Thứ Năm, 27/06/2019 | 16:24

Hiện nay tình trạng sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của Bác sĩ đang diễn ra khắp cả nước, điều này gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở mức đáng báo động. Trong đó vi khuẩn Helicobacter pylori(Hp) nằm trong tình trạng chung này. Do điều trị vi khuẩn Hp phải dùng nhiều thuốc kết hợp, sử dụng đúng liều lượng, thời gian quy định mới có thể điều trị diệt được vi khuẩn này. Việc sử dụng tuỳ tiện sai phác đồ, dùng không đúng thuốc diệt vi khuẩn Hp có thể mang lại hậu qủa nghiêm trọng, đặc biệt sự kháng thuốc của vi khuẩn gây khó khăn trong điều trị sau này.

Bộ Y tế đánh giá tình hình bệnh tại Việt Nam đã đưa ra phác đồ chuẩn để áp dụng trên cả nước trong chẩn đoán và điều trị tiệt trừ Hp, được giới chuyên môn ưu tiên dùng cho người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ để mang lại hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp)

Tuân thủ phác đồ điều trị vi khuẩn Hp giúp đạt kết quả tiêu diệt được vi khuẩn Hp.

I. Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn HP dạ dày mới nhất của Bộ Y tế, theo bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

Vi khuẩn Helicobacter pylori là trực khuẩn Gram âm vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày, tiết chất kích thích niêm mạc dạ dày tăng tiết nhiều axit hơn, đồng thời làm giảm chức năng bảo vệ của niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, niêm mạc dạ dày bị xung huyết, viêm, loét, chảy máu dạ dày, nguy hiểm hơn có thể gây thủng dạ dày.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày.

Việc diệt trừ tận gốc loại vi khuẩn Hp không hề đơn giản vì tốc độ phát triển của vi khuẩn rất nhanh. Vi khuẩn Hp cũng có sức đề kháng cao, có thể sinh sống ở môi trường khắc nghiệt như dạ dày nên rất khó tiêu diệt triệt để. Ngoài ra tỷ lệ nhiễm Hp ở Việt Nam rất cao nên khả năng tái nhiễm sau điều trị cũng là yếu tố làm việc khống chế vi khuẩn trở nên khó khăn hơn.

Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh dạ dày – hành tá tràng, bệnh nhân nên sớm đến thăm khám để được bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán bệnh. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị diệt vi khuẩn Hp phù hợp nhất cho bạn.

Vi khuẩn Hp có khả năng tiết nhiều loại độc tố làm suy yếu khả năng chống đỡ của niêm mạc và gia tăng lượng axit trong dạ dày.

Một số xét nghiệm chẩn đoán xác định bạn có bị nhiễm vi khuẩn Hp hay không?

Để chắc chắn rằng mình có bị nhiễm vi khuẩn Hp hay không, một số xét nghiệm giúp kiểm tra điều đó.

Nội soi kiểm tra tình trạng dạ dày tá tràng và xét nghiệm vi khuẩn Hp

Cách phổ biến nhất giúp phát hiện dạ dày bạn có thực sự tồn tại vi khuẩn Hp không chính là nội soi. Bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi đưa vào dạ dày theo đường thực quản, sau đó lấy mảnh sinh thiết tại một số vị trí của dạ dày để làm xét nghiệm urease test hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Như vậy, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng nhiễm vi khuẩn Hp của người bệnh.

Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm khuẩn Hp trong dạ dày của bệnh nhân và đánh giá được mức độ thương tổn, vị trí thương tổn, từ đó đưa ra chẩn đoán về bệnh và có phác đồ điều trị chính xác nhất.

Test hơi thở chẩn đoán nhiễm Hp

Bên cạnh nội soi thì test hơi thở cũng là một cách kiểm tra bạn có bị nhiễm khuẩn Hp hay không. Bạn sẽ được đưa một túi thở và thở vào đó. Có 2 dạng thiết bị test thở: test thở sử dụng bóng (thở vào thiết bị có hình dạng giống quả bóng) và test thở sử dụng ống (thổi vào thiết bị có hình dạng giống thẻ ATM). Sau đó các dụng cụ này được đưa vào máy phân tích rồi đưa ra kết quả.

Test hơi thở giúp bạn kiểm tra trong dạ dày có chứa vi khuẩn Hp hay không.

Hơi thở của bạn sẽ được thiết bị trên đánh giá, phân tích xem có dương tính với vi khuẩn Hp hay không. Nếu kết quả dương tính tức là bạn đã nhiễm khuẩn, còn âm tính thì ngược lại.

Test hơi thở cho kết quả chính xác và phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là trẻ em, những người đã điều trị vi khuẩn Hp và có ý định đánh giá lại hiệu quả diệt trừ vi khuẩn Hp.

Xét nghiệm phân

Vi khuẩn Hp có trong dạ dày nên sẽ được thải qua đường phân. Xét nghiệm phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang(ELISA) sẽ giúp phát hiện vi khuẩn Hp chính xác.

Cách thức này tiện lợi cho bệnh nhân, kết quả đưa ra chính xác, chi phí hợp lý nhưng điểm hạn chế của phương pháp này là không cho kết quả nhanh chóng. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh và kỹ thuật khi đi lấy phân xét nghiệm gây nhiều trở ngại với bệnh nhân và kỹ thuật viên.

Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng Hp

Khi nhiễm khuẩn Hp, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống Hp. Loại kháng thể này có trong máu nên có thể kiểm tra vi khuẩn Hp thông qua việc xét nghiệm máu. Hiện này, hầu hết các tỉnh và thành phố có phòng xét nghiệm áp dụng cách thức test này.

Xét nghiệm máu giúp kiểm tra vi khuẩn Hp có tồn tại trong dạ dày hay không. Tuy nhiên, đây không phải là loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện. Nguyên do là vì vi khuẩn Hp có thể ẩn náu ở một số khu vực khác như xoang, đường ruột, khoang miệng và không gây bệnh. Hoặc cũng có thể vi khuẩn Hp trong dạ dày đã được diệt hết, xong kháng thể vẫn tồn tại trong máu một thời gian, có khi vài tháng, thậm chí là vài năm. Do đó, nếu chỉ dựa trên xét nghiệm máu để đưa ra kết luận thì kết quả đó có độ tin cậy không cao.

Xét nghiệm nước bọt tìm Hp

Người bệnh được lấy mẫu nước bọt đưa vào que thử xác định có vi khuẩn bằng đối chiếu đổi màu que thử với màu mẫu

Khi các kết quả xét nghiệm trên cho kết quả dương tính, nghĩa là bạn đã nhiễm vi khuẩn Hp thì bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để có được phác đồ trị vi khuẩn Hp phù hợp.

Dưới đây là phác đồ điều trị vi khuẩn Hp dạ dày mới được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai sử dụng và được Bộ Y tế cập nhật, giúp điều trị diệt và ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn Hp tốt nhất.

Bệnh nhân khuyến cáo nên được làm kháng sinh đồ trước khi tiến hành điều trị diệt Hp để hiệu quả diệt Hp đạt tối đa.

Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn HP dạ dày mới nhất của Bộ Y tế, theo bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

1.  Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn Hp bậc 1: Liệu pháp ba thuốc

– Đối tượng áp dụng: phác đồ này áp dụng với những bệnh nhân mới điều trị lần đầu hoặc mức độ nhiễm khuẩn Hp ở mức độ nhẹ.

– Thời gian áp dụng: Phác đồ điều trị bậc 1 có thời hạn loại bỏ vi khuẩn từ 7-14 ngày.

– Các liệu pháp được sử dụng như sau:

*Liệu pháp đầu tiên

Tiêu chuẩn trị liệu 3: amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày), PPI (2 lần/ ngày), clarithromycin 500mg (2 viên/ ngày), dùng trong vòng 7 -14 ngày.

Hoặc điều trị phác đồ: amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày), metronidazole 500mg (2 viên/ ngày) và PPI (2 lần/ ngày), dùng trong 7-10 ngày.

Liệu pháp phối hợp: đây là liệu trình kép

+ 7 ngày đầu: PPI (2 lần/ ngày), amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày)

+ 7 ngày sau: PPI (2 lần/ ngày, amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày), metronidazole 500mg (2 viên/ ngày) và clarithromycin 500mg (2 viên/ ngày).

Phác đồ có bốn thuốc có bismuth gồm: PPI (2 lần/ ngày), tetracycline 250mg (4 viên/ ngày), metronidazole (2 viên/ ngày), bismuth (4 viên/ ngày) dùng đều đặn trong 10-14 ngày.

Phác đồ 3 thuốc áp dụng với những bệnh nhân mới điều trị lần đầu hoặc mức độ nhiễm khuẩn ở mức nhẹ.

* Liệu pháp trị liệu lần 2:

 Liệu pháp điều trị ba thuốc có Levofloxaci: PPI (2 lần/ ngày), amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày) và levofloxacin 500mg (1 viên/ ngày) dùng trong vòng 10 ngày.

 Liệu pháp bốn thuốc có bismuth bao gồm: PPI (2 lần/ ngày), tetracycline 250mg (4 viên/ ngày), bismuth (4 viên/ ngày) và metronidazole 500mg (2 viên/ ngày), dùng trong vòng 10- 14 ngày

* Liệu pháp đều trị lần 3:

Trị liệu 4 thuốc với Levofloxacin gồm: levofloxacin 500mg (1 viên/ ngày), bismuth (4 viên/ ngày), PPI (2 lần/ ngày), amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày) dùng trong 10 ngày.

-Trị liệu thuốc có bismuth gồm: PPI (2 lần/ ngày), amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày), levofloxacin 500mg (1 viên/ ngày), bismuth (4 viên/ ngày).

– Đánh giá phác đồ điều trị diệt Hp

Ưu điểm: Bệnh nhân bị dị ứng Penicilin có thể áp dụng phác đồ này.

Nhược điểm: Đây là phác đồ phổ biến tại Mỹ, ở Việt Nam ít sử dụng do tỷ lệ vi khuẩn Hp kháng Metronidazole cao.

2/ Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp bậc 2: Liệu pháp trị liệu 4 thuốc

– Đối tượng áp dụng: Nếu bệnh nhân đã sử dụng liệu pháp điều trị 3 thuốc nhưng không có hiệu quả, hoặc hiệu quả mang lại không cao thì lúc này, bác sĩ sẽ chuyển sang phác đồ điều trị tiếp theo với 4 thuốc.

– Thời gian áp dụng: 10-14 ngày

– Các liệu pháp được sử dụng như sau: Phác đồ này chia làm 2 loại, có hoặc không sử dụng Bismuth.

Phác đồ 4 thuốc không sử dụng Bismuth gồm: Amoxicillin 500mg (2 viên/ ngày), PPI (2 lần/ ngày), Clarithromycin 500mg (2 viên/ ngày) và Metronidazole 500mg (2 viên/ ngày).

Phác đồ 4 thuốc có sử dụng Bismuth gồm: Kết hợp Metronidazole 250mg (hay Tinidazole) 4 viên/ngày, Tetracyclin 250mg 4 viên/ ngày và PPI (2 lần/ngày) (hoặc thay PPI bằng Ranitidin 150mg/2 lần/ ngày), Bismuth 120mg/ 4 viên/ ngày.

Khi bệnh nhân đã sử dụng phác đồ điều trị 3 thuốc nhưng không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo với 4 thuốc.

Đánh giá phác đồ điều trị Hp

 Ưu điểm: khắc phục liệu pháp trị liệu 3 thuốc

 Nhược điểm: Phác đồ có thể làm tăng khả năng kháng kép của vi khuẩn Hp, gây khó khăn cho việc dung nạp thuốc vì sử dụng quá nhiều thuốc khác nhau.

3/ Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn Hp nối tiếp

– Đối tượng áp dụng: Phác đồ này được xem là kế tiếp nhưng đôi khi có thể dùng ngay từ đầu với 2 liệu trình.

– Các liệu pháp được sử dụng như sau:

* Liệu pháp trị liệu đầu tiên: PPI (2 lần/ngày), Amoxicillin 500mg 2viên/ ngày.

* Liệu pháp trị liệu tiếp theo: PPI (2 lần/ngày), Tinidazole 500mg (2 viên/ngày) và Clarithromycin 500mg (2 viên/ngày).

Phác đồ này được xem là nối tiếp nhưng đôi khi có thể dùng ngay từ đầu với 2 liệu trình.

4. Phác đồ điều trị diệt Hp với trẻ dưới 10 tuổi

Nên làm kháng sinh đồ trước khi diệt vi khuẩn Hp

Phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm với từng loại kháng sinh.

– Nhạy cảm với Clarithromycine và Metronidazole:

PPI + AMO + CLA, 14 ngày với liều tiêu chuẩn

– Kháng clarithromycine và nhạy cảm với metronidazole:

PPI + AMO + MET, 14 ngày hoặc bismuth liều cơ bản

– Kháng metronidazole và nhạy cả với clarithromycine:

PPI + AMO + CLA, 14 ngày hoặc bismuth liều cơ bản

– Kháng clarithromycine và kháng metronidazole

PPI + AMO + MET, 14 ngày với liều cao amoxicillin hoặc có bismuth liều cơ bản

– Nếu không biết sự nhạy cảm của kháng sinh:

Liều cao PPI + AMO + MET, 14 ngày hoặc bismuth liều cơ bản

* Liều các thuốc điều trị  diệt Hp:

– PPI: tượng ứng với trọng lượng cơ thể:

15-24kg; sáng 20mg, chiều 20mg

25-34kg; sáng 30mg, chiều 30mg

hơn 35kg; sáng 40mg, chiều 40mg

– Amoxicillin:

15-24kg; sáng 500mg, chiều 500mg

25-34kg; sáng 750mg, chiều 750mg

hơn 35kg; sáng 1000mg, chiều 1000mg

– Clarithromycin

15-24kg; sáng 250mg, chiều 250mg

25-34kg; sáng 500mg, chiều 250mg

hơn 35kg; sáng 500mg, chiều 500mg

– Metronidazole

15-24kg; sáng 250mg, chiều 250mg

25-34kg; sáng 500mg, chiều 250mg

hơn 35kg; sáng 500mg, chiều 500mg

– Bismuth

<10 tuổi: 262 QID; >10 tuổi 524 QID

Các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp:

– Amoxicilline: Thuốc kháng sinh nhóm penicillin có tác dụng ức chế tổng hợp vách tế bào, khá bền với PH axit, hấp thu tốt ở dạ dày và niêm mạc ruột. Trong môi trường PH từ 5.5-7.5 thì hoạt tính của thuốc tăng 10- 20 lần. Đây là thuốc hiệu quả cao diệt Hp, tỷ lệ kháng thuốc thấp, ít tác dụng phụ. Lưu ý với người bệnh có dị ứng với nhóm penicillin.

– Tetracycline: kháng sinh nhóm macrolide. Thuốc hoạt động tốt trong môi tường axit, hấp thu tốt ở niêm mạc dạ dày.

– Metronidazole và Tinidazole: 2 loại thuốc kháng sinh này không phụ thuộc vào nồng độ PH trong dạ dày. Thuốc có khả năng tập trung ở niêm mạc dạ dày, nồng độ cao nhất là ở trong chất nhầy dạ dày, được bài tiết ở ruột và nước bọt.

– Clarithromycin: Kháng sinh có tác dụng ức chế tổng hợp protein ở vi khuẩn. Thuốc thấm tốt trong niêm mạc dạ dày và không bị ảnh hưởng bởi dịch vị. Thuốc ít gây tác dụng phụ.

– Bismuth: Thuốc có vai trò ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp, củng cố thêm hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Kết quả điều trị

Khoảng 80-85% bệnh nhân khi áp dụng phác đồ điều trị diệt Hp này sẽ giảm nhanh triệu chứng, đồng thời ngăn chặn bệnh phát triển và hạn chế tái phát của bệnh.

Lưu ý trong quá trình điều trị diệt vi khuẩn Hp:

– Quá trình diệt vi khuẩn Hp không đơn thuần là cuộc chiến của bác sĩ mà đòi hỏi sự phối hợp của người bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ để nhanh khỏi bệnh. Nếu không tuân thủ lộ trình điều trị, rất dễ xảy ra hiện tượng kháng thuốc, nhờn thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị diệt Hp.

– Cần có sự chỉ định của bác sĩ khi dùng thêm thuốc hoặc có phương pháp hỗ trợ điều trị khác.

– Tuyệt đối không dùng các loại thuốc dạng kit dạ dày chứa PPI, Tinidazole, Clarithromycin, để tiêu diệt vi khuẩn Hp.

Thực trạng hiện nay vi khuẩn Hp kháng kháng sinh

Theo số liệu thống kê gần đây, vi khuẩn Hp nhạy cảm với nhiều kháng sinh trong ống nghiệm. Từ năm 2014-2018 tình trạng kháng khuẩn ngày càng tăng, cho đến nay con số này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra toàn bộ số liệu kháng kháng sinh của vi khuẩn Hp như sau:

47,22% đối với metronidazole.

19,47% đối với clarithromycin.

14,67% đối với amoxicillin.

Ngày nay, tỉ lệ vi khuẩn Hp kháng thuốc ngày càng cao, gây khó khăn cho công tác điều trị

1/ Kháng thuốc Metronidazole

Thuốc kháng sinh Metronidazole được dùng phổ biến rộng rãi và được áp dụng để điều trị diệt vi khuẩn Hp. Theo thống kê của tổ chức Who gần đây nhất cho thấy: Tỉ lệ trung bình kháng hiện nay là 47.22% cao nhất trong các loại kháng sinh. Trong đó, khu vực châu Á chiếm tỉ lệ cao nhất tỉ lệ 46.5%, theo sau là các nước phát triển với tỉ lệ 30%.

Sở dĩ có con số cao như vậy vì Metronidazole được ứng dụng để điều trị bệnh nhiễm khuẩn như: phụ khoa, ký sinh trùng, nha khoa. Do đó, khi dùng thuốc này để tiêu diệt vi khuẩn Hp thường xảy ra hiện tượng kháng Metronidazole.

2/ Kháng thuốc Clarithromycin

Thuốc kháng sinh Clarithromycin thuộc loại kháng sinh mạnh được bổ sung trong đơn thuốc để điều trị vi khuẩn Hp. Thuốc phát huy tác dụng kháng khuẩn rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách có thể gây kháng kháng sinh Hp hay còn gọi là lờn thuốc. Tỉ lệ trung bình kháng Clarithromycin hiện nay là 19.47%.

Kháng thuốc Clarithromycin diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến rộng rãi các quốc gia khu vực châu Á. Ở Ấn Độ tỉ lệ kháng thuốc cao nhất (58.8%), Trung Quốc xếp thứ 2 với tỉ lệ người kháng thuốc là 46.54%.

Sở dĩ tỷ lệ kháng cao như vậy là do người bệnh lạm dụng Clarithromycin cho nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa và hô hấp. Do vậy, tỉ lệ kháng Clarithromycin ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực khác nhau.

3/ Kháng thuốc Amoxicillin

Amoxicillin là thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Hp cao nhất, có thể dùng thay thế Metronidazole khi xảy ra tình trạng kháng Metronidazole cao. Tuy nhiên, chỉ qua một thời gian ứng dụng thuốc điều trị, tỉ lệ kháng thuốc cũng đã tăng vọt lên 14.67%. Để diệt trừ tận gốc vi khuẩn Hp – thủ phạm gây các bệnh liên quan đến dạ dày tá tràng, đặc biệt bệnh ung thư dạ dày, quá trình điều trị cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng kháng thuốc dẫn đến việc trị liệu sau này càng khó hơn. Người bệnh cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc dùng theo người khác sẽ gây nguy hiểm cho bản thân do có thể dị ứng và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai (yhocvn.net)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook