Thứ Ba, 30/07/2019 | 17:55

Vi khuẩn helicobacter pylori (Hp) được phát hiện bằng 04 phương pháp sau:

Vi khuẩn Hp (helicobacter pylori) là loại vi khuẩn có những đặc điểm khác biệt với nhiều loại vi khuẩn khác, một trong các yếu tố cơ bản giúp H. pylori có thể tồn tại lâu dài trong môi trường a-xít dạ dày là vi khuẩn H. pylori có thể tiết ra men urease, và urease có khả năng trung hòa a-xít giúp tạo nên môi trường phù hợp để vi khuẩn Hp không bị a-xít dạ dày tiêu diệt.

Nội soi tìm vi khuẩn Hp (helicobacter pylori) trong dạ dày

Là phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi nhỏ có gắn camera ở ngay đầu ống nội soi mềm, đường kính tầm 1cm luồn vào dạ dày qua ống thực quản để thăm khám bên trong đường tiêu hóa. Thông qua các hình ảnh từ camera ở đầu ống soi thu được, bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng và sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nội soi dạ dày thường có 2 phương pháp: nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Một mảnh sinh thiết quanh vị trí tổn thương dạ dày được lấy ra ngoài để làm xét nghiệm Clo Test hoặc thực hiện nuôi cấy vi khuẩn, hoặc chỉ đơn giản là quan sát hình thái của tổn thương, từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn HP của bệnh nhân.

Các phương pháp phát hiện helicobacter pylori (Hp) hiện nay

Đối với xét nghiệm nội soi, bác sĩ không những chẩn đoán chính xác được tình trạng loét dạ dày – tá tràng của bệnh nhân, đồng thời còn có thể đánh giá được mức độ của triệu chứng, vị trí gây tổn thương và đưa ra những phán đoán về diễn tiến của bệnh, cũng như lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Đây là thủ thuật vô cùng quan trọng trong việc đánh giá tình trạng tổn thương ở dạ dày mà không có xét nghiệm nào có khả năng làm được. Ngoài ra, nếu người bệnh đã từng điều trị vi khuẩn HP mà triệu chứng vẫn còn thì bác sĩ thường sẽ chỉ định làm kháng sinh đồ để kiểm tra khả năng kháng thuốc của vi khuẩn HP và quyết định sử dụng phác đồ thuốc khác thích hợp hơn cho bệnh nhân.

Test vi khuẩn HP bằng hơi thở (Urea Breath Test)

Một trong những phương pháp xét nghiệm dạ dày không xâm lấn, được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam, là xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở. Bệnh nhân sẽ cầm trên tay một thiết bị và thở vào đó. Có 2 dạng test vi khuẩn HP bằng hơi thở đang được áp dụng hiện nay:

+ Test hơi thở sử dụng bóng – bệnh nhân thổi vào thiết bị trông giống quả bóng.

+ Test hơi thở sử dụng thẻ – bệnh nhân thổi vào thiết bị giống như chiếc thẻ ATM.

Quá trình thủy phân urease – chất trung hòa a-xít dạ dày để giúp vi khuẩn Hp phát triển trong dạ dày, tạo nên các sản phẩm đầu cuối là ammonia (NH3) và carbon dioxide (CO2) trong đó CO2 được hấp thụ vào máu, theo hệ tuần hoàn đi lên phổi và được đào thải ra bên ngoài theo đường thở. Dựa vào nguyên lý này, chúng ta có thể phát triển các kỹ thuật xét nghiệm đo nồng độ CO2 trong hơi thở và đưa ra kết luận chẩn đoán được một người có nhiễm hay không có nhiễm vi khuẩn H. pylori.

Kỹ thuật xét nghiệm hơi thở phổ biến nhất hiện nay là sử dụng đồng vị carbon 13C hoặc 14C, đầu tiên chúng ta đo nồng độ CO2 trong hơi thở khi chưa uống thuốc có chứa đồng vị carbon 13C hay 14C, sau đó chúng ta uống thuốc có chứa đồng vị carbon 13C hay 14C rồi lại tiến hành đo nồng độ CO2 lần thứ hai. Dựa vào độ chênh nồng độ CO2 giữa hai lần không uống thuốc và có uống thuốc đồng vị carbon 13C hay 14C chúng ta có thể đưa ra chẩn đoán một người có nhiễm hay không có nhiễm vi khuẩn H. pylori.

Kỹ thuật xét nghiệm hơi thở – test hơi thở có độ chẩn đoán chính xác rất cao, khoảng 90-98%, đồng thời là một xét nghiệm không xâm nhập (không cần phải tiến hành nội soi dạ dày để sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm là một hoặc hai mảnh niêm mạc dạ dày), do vậy test hơi thở hiện nay được đón nhận của nhiều người bệnh.

Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn helicobacter pylori

Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP là loại xét nghiệm phổ biến tuy nhiên xét nghiệm máu để chẩn đoán nhiễm HP chỉ mang độ chính xác tương đối, xét nghiệm này không được ưu tiên thực hiện vì khả năng dương tính giả khá cao. Khi bệnh nhân có nhiễm khuẩn HP, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể kháng HP, loại kháng thể này có ở trong máu và có khả năng phát hiện được bằng xét nghiệm tìm kháng thể trong máu.

Nguyên nhân khiến xét nghiệp máu chỉ mang tính tương đối là vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở nhiều khu vực khác và cũng làm cho xét nghiệm máu dương tính, như khoang miệng, các xoang, đường ruột nhưng lại hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là tuy vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiêu diệt hết, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, thế nhưng kháng thể kháng helicobacter pylori vẫn lưu lại trong máu trong nhiều tháng tới, thậm chí đến một vài năm sau đó. Do vậy, chỉ những cơ sở y tế không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới phải thực hiện loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP nếu xuất hiện trong dạ dày sẽ được cơ thể thải trừ đều đặn qua phân. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang giúp bác sĩ phát hiện vi khuẩn HP trong phân một cách chính xác. Đây cũng là một xét nghiệm được ưu tiên sử dụng trong việc đánh giá nhiễm khuẩn HP gây ra loét dạ dày tá tràng.

Mặc dù quá trình thực hiện tương đối dễ dàng với bệnh nhân, kết quả khá chính xác, chi phí hợp lý nhưng xét nghiệm này không cho kết quả nhanh chóng nên đôi khi lại gây ra sự bất tiện. Bên cạnh đó, việc lấy phân của bệnh nhân đi xét nghiệm cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh, sự tiện lợi cho cả người bệnh và kỹ thuật viên.

Mỗi loại xét nghiệm sẽ có ưu điểm và nhược điểm. Bác sĩ sẽ là người chỉ định phương pháp phù hợp nhất cho từng đối tượng bệnh.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Xét nghiệm vi khuẩn Hp (Test Hp) qua hơi thở: ưu, nhược điểm và các bước thực hiện

+ Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn HP dạ dày mới nhất của Bộ Y tế, theo bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

+ Vi khuẩn Hp (helicobacter pylori) sống như thế nào, thực phẩm nào trị được vi khuẩn Hp

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook