Thứ Ba, 10/07/2018 | 11:22

Bệnh thấp tim triệu chứng và cách điều trị

Thấp tim là một bệnh khá nguy hiểm bởi khi bị thấp tim thương tổn có tính chất toàn thân. Các bộ phận như: tim, thận, khớp, phổi, thần kinh, da… đều có thể bị tổn thương ở mức độ khác nhau. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15, nếu không được chẩn đoán, điều trị đúng sẽ để lại di chứng đe dọa tính mạng lâu dài. Vì vậy có người đã ví bệnh thấp tim là kẻ thù nguy hiểm nhất của trẻ em tuổi học đường.

Hẹp động mạch chủ do thấp tim

Thấp tim là một bệnh viêm do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A type M3, 5, 14, 18, 19, 24. Ngày nay người ta đã thấy trong màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A có một thành phần protein rất giống với protein màng tế bào cơ tim và một số tổ chức liên kết khác của cơ thể.

Ngoài ra, cấu trúc cacbonhydrat màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A cũng giống mucoprotein ở van tim người. Vì vậy khi cơ thể sản xuất các khángthể chống liên cầu khuẩn thì chúng tấn công luôn cả cơ tim và các tổ chức liên kết có thành phần proteìn tương tự. Đó chính là hiện tượng tự miễn.

Một tính chất quan trọng nữa là màng tế bào liên cầu khuẩn còn mang nhiều chất có độc tính với tế bào cơ tim, thận, phá hủy hồng cầu, tiểu cầu… Cho nên, các nhà y học cho rằng bệnh thấp tim là bệnh nhiễm độc miễn dịch, hay gặp ở lứa tuổi từ 10 – 15 tuổi (64,5%), xuất hiện sau một đợt viêm họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra.

Triệu chứng bệnh thấp tim

Bệnh khởi phát là viêm họng cấp tính do liên cầu bêta nhóm A, với các triệu chứng: niêm mạc thành sau họng và amiđan sung huyết, đỏ rực, có thể có những chấm mủ trắng; Toàn thân sốt cao, dao động, da xanh, suy kiệt, nổi hạch góc hàm; Biểu hiện ở khớp: có khoảng 80% số trẻ em mắc bệnh thấp có tổn thương ở khớp, trong đó có khoảng 30% thấp khớp đơn thuần, còn lại tổn thương cả ổ khớp và tim.

Đau khớp đơn thuần chỉ chiếm khoảng 35%; đau và sưng khớp 48%; đau sưng và nóng 18%; các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau rất hiếm gặp. Tổn thương xuất hiện ở hầu hết các khớp, kể cả khớp háng. Tổn thương các khớp chi dưới gặp nhiều hơn các khớp chi trên; số khớp lớn tổn thương nhiều hơn các khớp nhỏ; đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất (40%) là bệnh ở khớp gối.

Có khoảng 60 – 70% số trường hợp đau từ hai khớp trở lên, trong đó 20% đau 3 khớp, 8% đau 4 khớp, di chuyển từ khớp nọ sang khớp kia trong cùng một đợt. Sau 5 – 7 ngày sẽ hết triệu chứng dù điều trị hay không. Tuy ít gặp nhưng vẫn có tổn thương khớp cột sống, trong khi các khớp nhỏ ở ngón tay, ngón chân rất hiếm và đây là một đặc điểm phân biệt với bệnh viêm khớp mạn tính; Bệnh nhân thường sốt 38 – 38,5 độ C, trong khoảng một tuần. Nếu đã được điều trị nhưng bệnh nhân vẫn sốt cao hơn hoặc kéo dài hơn thì khả năng biến chứng vào tim là khá cao.

Tổn thương khớp hay tái phát, có khoảng 60% số ca tái phát nhiều đợt. Từ đợt thấp khớp tái phát lần thứ hai trở đi có gần 70% số trường hợp kèm thấp tim. Người ta thấy rằng chủ yếu trong 2 năm đầu có khoảng 75% số trường hợp tái phát. Vì vậy, nếu quản lý tốt bệnh nhân thấp khớp trong vòng 2 – 3 năm đầu sẽ hạn chế được đa số các biến chứng vào tim. Các biểu hiện thấp tim xuất hiện sau 2 – 4 tuần nhiễm liên cầu khuẩn. Trong đợt đầu của bệnh thấp khớp, khoảng 30 – 40% số ca đồng thời bị thấp tim. Nguy hiểm hơn là 10% số ca thấp tim trước khi có triệu chứng ở khớp. Tổn thương cơ tim và màng trong tim là chủ yếu. Viêm cơ tim thường đồng thời với tổn thương màng trong tim và màng ngoài tim.

Tổn thương phổ biến nhất của viêm nội tâm mai là hở và hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ. Bệnh cảnh nhiều khi rất nguy kịch gồm sốt cao, xanh tái, khó thở, tim đập rất nhanh, loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao…

Biểu hiện thần kinh là triệu chứng muộn của thấp tim, xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu khuẩn; biểu hiện lúc đầu có thể trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi; viết xấu, không thẳng hàng v.v…dần dần các động tác vận động rối loạn mạnh, gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Biểu hiện ở da hiếm gặp, có thể có các hạt meynet là những hạt cứng, đường kính từ 0,5 – 2cm dưới da, không dính vào da mà dính vào nền xương, vị trí thường gặp ở đầu gối, ấn không đau; hoặc có các ban màu hồng hay vàng nhạt, đường kính 1 -3cm, hình tròn, có bờ viền cao hơn mặt da, vị trí thường ở thân mình, gốc chi, không bao giờở mặt. Các hạt meynet và ban vòng đỏ tồn tại một vài ngày đến một vài tuần rồi biến mất, không để lại di chứng.

Phương pháp chữa trị bệnh thấp tim

Kinh nghiệm cho thấy khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5 – 15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóngđỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thỏ hoặc hồi hộp đau vùng tim, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điểu trị phòng bệnh thấp tim ngay. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian, cúng bái sẽ rất nguy hiểm cho trẻ về sau.

Trẻ mắc bệnh này phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị tại bệnh viện. Trẻ cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường ít nhất là 2 tuần, những trường hợp nặng có khi phải từ 6 tuần tới 3 tháng. Nếu trẻ bị sưng tim, suy tim phải ăn nhạt: không nêm muối vào thức ăn, không ăn nước mắm, nước tương và chỉ uống nước khi khát mà thôi.

 

Bác sĩ sẽ cho trẻ uống kháng sinh penicillin trong 10 ngày để điều trị viêm họng và uống thuốc chống sưng khớp – aspirin, sưng tim – prednisone ít nhất là 6 tuần. Những trẻ bị suy tim còn được cho thêm các thuốc điều trị suy tim. Gia đình phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi cho trẻ uống các thuốc chống sưng và điều trị suy tim này, không tự động ngưng, tăng hoặc giảm liều thuốc, vì như thế bệnh có thể nặng lên hoặc rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ bị múa vờn sẽ được cho thuốc an thần, thuốc này chỉ cho trẻ uống dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Biện pháp phòng bệnh

Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng nếu có ý thức phòng bệnh tốt sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc và giảm khả năng mắc bệnh đáng kể.

Hình ảnh hẹp hở van hai lá do thấp tim

Dùng liệu pháp kháng sinh để dự phòng cho những bệnh nhân đã từng bị mắc bệnh thấp khớp hay thấp tim. Thuốc có thể dùng là penicillin. Cần phải uống thuốc để dự phòng liên tục trong suốt thời kỳ thiếu niên. Phải điều trị khỏi triệt để các bệnh viêm hầu họng do nhiễm liên cầu khuẩn là điểm quyết định để phòng ngừạ bệnh thấp tim.

Tiêm hoặc cho uống thuốc dự phòng đối với trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp do liên cầu, nhưng chuẩn bị thấp khớp, với liều duy nhất benzathin penicillin hay erythromycin. Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát thấp tim thì nên sử dụng thuốc tiêm phòng chống bệnh thấp tim.

Bệnh thấp tim các tổn thương và thuốc điều trị

Bài liên quan: Bệnh thấp tim: Thông tin y học chuyên sâu về triệu chứng, điều trị, cách phòng ngừa

Yhocvn.net

 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook