Một ông bố ở Thái Nguyên đang gây ra nhiều tranh cãi vì hành động xích tay con sau xe máy, kéo chạy trên đường.
Vụ việc xảy ra chiều 29/10, ở Phú Bình, Thái Nguyên. Trong đoạn clip, một người bố đang rất tức giận vì cậu con trai trong đồng phục học sinh cấp 2 vài ngày không về nhà đi chơi game. Sau khi tìm được con, người bố và con trai lớn đã xích tay cậu bé này vào sau xe máy, xe bố đi trước, cậu bé chạy theo sau.
Cậu bé bị xích chạy sau xe bố và anh. Dù vậy ông bố đi khá chậm để con không bị ngã. Ảnh chụp từ clip. |
Để tránh con bị ngã, ông bố cũng đi khá chậm. Sau khi được người đi đường khuyên giải, ông bố đã cho con ngồi lên xe về nhà.
Nhiều người cho rằng hành động dạy con kiểu này là không nên vì làm đứa trẻ bị xấu hổ, đó là còn chưa kể cậu con có thể bị ngã. Tuy nhiên, khá đông người khác đồng tình, thậm chí còn tôn vinh đây là “ông bố của năm”. Một người bình luận: “Một cách làm hay. Mọi người nên hưởng ứng và động viên ông bố này đã dạy con cương quyết”.
Xem video:
Tháng 2 năm nay, trên mạng cũng xuất hiện clip một ông bố ở Bắc Giang đã phạt con mê chơi điện tử bằng cách bắt con lột con áo và vừa đi đường vừa hát bài “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.
Ông bố phạt con cởi truồng và hát “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” vì tội bỏ học chơi game. Ảnh cắt từ clip. |
Tháng 8 vừa qua, tại Kim Động, Hưng Yên, một bà mẹ cũng bắt con đeo biển in rõ tội danh chơi điện tử. Vì nghiện game mà cậu học sinh này bỏ học nhiều lần. Tấm biển được in công phu với dòng chữ: “Tên tôi là Đức. Vì tôi mải chơi game, lười học, lười lao động nên tôi bị phạt như thế này”.
Người mẹ đội chiếc nón rách cũng đeo một tấm biển đứng cạnh con. Tấm biển ghi: “Lời kêu gọi của tôi: Hãy dành thời gian để ý quan tâm đến con. Đừng để con hư như con tôi. Đời người sợ nhất con hư”.
Bà mẹ phạt con chơi game đeo biển nhận tội và đứng ngay cạnh một quán game. |
Theo chị Bùi Hằng, một nhà giáo dục học theo phương pháp Montessori, thì hành động phạt con này không hề giải quyết được việc gì và còn làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn.
“Khi một đứa trẻ làm một hành vi sai trái thì hình phạt không cải thiện mà chỉ làm lệch lạc hành vi cũng như tâm lý của trẻ và còn làm tổn hại mối quan hệ cha mẹ với con cái”, chị Hằng nói.
Quan điểm của chị Hằng là các bậc cha mẹ nên ngồi lại với con, giúp trẻ giãi bày lý do thích chơi game và từ đó trao cho trẻ các cơ hội để cải thiện dần dần. “Trẻ em có thể biết hành vi của mình là sai trái nhưng trẻ chưa có năng lực kiểm soát hành vi làm thế nào để không chơi game nữa. Nói chuyện để hiểu trẻ, từ đó giúp trẻ cải thiện dần mới là phương pháp nên làm”, nhà giáo dục bày tỏ.
Phan Dương
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.