Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:51

Trong lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, con người đã phải chống đỡ với vô vàn trận đại dịch khủng khiếp, với số tử vong có thể lên đến hàng trăm triệu người. Trong đó “Dịch hạch” là loại bệnh dịch nguy hiểm cho nhân loại mà mỗi khi nhắc đến ai cũng phải lo lắng, sợ hãi.

Ở Việt Nam, dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, tuy nhiên dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm.

Vậy, vì sao bệnh dịch hạch lại nguy hiểm? nguyên nhân gây bệnh dịch hạch là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

Bệnh dịch hạch

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm (còn gọi là cái chết đen), tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.

Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Bệnh dịch hạch còn gọi là “Cái chết Đen”

Các thể dịch hạch trên người

+ Thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh) là thể phổ biến nhất. Ở Việt Nam: 94-98% số ca mắc (Theo BV Chợ Quán từ 1997-1986).

+ Thể nhiễm khuẩn huyết: ở thể tiên phát Y.pestis xâm nhập số lượng lớn, không qua giai đoạn khu trú ở hạch, xét nghiệm máu có Y.pestis, thăm khám không phát hiện được triệu chứng viêm hạch.

+ Thể phổi (Pneumonic): thể bệnh đáng sợ nhất; bệnh tiến triển nhanh, lây lan nhanh và tử vong cao.

+ Thể màng não (Plague Meningitis): Ít gặp; luôn thứ phát sau thể hạch, nhiễm trùng huyết. Y.pestis vượt qua hàng rào máu – dịch não tủy gây tổn thương não, màng não.

Triệu chứng

Thể hạch (chiếm 90%)

Thể hạch biểu hiện bằng việc phát bệnh đột ngột. Bệnh nhân thấy ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.

Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hoá mủ. Thể hạch có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát.

Thể hạch nếu không được điều trị sớm sẽ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp (sốt cao 40 – 410C), tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 – 5 ngày.

Thể hạch to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà chiếm tỷ lệ 90%

Thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não (thường là thứ phát)

Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

Đặc tính sinh học của chuột

Chuột là loại gậm nhấm, có thói quen chạy trên các lối cũ đã qua. Chúng cảnh giác với vật lạ, nếm thức ăn trước, đánh dấu bằng nước tiểu, phân và biết phân ranh giới, xác định lãnh thổ. Loài chuột sống gần người và thích ứng với đời sống của con người.

Mức độ sinh sản của chuột rất cao. Hàng năm, chuột sinh sản 4 lứa, mỗi lứa sáu con và 3 tháng sinh một lần, mỗi lần sinh số con tăng gấp 4 lần.

Các loài chuột (có khoảng 500 loại chuột, nhưng chỉ có 5 loại chính sống gần người và gây hại trực tiếp cho người) gồm:

1. Chuột cống: (Rattus norvegicus)

Chuột cống nặng trên 450g (thân to), lông đổi từ nâu xám đến xám đen, thường hoạt động dưới đất, di chuyển phạm vi 50m, đào hang, ăn tạp (20-30g thịt/ngày). 

Chuột sinh sản rất nhanh, mỗi lần sinh số con tăng gấp 4 lần

2. Chuột lắt: (Rattus exulans)

Chuột lắt kích thước nhỏ bé, lông xám thẩm, sống nhà vách tranh, nứa, thức ăn tinh bột (dạng hạt), thực vật, đi qua được các khe rất nhỏ, lông đuôi 1 màu.

3. Chuột nhắt: (Mus musculus)

Chuột nhắt nặng 14g, phân bố khắp thế giới, sống trong nhà hoặc ngoài nhà, đào hang hoặc làm tổ trong các vật dụng bằng gỗ, di chuyển 3-10m, ăn tạp/rau củ (3 g/ngày), đặc biệt rất ít cần nước.

4. Chuột đồng: (Rattus rattus)

Chuột đồng nặng trên 260g, phân bố ở châu Á, thích leo trèo (nhưng đôi lúc vẫn đào hang), làm tổ trong nhà và dọc vườn cây, di chuyển khoảng 50m.

5. Chuột xạ: (Suncus murinus)

Chuột xạ tiết mùi hôi (tuyến cạnh sườn), sống trên mặt đất, không leo trèo, lông màu xám tro. Chuột xạ là loài ăn côn trùng, đuôi có lông mọc dài, mũi mắt rất nhỏ, tai có nhiều ngăn phức tạp.

Mối liên hệ giữa chuột và bệnh dịch hạch

Các loài chuột thường gặp như chuột cống chuột lắt, chuột đồng, chuột nhắt, chuột đất lớn, chuột chù xạ là vật chủ gây bệnh dịch hạch ở Việt Nam.

Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis. Bệnh từ động vật, chủ yếu là bộ gậm nhấm (Rodentia), lây qua người bởi bọ chét ký sinh.

Vi khuẩn Yersinia pestis gây ra “Cái chết Đen”

Bệnh lây truyền qua trung gian bọ chét đã hút máu vật chủ mang bệnh dịch hạch sau đó lan truyền trực tiếp từ vật chủ bị bệnh không qua bọ chét bằng cách xâm nhập trực tiếp qua da có tổn thương, hoặc do động vật có mang bệnh cắn cào, hít trực tiếp Yersinia pestis có trong không khí từ vật chủ bị dịch hạch thể phổi. Bọ chét chuột là nguyên nhân chính của bệnh Dịch hạch tại Việt Nam.

Ngoài ra, chuột còn là tác nhân gây ra những bệnh như: bệnh sốt hoàng đản- xuất huyết nhiễm trùng do nước đái chuột; nhiễm vi trùng kiết lỵ, amibe, vi khuẩn salmonella… do ngộ độc phân chuột, bệnh uốn ván do chuột cắn, bệnh sốt bụi rậm do ve mạt kí sinh trên chuột cắn…

Phương pháp phòng bệnh dịch hạch

+ Đảm bảo vệ sinh môi trường.

+ Quản lý lương thực, thực phẩm, tránh để thừa, đọng thức ăn dư.

+ Nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột.

+ Khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét.

+ Dùng hoá chất các loại gây ngộ độc cho chuột qua thức ăn, nước uống, không khí (xông hơi diệt chuột).

Nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột để phòng dịch hạch

Diệt chuột và bọ chét

Diệt chuột

+ Diệt đại trà bằng hoá chất, diệt định kỳ hàng năm từ 1 đến 2 lần vào thời gian sinh sản của chuột. Kết hợp diệt chuột và bọ chét bằng việc sử dụng hộp mồi theo nguyên tắc hộp mồi “Kartman”.

+  Khi có dịch hạch (ở chuột hoặc ở người): Không diệt chuột đại trà, chỉ diệt khi chỉ số bọ chét thấp hơn 1 hoặc bằng 0 và tiến hành diệt bọ chét bằng hoá chất đặc hiệu ngay sau khi diệt chuột.

+ Hoá chất diệt chuột: Dùng hoá chất đa liều như Warfarin 0,05% hoặc Brodifacoum 0,005 – 0,01%, tốt nhất ở dạng thương phẩm như Klerat, Rat Killer hoặc theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng hoá chất diệt chuột đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Diệt bọ chét

+  Phun hoá chất phù hợp dạng tồn lưu như Permethrin 0,2 g/m2, Vectron 01 – 0,2 g/m2, Diazinon 2 g/m2 hoặc các hoá chất diệt bọ chét khác đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong y tế và gia dụng (cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành). Nên diệt bọ chét ngay từ đầu mùa dịch ở những nơi có dịch năm trước và những vùng có nguy cơ lây lan.

+  Đặt hộp mồi Kartman thường trực có hoá chất diệt bọ chét dạng bột và cần có thêm mồi hấp dẫn chuột. Thường xuyên kiểm tra hộp mồi để bổ sung hoá chất diệt bọ chét, diệt chuột và mồi hấp dẫn. Thời gian duy trì hộp mồi thường trực tuỳ thuộc vào chỉ số bọ chét tự do và mật độ chuột.

Lưu ý:

+ Khi thấy chuột chết bất thường, chết nhiều phải khai báo ngay với y tế cơ sở.

+ Khi đang có dịch dịch hạch, không được diệt chuột mà chỉ áp dụng các biện pháp diệt bọ chét.

Lời kết

Bên cạnh những dịch bệnh virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp…thì những bệnh do chuột gây ra cho con người là cực kỳ thảm khốc (còn gọi là cái chết Đen) – tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350.

Cái chết đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc lớn nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400, vì vậy việc phòng ngừa dịch bệnh là việc làm cực kỳ cần thiết.

Ở Việt Nam, hiện không tiêm phòng vaccin dịch hạch, vì vậy công tác phòng ngừa dịch hạch chủ yếu là khuyến cáo người dân thường xuyên đảm bảo vệ sinh môi trường, không để thừa, đọng thức ăn dư, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét. Đặc biệt, khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở…để khoanh vùng và thực hiện các phương pháp chống dịch, tránh lây lan.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook