Thứ Ba, 20/09/2016 | 12:30

Nhiều điều kiêng kị không có cơ sở khoa học nào, nhưng luôn chi phối cuộc sống con người một cách vô thức hay có ý thức. Nếu gộp hết tất cả các kiêng kỵ của mọi nền văn hoá trên thế giới rồi tin theo thì có lẽ chúng ta chỉ nên ngồi bất động để tránh gặp tai họa.

1. Kiêng kị trong hôn nhân

Khi yêu nhau kiêng tặng vàng: Ngày xưa yêu nhau các cụ kiêng tặng vàng vì cho rằng “tặng bạc thì sang, tặng vàng thì lụi”. Có một cảnh vui trong một phim hài nói về chuyện tặng quà cho người yêu như sau: Tình cảm là 9 (người ta hay nói tình cảm là chính mà) Tiền là 10 Vàng là 11 Kim cương là 12 Khi yêu nhau thì tặng cái gì cũng có ý nghĩa, tùy vào tài chính của mỗi người. Ngày nay các đôi yêu nhau hay tặng lắc, nhẫn, dây chuyền bằng vàng tây để thể hiện tình cảm của mình. Miễn sao người tặng đủ tiền mua, người nhận vui mừng đón lấy.

“Bật” lại các cụ chuyện kiêng kị

Mẹ không đưa con đi lấy chồng:

Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Có một giai thoại kể rằng trong khi hai họ đang vui mừng yên ấm ở nhà ngoài thì hai mẹ con trong buồng khóc lóc rồi lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.

Bây giờ, các cô dâu ngày vu quy vui như được mùa vì lấy được người mình yêu, nhiều nơi mẹ cô dâu cũng đi đưa dâu, chia vui cùng gia đình nhà trai nên không có gì phải kiêng kị như hồi phong kiến ép duyên nữa.

Kiêng dùng làm buồng ngủ có góc nhọn, không theo quy tắc nào, kiêng giường nằm bằng kim loại vì vợ chồng lấy nhau lâu sẽ không có con. Điều này hoàn toàn không có lý giải khoa hoặc nào cả. Ở quê đất rộng thênh thang, tha hồ xây nhà theo ý muốn, ở thành phố thì đất chặt người đông, không thiếu gì những ngôi nhà chung cư có góc cạnh. Nếu bạn không có nhiều tiền để mua ngôi nhà lớn thì cũng vui vẻ ngủ trong căn buồng không vuông vắn. Ngày trước đồ bằng kim loại còn hiếm, nhưng bây giờ từ bán ghế, cầu thang, cửa, tủ… đều làm bằng inok và giường ngủ cũng không ngoại lệ.

Kiêng cửa thông các buồng nối liền nhau sẽ sinh chuyện ngoại tình, lăng nhăng, khó bình yên. Nếu những ông chồng, bà vợ phát hiện mình bị cắm sừng, thì theo quan niệm của các cụ họ chỉ cần chuyển nhà có các cửa không nối liền nhau. Thật là buồn cười vì cái cửa có phép thuật làm người ta ngoại tình.

2. Kiêng trong sinh hoạt

Trong ngày Tết, người ta kiêng quét nhà nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hót rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Theo một điển tích của Trung Quốc, có ông lái buôn được tặng cô hầu giỏi giang, tháo vát. Nhà ông giàu lên nhanh chóng. Có lần ngày Tết, ông giận đánh đòn cô hầu. Cô sợ chui vào đống rác. Thế là nhà ông ngày càng nghèo. Chỉ vì cái cô hầu tên Như Nguyệt ấy mà bây giờ gần như 100% dân số Việt Nam không quét nhà, đổ rác ba ngày Tết. Những người thích tục này nhất chắc hẳn là nhân viên vệ sinh môi trường vì đường phố sạch đẹp.

“Bật” lại các cụ chuyện kiêng kị

Kiêng ăn mặc y phục màu trắng, vì màu trắng là màu tang tóc. Đầu năm mặc màu trắng cho là điềm gở. Điều này thật lạ lùng, đã kiêng màu trắng sao không kiêng luôn việc ăn đồ có màu trắng như gạo, đậu phụ, mứt dừa… đi nhỉ (!).

Kiêng ăn một số loại thực phẩm: Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, thịt mèo, ăn mực, cá mè, thịt vịt… vào dịp đầu năm hay đầu tháng vì e sẽ xúi quẩy. Các loài vật này hạnh phúc biết mấy khi được sống thêm một vài ngày ít ỏi trên trần gian chờ ngày bị giết thịt. Còn chúng ta thì thèm mà không dám ăn.

Phòng vệ sinh là nơi nước vào nhà và thoát đi nên nó tượng trưng cho sự chi tiêu, thu nhập của chủ nhà, bởi vậy phải đặt càng xa cửa chính càng tốt. Điều đó có nghĩa việc chi tiêu của chủ nhà sẽ hợp lý, có cân nhắc. Nếu phòng vệ sinh đối diện với cửa ra vào, phải treo một bức mành để không nhìn thấy cửa trực tiếp. Thực tế thì có nhiều ngôi nhà ngỏ bé tới mức nhà vệ sinh bon chen đứng ở góc cửa ra vào, thậm chí có nhà không có nhà vệ sinh. Nếu thế nhà họ, của đi hết hoặc của mãi để dành sao?.

Câu chuyện mê tín về chiếc gương soi bị vỡ mang lại điều không tốt bắt nguồn từ một giai thoại thú vị. Vào thế kỷ XV, những chiếc gương soi đầu tiên sản xuất tại Venice (Ý) rất đắt tiền và dễ vỡ nên các bà chủ nhà thường xuyên căn dặn, răn đe đám hầu cận trong nhà hết sức thận trọng để không làm vỡ gương. Thế mà ngày nay chuyện này vẫn bị ám ảnh và nhiều người tin là thật.

Kiêng không cho đàn bà có mang ở nơi khác tới sinh con trong nhà mình vì nghĩ rằng, sinh dữ tử lành. Thậm chí có nhà còn kiêng không có con gái mới sinh về nhà mẹ đẻ vì sợ muộn đường tình duyên của anh, em trai chưa vợ. Nhưng nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng điều gì thuận lợi thì làm, nhà đẻ gần thì về trước, không nên đi lại xa xôi, vất vả. Nếu cách nhau nửa vòng trái đất thì ốm cả mẹ lẫn con vì đi lại.

Kiêng ngủ với vợ trước khi hành sự việc lớn. Các cụ cho rằng làm như vậy sẽ hỏng việc lớn vì ám hơi “đàn bà”. Nhưng nếu họ kiêng với vợ thì ai thế vào vị trí đó cho son, chính là những cô gái còn trinh. Hóa ra cái kiêng kị này tạo nên tệ nạn “lầu xanh” truyền từ đời này qua đời khác. Trong một bài phỏng vấn, bà vợ thủ tướng Italya Silvio Berlusconi kể rằng vì mê tín quá mức, trước khi bầu cử ông sợ bị thất cử nên đã không ngủ với bà, kết quả là bà không bỏ phiếu cho ông ấy.

3. Kiêng kị trong công việc

Một ông giám đốc xem tuổi người ta trước khi tuyển họ. Ngay cả vị trí ngồi trong phòng làm việc của ông cũng phải qua bàn tay sắp đặt của “thày”. Vì thế mới có chuyện ông khai trương cửa hàng vào ngày có bão để đúng giờ hoàng đạo.

Những người làm nghề bán hàng, kiêng không được cân điêu vì khó chết và không nhắm được mắt. Nếu như vậy người nhà sẽ cầm cái cân đưa đi đưa lại trước mặt để họ thanh thản ra đi. Chuyện này thật nực cười vì 100 người buôn bán thì hầu như họ phải họ cân không chính xác để còn kiếm lời.

Các cụ nhà ta coi số 4 là số tử nên làm gì cũng tránh nó ra, và giờ cả số 13 của người Âu Mỹ cũng du nhập sang ta nên nhiều khách sạn, nhà hàng, bậc cầu thang, số nhà không có số 13, làm như con số 13 chưa hề có mặt trên đời này. Sự mê tín này được phần đông giải thích căn cứ vào ngày mất của Chúa Jesus Christ (thứ Sáu) cũng là ngày Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên đàng sau khi ăn trái cấm… Ngày nay, khi gia đình tổ chức tiệc, nếu có chủ lẫn khách chỉ có 13 người thì chủ nhà phải tìm cho được vị khách thứ 14. Nếu ai đó là người thứ 14 thì thật hạnh phúc vì nếu không có họ, chắc cả đại gia đình kia không dám đụng đũa mất.

“Bật” lại các cụ chuyện kiêng kị

4. Kiêng trong học hành

Kiêng cắt tóc trước khi thi: Sĩ tử nghĩ là cắt tóc sẽ mang đến xui xẻo, thi trượt hoặc làm bài không tốt vì cắt tóc giống như cắt phần kiến thức đã nhồi vào trong đầu. Giả sử bạn bị một cái nhọt to trên đầu vào một ngày nắng nóng kinh khủng và kỳ thi sắp diễn ra. Muốn tịt được cái nhọt bạn phải cắt tóc để đắp lá, không lẽ bạn chọn phương án thà đau nhức, học bài không nổi còn hơn thi trượt. Như vậy thì không cắt tóc bạn cũng trượt vỏ chuối như thường.

Kiêng ăn lạc, ăn trứng, ăn chuối trước khi đi thi, mà thay vào đó là ăn xôi đỗ. Các cụ kiêng sự lạc đề, vớ quả trứng ngỗng và rớt nên mới tránh xa những thức ăn đó. Chúng có tội tình gì đâu mà lại coi chúng là tác nhân hại ngời làm việc không thành. Phải chăng chúng ta tự ám ảnh những điều không tốt sẽ đến do bản thân chưa tự tin vào năng lực của chính mình. Hoặc có thể con người làm thế để an ủi nỗi thất vọng khi công việc thất bại.

Kiêng cho trẻ con ăn trứng lộn, ăn cơm cháy… sợ trẻ con học dốt. Toàn thứ khoái khẩu cả thế mà lại cấm trẻ con vì những lý do mê tín. Ngày xưa chắc do kinh tế còn thiếu thốn, cha mẹ không có tiền mua trứng lộn cho con ăn nên nói vậy. Bây giờ các nhà khoa học lại khuyến khích cho trẻ ăn trứng lộn buổi sáng và rất có ích với những bé còi xương.

“Bật” lại các cụ chuyện kiêng kị

Kiêng cho bà đẻ mới sinh và trẻ con ăn chân gà sợ trẻ viết run tay. Thực chất, chưa ai tìm ra trong chân gà có chất làm run tay chân cả. Nếu thế thì con gà đã không bới đất kiếm mồi được rồi.

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Bạn hãy kiêng những gì không có lợi để tốt cho bản thân, nhưng không phải là cái gì cũng soi xét kiêng cữ để cầm tù cuộc sống của mình trong những mê tín quá mức.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook