Tôi đưa tiền cho vợ hằng tháng là 3 triệu đồng chỉ để ăn một bữa tối vì trưa cả nhà đều ăn ở ngoài hay ở cơ quan… nhưng vợ vẫn kêu thiếu.
Tôi lấy vợ lần này là lần thứ hai. Lý do chia tay lần đầu là vợ tôi cờ bạc lô đề, tôi đã phải bán nhà, xe, tư trang trả nợ và rất vất vảnuôi con trai chung từ khi cháu một tuổi tới nay con đã vào đại học năm 2.
2 năm trước, tôi quen một giáo viên, đã ly hôn và có 1 một cháu trai (hiện chồng nuôi). Chúng tôi yêu và lấy nhau. Về kinh tế, trong một năm đầu, tôi đưa tiền cho vợ hằng tháng là 3 triệu đồng để mua thức ăn cho một bữa cơm tối, vì tôi, vợ và con đều ăn trưa ở cơ quan hoặc quán, các khoản chi phí khác như ga, điện, nước, vệ sinh, tôi tự đóng… Như vậy nhưng vợ tôi vẫn kêu thiếu và tháng nào tôi cũng phải bổ sung, ít thì một triệu, nhiều thì hai triệu.
Tài chính gia đình luôn là vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng đau đầu.Ảnh minh họa: Smartparenting.com.ph. |
Vợ tôi khi về nhà chồng chỉ có người không, kèm theo chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha cùng cặp sách. Năm đầu, cô ấy cũng đi làm và dạy nhưng kêu lương chỉ đủ tiền ăn sáng và đổ xăng, không chia sẻ gì. Năm thứ 2 vợ tôi có thai và cả nhà đều vui sướng. Từ đó, tôi làm tất cả các việc như giặt giũ, đi chợ, cơm nước… đến nay cháu đã được 1 tuổi và đã đi trẻ. Tôi lo tất cả chi phí nuôi con, từ gửi trẻ, sữa vì vợ tôi không có sữa ngay từ khi sinh bé.
Suốt 2 năm, tôi rất thông cảm và hiểu nỗi vất vả sinh đẻ của vợ nên chia sẻ mọi việc nhà. Nhưng đến giờ, khi con đã đi trẻ, vợ tôi vẫn lười việc nhà, vẫn sáng đi tối về, ỉ lại cho tôi cả kinh tế và việc nhà.
Tôi đang rất băn khoăn có nên quyết tâm ly hôn vợ hay không, mong nhận được lời khuyên.(Hoàng Anh)
Trả lời
Trước khi kết hôn, mọi người có thể nghĩ ra rất nhiều những mơ ước cho cuộc sống tương lai, nhưng ít ai bàn bạc với nhau về vấn đề kinh tế khi sống chung. Trong khi đó, kinh tế lại là một trong những chức năng không thể thiếu của gia đình.
Lý do mà mọi người không dám bàn về kinh tế sau kết hôn là sợ bị người vợ hay người chồng tương lai nghĩ mình coi trọng đồng tiền. Chính vì vậy, các vấn đề như chi tiêu trong gia đình, nghĩa vụ với gia đình 2 bên, các khoản đóng góp của mỗi người, ai quản lý chi tiêu, chi tiêu như thế nào… đã không được thống nhất, bàn bạc trước.
Thực tế, khi chung sống, lúc đầu thì mọi chuyện có thể không có gì, nhưng đến một lúc nào đó, mâu thuẫn về kinh tế sẽ phát sinh. Một bên cảm thấy bất công nhưng khó nói ra vì sợ bên kia nghĩ sai về mình, hoặc do quen sống như vậy rồi giờ khó thay đổi, mà không nói ra thì ấm ức.
Tuy nhiên nếu vợ chồng không trao đổi với nhau về vấn đề này thì có nguy cơ hôn nhân đổ vỡ. Vì thế bạn cần trao đổi với vợ về việc này và cùng nhau đưa ra hướng giải quyết cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình bạn. Chuyện chia sẻ công việc nhà cũng vậy. Bạn cũng cần bàn bạc và phân công, chia sẻ với vợ.
Bạn đã một lần ly hôn, đây là cuộc hôn nhân lần 2 của bạn và vợ bạn. Trong gia đình bạn bây giờ có nhiều mối quan hệ với con riêng và con chung. Nếu bây giờ bạn lại ly hôn thì bạn cần cân nhắc đến những xáo trộn về tâm lý của các con để có sự chuẩn bị làm sao cho các con ít bị thiệt thòi nhất.
Chúc bạn sẽ có cách giải quyết tốt cho cuộc sống gia đình mình.
Minh Hoa
Chuyên gia tâm lý-trị liệu, đường dây tư vấn 1088
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.