Khi mang thai, cuộc sống của mẹ bầu sẽ bắt đầu sang trang mới không chỉ có hạnh phúc, vui sướng mà đi cùng với nó là sự mệt nhọc, cáu kỉnh, ốm đau, vóc dáng thay đổi mà chỉ những người “trong cuộc” mới hiểu. Chính vì thế, việc một người chồng quan tâm, thông cảm, sẻ chia và luôn ở bên cạnh sẽ phần nào giúp các bà mẹ mới dễ dàng vượt qua được giai đoạn khó khăn, chuẩn bị tốt mọi thứ để chào đón thiên thần bé nhỏ của gia đình
Dưới đây là những mách nhỏ các ông bố cách chăm sóc “gấu mẹ” nhà mình:
Khi biết mình được làm cha
Chắc hẳn mỗi ông chồng đều có những cách thể hiện khác nhau khi nhận được thông báo từ vợ: Em đã có thai! Nhưng phản ứng tốt nhất mà hầu hết các mẹ bầu đều mong đợi là hãy nói với bạn yêu cô ấy rất nhiều, rằng bạn thật sự rất hạnh phúc và hồi hộp, đồng thời chia sẻ cho vợ bạn biết thời gian sắp tới sẽ là trải nghiệm tuyệt vời đối với cả 2 vợ chồng.
Đó cũng là lúc các đấng mày râu bắt đầu nhận thấy trách nhiệm sâu sắc của mình với vợ con, bằng cách bắt đầu phải thay đổi nhiều thói quen, suy nghĩ của mình, cũng như cách học như thế nào để trở thành 1 người bố thực thụ.
Sự chăm sóc, động viên của chồng khi vợ mang thai luôn là điều tuyệt vời nhất
Ba tháng đầu của thai kỳ
Đây là thời điểm mọi thứ trở nên khó khăn nhất khi vợ mang thai và cô ấy rất cần bạn ở bên cạnh. Nồng độ hormone tăng cao có thể khiến vợ bạn trở nên rất nhạy cảm, chưa kể đến tình trạng ốm nghén và mệt mỏi kéo dài. Vì thế, các ông chồng cần phải quan tâm đến vợ nhiều hơn bằng cách thường xuyên trò chuyện để tìm hiểu cảm xúc của cô ấy đại loại như: Dạo này em thấy trong người thế nào, em bé có làm em mệt không hay em có thèm ăn món gì để anh làm giúp cho, anh giúp em massage nhé….
Hãy cố gắng động viên vợ bạn càng nhiều càng tốt, đồng thời đảm bảo cô ấy được nghỉ ngơi bằng cách san sẻ việc nhà, đôi khi một bữa ăn sáng phục vụ ngay tại giường hay một món ăn vặt giảm ốm nghén cũng là cách tốt nhất để giúp cô ấy vượt qua mệt mỏi đấy!
Ba tháng tiếp theo
Mọi thứ bắt đầu ổn định, bà bầu của bạn có lẽ đã giảm các triệu chứng của ốm nghén và nồng độ hormone trong cơ thể đã trở nên cân bằng hơn. Thực tế thì vợ bạn “dễ thương” hơn hẳn, vậy nên nhớ dành lời khen tặng cô ấy hàng ngày. Đây chính là thời điểm mà 2 vợ chồng nên cùng nhau chuẩn bị mọi thứ cho em bé sắp ra đời. Đăng ký học các lớp tiền sản, đọc sách và làm những việc của các ông bố như nghiên cứu thêm về xe đẩy, ghế ngồi cho bé trên ô tô và cả chiếc nôi tương lai nữa.
Cũng bắt đầu quan tâm hơn về sức khỏe vợ con bạn nhé. Bạn nên xin nghỉ một vài buổi làm để cùng vợ đi siêu âm. Nếu vợ bạn cứ khăng khăng đòi đi khám một mình, hãy đừng nghe lời vì chắc chắn cô ấy sẽ rất cảm kích nếu có bạn đi cùng. Với lại chính bạn cũng muốn nhìn thấy hình ảnh của bé mà!
Ba tháng cuối cùng của thai kỳ
Vào những ngày cuối cùng của quá trình mang thai, vợ bạn sẽ cảm thấy đau nhức, mệt mỏi, cảm thấy mình quá béo tròn và chỉ mong muốn chuyện bầu bì này nhanh chấm dứt. Hãy đảm bảo là bạn vẫn giúp cô ấy thực hiện những bài tập luyện, đồng thời nói với cô ấy là bạn sẽ luôn ở bên cạnh cô ấy mọi lúc mọi nơi. Nuông chiều vợ bạn một chút, chẳng hạn như nấu cơm tối, chuẩn bị nước tắm cho cô ấy và nhớ chuẩn bị trước mọi thứ cần thiết cho ngày trọng đại sắp tới.
Bé cưng chuẩn bị chào đời
Bất cứ lúc nào trong tuần thứ 38 của thai kỳ vợ bạn đều có thế chuyển dạ, vậy nên cho dù đó là chuyến công tác vắng nhà chỉ 1-2 ngày hay là cuộc vui với các chiến hữu thì bạn cũng nên khéo léo từ chối, vì bạn còn nhiệm vụ trọng đại hơn: Chở vợ đến bệnh viện và chào đón thiên thần nhỏ chào đời. Bạn cũng nên chuẩn bị trước mọi thứ ở nhà, đề phòng trường hợp cô ấy trở dạ trong khi bạn vẫn đang ở chỗ làm. Vợ bạn có thể cảm thấy vô cùng lo lắng về việc đứa trẻ có thể chào đời bất cứ lúc nào, vậy nên nhớ động viên cô ấy.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của vợ bạn, để hiểu được cảm giác cũng như nỗi lo sợ của cô ấy vào thời điểm này? Và còn gì tuyệt vời hơn khi ngay bây giờ, nếu có thể, bạn hãy đến ôm chặt lấy cô ấy và nói: “Cảm ơn em thât nhiều, vợ yêu nhé!”
Chưa có bình luận.