Thứ Tư, 16/12/2015 | 10:13

Con trai tôi đang học lớp 2, mỗi lần không ưng ý chuyện gì là bé dỗi và bỏ ra góc ngồi một mình. 

Mỗi lần bé dỗi thì luôn có người tới hỏi thăm, dỗ dành, năn nỉ nhưng bé vẫn không chịu và cứ ngồi im lặng. Tôi quyết định không cho anh chị bé lại hỏi han khi con dỗi những chuyện vặt vãnh như chơi trò bé không thích, em giành đồ chơi, hay những khi bị người lớn mắng vì sai. Thời gian đầu, bé chỉ ngồi một lúc, đến khi chán thì ra chơi với mọi người. Nhưng dạo gần đây, bé cứ ngồi mãi khiến tôi cảm thấy bất lực, không thể giải quyết được vấn đề. Ba mẹ, ông bà, anh chị trong gia đình đều không thể nói được bé. Có ai có cách gì giúp nhà tôi với. (Thanh)

Cách nào sửa tính hay hờn dỗi của bé trai

Ảnh minh họa: Sadboywallpaper.

Trả lời

Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ đã qua giai đoạn hay nổi giận nhưng vẫn chưa thực sự dễ bảo. Trẻ có thể từ chối yêu cầu khi người khác gọi, phớt lờ khi được yêu cầu và trả lời cáu kỉnh. Bạn đừng thất vọng, đó là do các bé ở lứa tuổi này đang muốn thử nghiệm các chỉ dẫn và mong đợi của người lớn. Khi thách thức, trẻ đang tìm cách tự đòi quyền lợi. Khi trưởng thành và hiểu về thế giới xung quanh nhiều hơn, trẻ sẽ có quan điểm riêng về các mối quan hệ và các nguyên tắc.

Phản ứng với những điều mình không hài lòng bằng cách im lặng, bỏ ra góc khác như cháu trai của bạn là điều dễ hiểu. Những thành viên trong gia đình  không thể ép buộc sự thay đổi hành vi của trẻ ngay lập tức nhưng những bước dưới đây sẽ giúp cho trẻ trải qua giai đoạn nhạy cảm này một cách dễ dàng hơn. Gia đình nên thống nhất cách xử lý với tình trạng của bé, cụ thể gồm :

– Bước 1: Cải thiện lại mối quan hệ giữa bé và các thành viên trong gia đình bằng cách tập trung chú ý đến trẻ trong những hoạt động chung.

– Bước 2:  Đưa ra một hệ thống các luật lệ trong gia đình một cách rõ ràng như chơi thân thiện với em; nếu hoàn thành nhiệm vụ của mình sẽ được tích điểm tốt và đổi thưởng; thực hiện yêu cầu của mẹ, ông, bà trong vòng 5 giây…

–  Bước 3: Xây dựng một hệ thống điểm thưởng tương ứng với những hành động đã được nêu trên cũng như các phần thưởng mà cha mẹ, các thành viên  trong gia đình có thể đáp ứng được trong từng ngày, từng tuần hoặc từng tháng.

– Bước 4: Thay thế những hình phạt như đánh mắng, để mặc bé một mình bằng chia sẻ, nói chuyện hoặc kéo trẻ vào những hoạt động mới giúp con chấm dứt những hành vi tiêu cực đang diễn ra.

– Bước 5: Ủng hộ hành vi tốt:  Mặc dù người lớn thường hay nổi giận và mắng, bỏ mặc khi bé thách thức nhưng chúng ta cần học cách kiềm chế. Khi trẻ cư xử tồi, bản thân bé sẽ hiểu mình sai, do đó bạn đừng làm cho bé cảm thấy tồi tệ hơn, bé sẽ cư xử tiêu cực. Thay vì “bắt” các hành động sai, bạn hãy chú ý tới các hành động đúng của bé và khuyến khích khi bé cư xử tốt.

Bạn hãy nhớ rằng khép trẻ vào khuôn phép không có nghĩa là điều khiển bé, mà là dạy bé cách tự điều khiển bản thân. Trừng phạt sẽ khiến bé hành động theo ý bạn, nhưng đó là do sợ hãi. Tốt hơn là bạn nên dạy bé cư xử đúng bởi vì bé muốn vậy. Khi bé cư xử tốt thì trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Thanh Lan
Trường mầm non Hoàng Gia

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook