Sau buổi tối lãng mạn cả 2 vợ chồng tự ăn mừng đã “lên chức”, liệu một ông bố tương lai như bạn đã biết mình nên làm những gì trong 9 tháng gian lao còn lại. Thế nên, hãy xem bài viết dưới đây chính là quyển cẩm nang hướng dẫn “sống sót” trong những ngày tháng mong chờ thiên thần của bạn chào đời nhé!
Từ giờ cho đến khi bạn cắt dây rốn cho bé, rất nhiều chuyện sẽ xảy ra mà không ai có thể chuẩn bị thay cho bạn hết. Cũng chẳng có cách nào có thể đoán trước được mọi tình huống, nhưng bạn cũng cần tìm hiểu thêm để không hoàn toàn mù tịt về mọi thứ. Phải nói là rất tốt khi bạn có kiến thức và phương cách để giúp đỡ vợ mình – người mẹ tương lai của con bạn.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào quá trình mang thai của vợ ngay từ lúc bắt đầu và có am hiểu “sâu rộng” không những san sẻ phần nào gánh nặng cho vợ bầu, mà còn khiến các ông bố cảm thấy không còn trở thành “người thừa” trong “thế giới mang thai và sinh đẻ” nữa.
Sẽ có rất nhiều thứ mà một ông bố tương lại phải tìm hiểu trong quá trình vợ mang thai đấy!
Chuẩn bị cho tổ ấm
– Từ bây giờ bạn phải bắt tay vào mua sắm, sắp xếp lại ngôi nhà của mình. Nào là giường cũi, bàn thay tã, ghế xích đu, nôi, xe đẩy và ghế trên ô tô cho trẻ em, chưa kể cả đống đồ chơi và những dụng cụ mà bạn không hề biết rằng chúng tồn tại nhưng bây giờ bắt buộc phải có.
– Nếu vợ chồng bạn muốn chuẩn bị phòng sơ sinh cho bé, vậy hãy bắt đầu trang trí nó. Những thanh chắn của chiếc cũi hay những hoa văn trên những cái gối đệm trong nôi của bé sẽ trở thành chủ đề quan trọng mà bạn phải chuẩn bị để thảo luận với vợ đấy. Các bà bầu thường thận trọng tránh xa mùi sơn, vậy nên toàn bộ việc sơn và vẽ trong phòng của bé đều trông cậy vào bạn cả.
– Mọi thứ cũng sẽ khác trong phòng ngủ của 2 vợ chồng. Chiếc giường mà vợ chồng vẫn thường nằm bây giờ trở nên ít “ấm cúng” hơn trước, bởi vợ bầu của bạn sẽ trở nên không thoải mái và khó ngủ. Bằng việc chừa chỗ cho cái gối ôm to đùng của cô ấy, bạn đang giúp đỡ cho vợ mình rồi đấy! Đôi khi bạn có thể sẽ phải ngủ một mình trong một khoảng thời gian vì vài bà bầu thích ngủ trên ghế dựa hơn là trên giường.
– Chuyện quan hệ vợ chồng trong quá trình vợ mang thai là một vấn đề rất đáng để quan tâm và tìm hiểu.
– Bạn nên dừng ngay lại việc hút thuốc trong nhà vì hút thuốc lá thụ động gây tác động rất xấu đến đứa trẻ.
Khám tiền sản
– Thời đại bây giờ, các ông bố rất được khuyến khích và hoan nghênh khi đi khám thai với vợ. Giả sử mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp, sẽ có khoảng 15 cuộc hẹn khám thai với tần số khác nhau: Một lần mỗi tháng cho đến tuần thứ 28, ba hay bốn lần cho đến tuần thứ 36 và đều đặn mỗi tuần cho đến tháng cuối cùng.
– Sẽ có hai lần khám thai đặc biệt quan trọng mà bạn nên đi: Lần khám đầu tiên và lần siêu âm.
– Trong những lần khám thai, bác sỹ sẽ cho vợ chồng bạn những lời khuyên chung để giữ gìn sức khỏe khi vợ mang thai và hướng dẫn cho bạn nếu như có bất cứ vấn đề y tế đặc biệt nào. Những lần khám thai thông thường bao gồm những việc như thu thập mẫu nước tiểu và mẫu máu, kiểm tra huyết áp, đo lường độ lớn của bụng bầu và cân nặng của vợ bầu.
– Cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn phải dành nửa tiếng đồng hồ lau nước mắt cho vợ bởi vì cô ấy cho rằng mình quá mập và bạn phải luôn miệng an ủi. Ngoài ra thì một thứ nữa có thể khiến bạn phải giật mình đó là lần khám vùng chậu, điều mà có thể được thực hiện ngay trước mặt bạn.
– Trong tuần thứ 20 của thai kỳ, sẽ có 1 buổi siêu âm cực kỳ quan trọng. Đây là lúc mà nhiều bố mẹ sẽ có được cái nhìn đầu tiên về đứa con bé bỏng của họ. Đôi khi việc siêu âm được thực hiện sớm hơn trong quá trình mang thai để có thể quan sát được những khiếm khuyết của đứa bé hay nếu bác sỹ nghi ngờ một vấn đề nào đó. Khám siêu âm ở tuần thứ 20 có thể tiết lộ giới tính của em bé. Vợ chồng bạn có thể chọn để biết được điều này ngay lập tức hoặc chờ đợi sự ngạc nhiên trong phòng sinh.
Bố có biết, mẹ bầu sẽ rất cảm kích và an tâm khi có anh xã bên cạnh trong những lần khám thai!
Điều quan trọng cuối cùng
– Vào một thời điểm nào đó, người mẹ sẽ bắt đầu phác họa ra kế hoạch cho quá trình sinh nở của cô ấy. Đó là một bản hướng dẫn chi tiết những thứ cô ấy muốn khi chuyển dạ và sinh con – sinh con ở bệnh viện nào, ai là người đỡ đẻ, cô ấy định tới bệnh viện bằng phương tiện nào, những ai cô ấy muốn ở trong phòng sinh với mình và vai trò của bạn sẽ là gì. Tham gia các lớp học tiền sản với nhau sẽ giúp vợ chồng bạn tìm hiểu xem cách nào là tốt nhất để bạn có thể giúp đỡ cô ấy trong suốt quá trình sinh nở.
– Khi thời khác sinh nở tới, mọi thứ có thể sẽ đi theo kế hoạch. Tuy nhiên nhiều sự kiện bất ngờ có thể làm mọi thứ trật đường ray hoàn toàn. Bất cứ giai đoạn nào của quá trình sinh nở cũng có thể diễn biến khác nhau, chưa kể nó bao gồm một đống giả định khác mà chưa chắc là sẽ diễn ra trong mọi trường hợp.
– Nếu vợ chồng bạn đã lên kế hoạch là sinh con ở một bệnh viện cụ thể nào đó, bạn có thể được tham quan phòng hộ sinh khi quá trình sinh nở bắt đầu để có thể quan sát thực tế nơi này trông như thế nào. Vì thông thường thì bạn sẽ dành ít nhất 48 tiếng ở đây khi vợ đang sinh con.
– Rất khó để đoán trước được khi nào thì bé ra đời, nhưng trung bình, đối với người mẹ có con đầu lòng, thời gian sinh nở kéo dài thì 12 – 24 tiếng bắt đầu từ cơn co thắt đầu tiên của cô ấy cho đến khi sinh. Người bạn đời của bạn có thể phải ở trong giai đoạn đầu của quá trình sinh nở trong nhiều giờ cho đến khi bệnh viện có thể tiếp nhận cô ấy. Nếu có thể, vợ chồng bạn hãy dành thời gian cho nhau và bạn cố gắng giữ cho cô ấy bận rộn chút. Khi đã đến thời điểm, thật bình tĩnh đưa cô ấy đến bệnh viện.
– Trong quá trình sinh nở, các cơn đau của vợ bạn sẽ càng lúc càng dữ dội hơn, cho dù đã áp dụng các biện pháp giảm đau, nó vẫn gây đau đớn rất nhiều. Thế nên, bạn hãy hỗ trợ Lấy nước đá, khăn mát, xoa chân, đấm lưng cho cô ấy bởi vợ bạn đang trải qua một cơn đau khủng khiếp mà bạn không thể nào tưởng tượng nổi đâu!
– Và cuối cùng, khi nghe tiếng oe, oe chào đời của con. Ôm con vào lòng, hãy nhớ hôn tặng vợ và thì thầm cảm ơn cô ấy nhé!
Chưa có bình luận.