác sĩ thông báo tinh trùng của tôi chết và nằm bất động, bị dị dạng nên khả năng thành công không cao. Nghe tin đó, chúng tôi thật sự buồn chán. Dường như đọc được tâm lý lo lắng của chúng tôi, bác sĩ Hiền đã nhanh chóng trấn tĩnh, động viên và chia  sẻ câu chuyện thành công của các ca khác, điều đó khiến chúng tôi ấm lòng và tin tưởng và càng quyết tâm hơn”, anh Nam chia sẻ thêm.

Lần đầu tiên chuyển phôi tươi của vợ chồng chị Hà bị thất bại. Trong lần thứ hai, may mắn đã mỉm cười với đôi vợ chồng này.

“Khi bác sĩ thông báo vợ chồng tôi được 10 phôi thành công. Lúc đó tôi mừng phát khóc mà phải cố kìm nén giọt nước mắt, để không ảnh hưởng đến tâm lý. Sau 15 ngày đặt phôi, khi kiểm tra có thai, vợ chồng tôi đã ôm nhau khóc nức nở”, anh Nam nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc.

Ngày 1/5, bé Phúc An chào đời, nặng 2,7 kg trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả gia đình, nhất là người mẹ khuyết tật.

Chị Hà tâm sự có được cháu Phúc An vợ chồng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và vất vả. Cả hai phải nhờ đến các bác sĩ, bảo vệ của bệnh viện che mưa nắng, đẩy xe lăn, bế lên gường bệnh để chọc trứng, lấy tinh trùng. Thậm chí, trong thời gian mang bầu, chị phải nằm bất động trên giường không dám đi lại.

Khi mang thai tháng thứ 8, chị bị vỡ ối và phải mổ cấp cứu. “Thời gian mang thai lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo lắng, 3 tháng đầu thì sợ sảy sớm, 3 tháng cuối thì sợ sinh non. Chỉ khi nghe tiếng khóc của con tôi mới thở phào nhẹ nhõm, khóc trong niềm hạnh phúc”, chị Hà nói trong nước mắt.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết hiện Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn (tương đương với một triệu người).

Tuy nhiên, các cặp vợ chồng có thể tin tưởng vào quy trình, công nghệ hỗ trợ sinh sản tại các bệnh viện trong nước và tay nghề các y, bác sĩ chuyên khoa hiện nay. Ngoài ra, kinh phí điều trị ở Việt Nam so với các nước khác đang ở mức thấp nhất (khoảng 60 triệu đồng). Càng để lâu, cơ hội có con sẽ cảm giảm, vì vậy, các cặp vợ chồng cần sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp.

 

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook