Cảnh bảo sự nguy hiểm của vi khuẩn Hp và đường lây nhiễm
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là gì?
Vi khuẩn Hp (tên đầy đủ là Helicobacter pylori hay H. pylori) là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người. Để có thể tồn tại trong môi trường của acid dạ dày, vi khuẩn Hp tiết ra một loại enzyme tên Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày.
Khi vào cơ thể, Vi khuẩn HP chui vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn; làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ và tạo một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhầy. Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP mà không diệt trừ thì gây ra tổn thương viêm loét dạ dày rất khó chữa.
Từ sự hủy hoại này, niêm mạc dễ dàng bị ăn mòn bởi chất axit có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, gây ra viêm loét dạ dày hay tá tràng.
Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể phát triển mà không có bất kỳ biểu hiện đặc biệt nào, đôi khi tồn tại suốt đời. Một số trường hợp thì có các triệu chứng thường thấy là đau thượng vị, ợ chua, cồn cào, nóng rát sau xương ức…
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, 80% bệnh về dạ dày chính là do vi khuẩn này gây ra. Theo thống kê tại các bệnh viện, cứ 10 người bị đau dạ dày thì có đến 8 người bị nhiễm vi khuẩn Hp.
Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây ra những tổn thương khác như loét hoặc trong số ít trường hợp có thể phát triển thành ung thư dạ dày tùy vào từng loại vi khuẩn Hp. Có những tuýp nguy hiểm ở đó có sự xuất hiện của các kháng nguyên bề mặt như Vag A, Cag A là những chủng nguy hiểm.
Việt Nam là nước có tỷ lễ nhiễm Hp cao trên thế giới với 70% dân số. Tuy nhiên tỷ lệ mắc Hp cao nhưng đa phần là vi khuẩn lành tính.
Ai có thể bị nhiễm vi khuẩn Hp?
Hiện nay, ước tính có khoảng 2/3 dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP. Đây được coi là loại nhiễm khuẩn mãn tính phổ biến nhất trên người chỉ xếp sau vi khuẩn gây sâu răng. Tỉ lệ nhiễm khuẩn dao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vị trí địa lý cũng như chất lượng cuộc sống. Cách thức lây nhiễm thường là truyền từ người này sang người khác.
Thông thường, bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn HP từ khi còn nhỏ. Hầu hết người bị nhiễm Hp trong suốt cuộc đời, có thể không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng. Hiện nay, ở Việt Nam, người ta ước tính có khoảng hơn 70% dân số nhiễm vi khuẩn này trước tuổi 20.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp rất cao, tuy nhiên phần lớn những người bị nhiễm (80%) đều không có triệu chứng cũng như biến chứng. Sự nhiễm khuẩn này nhìn chung rất lặng lẽ, tuy vậy thông thường nó gây ra những cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc loét dạ dày.
1% những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có nguy cơ gây ung thư. Đây cũng là vi khuẩn đầu tiên có khả năng gây ra sự phát triển thành ung thư.
Vi khuẩn Hp lây nhiễm theo những con đường nào?
– Lây qua đường miệng – miệng: Như đã nói, vi khuẩn Hp có thể bám tại khu vực cao răng, khoang miệng nên việc ăn uống chung đụng, hôn nhau, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân (bàn chải) đều có thể bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
– Lây qua đường dạ dày – miệng: So với những trường hợp lây nhiễm vừa liệt kê bên trên, con đường lây nhiễm này khá hiếm gặp. Khi bị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ợ hơi, ợ chua. Vi khuẩn Hp từ dạ dày đi lên theo luồng hơi và tăng nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân nào hít phải luồng hơi đó.
– Lây qua đường dạ dày – dạ dày: Trường hợp này hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Nếu như bác sĩ nội soi cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Hp mà không vệ sinh sạch sẽ rồi tiếp tục dùng chúng cho những bệnh nhân sau đó thì nguy cơ gây lây nhiễm trực tiếp là rất lớn vì loại vi khuẩn này có thể tồn tại ngoài không khí khoảng 4-8 giờ đồng hồ. Vì thế, khi đi nội soi dạ dày, bạn nên chọn lựa những cơ sở khám bệnh uy tín, đáng tin cậy.
– Lây qua đường phân – miệng: Vi khuẩn Hp tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua yếu tố trung gian như: côn trùng, gián, kiến trú tại phân sau đó bám vào thức ăn. Hoặc việc ăn những loại rau củ không đảm bảo vệ sinh khi được tưới nước phân cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Một số biện pháp phòng vi khuẩn Hp lây nhiễm.
Không ăn uống chung, không gắp thức ăn cho nhau, không chấm chung chén, không dùng chung chén, đũa, không dùng đũa chọc ngoáy vào thức ăn.
Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như chải đánh răng.
Đối với trường hợp bố, mẹ, ông, bà, anh chị… bị nhiễm vi khuẩn Hp, tránh mớm thức ăn cho trẻ.
Không ăn thức ăn vỉa hè, đồ ăn nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hạn chế ăn gỏi sống, tiết canh bởi chúng không tốt cho dạ dày và tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp.
Nguồn nước uống và sinh hoạt hằng ngày cần đảm bảo vệ sinh.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, diệt côn trùng, ruồi muỗi, tắm cho động vật nuôi trong nhà. Khi chưa ăn nên dùng lồng bàn đậy thức ăn lại để tránh thức ăn bị côn trùng xâm nhập.
Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường của cơ thể.
Lưu ý:
Nếu kết quả xét nghiêm dương tính với vi khuẩn Hp, người bệnh cần dùng thuốc theo phác đồ cụ thể của bác sĩ để tiêu diệt, từ đó tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Tóm lại, vi khuẩn Hp có khả năng lây từ người này sang người khác theo nhiều con đường, trong đó con đường ăn uống là phổ biến nhất. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, đồng thời áp dụng những biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây nhiễm cho người xung quanh.
Không phải 100% người nhiễm Hp phải tiêu diệt Hp, việc tiêu diệt Hp tùy thuộc chủng cũng như biểu hiện trên lâm sàng. Vì thế, đối với nhiễm Hp mà trên lâm sàng đặc biệt qua nội soi phát hiện tổn thương thì cần phải tiêu diệt, hoặc tiền sử trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, hoặc người trên 40 tuổi có nguy cơ cao thì nên diệt trừ Hp.
Yhocvn.net
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Vi khuẩn Hp (helicobacter pylori) sống như thế nào, thực phẩm nào trị được vi khuẩn Hp
+ Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn HP dạ dày mới nhất của Bộ Y tế, theo bác sĩ bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.