Thứ Bảy, 12/09/2015 | 17:27

Vitamin, Protein cần thiết với cơ thể chúng ta, với trẻ em khi sức đề kháng kém hơn, chắc chắn sẽ quan trọng hơn

Bệnh do thiếu vitamin ở trẻ nhỏ

Bệnh thiếu vitamin A: Vitamin A là loại vitamin tan trong mỡ, vì thế bệnh thường xảy ra do chế độ ăn của trẻ thiếu chất mỡ, hoặc do rối loạn hấp thu. Bị teo đường dẫn mật cũng làm trẻ thiếu vitamin A. Khi thiếu vitamin A, cơ thể của trẻ sẽ có các biểu hiện sau: Trẻ bị quáng gà (nhìn không rõ vào lúc sẩm tối, hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng) khô kết mạc, khô rồi loét giác mạc (vết loét có khi gây thủng giác mạc, nếu khỏi vấn để lại sẹo và trẻ có nguy cơ bị mù). Trẻ bị thiếu vitamin A thường ăn kém và chậm lớn.

Ngoài việc cho trẻ dùng thêm vitamin A dạng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, gia đình cần cho trẻ ăn nhiều trứng, gan động vật, rau xanh và những loại quả có màu đỏ và vàng. Với trẻ đang bú mẹ nên cho dùng thêm dầu cá.

Bệnh thiếu vitamin B1: Bệnh này thường gặp ở trẻ em bị rối loạn tiêu hoá kéo dài, hoặc ở trẻ ăn nhiều chất bột. Bệnh thiếu vitamin B1 chia thành 3 thể, gồm:

Thể bán cấp: Trẻ kém ăn, hay nôn và bị táo bón.

– Thể cấp: Trẻ thường có triệu chứng thần kinh như liệt dây thần kinh sọ não (trẻ bị khàn tiếng hoặc mất tiếng), phản xạ gần xương sẽ giảm hoặc mất hẳn.

– Ở thể tối cấp: Trẻ sẽ bị suy tim với các biểu hiện như tím tái, khó thở, vật vã, tim to, nhất là ở bên phải, tiếng tim yếu: gan to…

Để trẻ không bị mắc bệnh này, người mẹ khi cho con bú cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thức ăn giàu vitamin B1 như rau quả, thịt mỡ, lòng đỏ trứng… Khi trẻ đến tuổi ăn dặm và lớn hơn cũng vẫn áp dụng chế độ ăn như trên.

Bệnh thiếu vitamin B2: Vitamin B2 hay còn gọi là riboflavin có nhiều trong ngũ cốc, rau quả, thịt mỡ, lòng đỏ trứng. Trẻ bị bệnh thiếu vitamin B2 ngoài nguyên nhân ăn thiếu chất còn do uống quá nhiều sữa bò hoặc do rối loạn tiêu hoá kéo dài.

Khi thiếu vitamin B2 trẻ sẽ bị tổn thương ở miệng, mũi, môi. Cụ thể: Miệng: Môi nhợt mỏng, có vách nứt nông, mũi bị viêm đỏ và có vảy khô; lưỡi đỏ tím, gai lưỡi rụng nên lưỡi có hình bản đồ; mắt viêm có vẩy, niêm mạc đỏ, trẻ sợ ánh sáng; ngứa bộ phận sinh dục do viêm. Điều trị bệnh thiếu vitamin B2 ngoài dùng thêm vitamin B2 dạng thuốc thì hàng ngày có thể cho trẻ ăn thêm khoảng 40 – 60 mg men rượu bia.

Bệnh thiếu vitamin B6: Thiếu vitamin B6 thường xảy ra trong các trường hợp trẻ ăn uống không đủ chất hoặc uống quá nhiều sữa bò. Khi bị thiếu vitamin B6 trẻ thường bị co giật, thiếu máu, nhược sắc, viêm dây thần kinh và bị mẩn đỏ ngoài da.

Bệnh thiếu vitamin C: Bệnh này chỉ gặp ở những trẻ có chế độ ăn thiếu rau xanh, rối loạn tiêu hoá kéo dài và do dùng sữa hộp được đun nấu quá kỹ. Trẻ thiếu vitamin C sẽ chậm lớn, da xanh, hay cáu kỉnh, nhức xương, nhất là hai chi dưới, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da thành nốt. Trong các bữa ăn, hàng ngày nên cho trẻ ăn nhiều rau quả có vị chua và bổ sung thêm vitamin C dưới dạng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh thiếu vitamin PP: Những trẻ bị thiếu vitamin PP da thường bị biến sắc ở những nơi phơi nắng như mặt, bàn tay, cổ… Do da bị hồng ban và phù nhẹ nên trẻ thấy ngứa và nóng. Sau một thời gian da sẽ bị lở loét và rụng vẩy. Trẻ thường xuyên bị nhức đầu, mất ngủ, ít phản ứng với ngoại cảnh, lưỡi bị viêm đỏ và bị táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ bị viêm tai mạn. Sở dĩ trẻ bị thiếu vitamin PP là do chế độ ăn quá nhiều chất bột hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hoá. Muốn trẻ không mắc bệnh, cần cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin PP thường xuyên như thịt, cá, các loại dầu.

Protein quan trọng thế nào với bé?

Protein là chất cơ bản kiến tạo cơ thể và chiếm 18% thể trọng. Protein là một trong 3 chất dinh dưỡng chính, là thành phần chủ yếu trong nhu cầu ăn uống của con người. Đó là nguồn đạm duy nhất của cơ thể và là chất dinh dưỡng không thể thay thế được. Vậy protein là gì?

Protein là chất cơ bản tạo ra tất cả các tổ chức và tế bào. Nếu thiếu protein kéo dài, tế bào sẽ bị tổn hại, cơ thể không phát triển được. Những bộ phận quan trọng của cơ thể như gan, thận, tim, da, cơ bắp, huyết tương, huyết dịch, tóc… đều do protein cấu thành. Ngoài việc tham gia vào các quá trình chuyển hoá cung cấp năng lượng, protein còn có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể:

– Nhanh chóng phục hồi các tổn thương; Tăng chiều cao, thể trọng của cơ thể.

– Là chất sinh trưởng, phục hồi và duy trì sự sống của tổ chức cơ thể.

– Tham gia tiêu hoá thức ăn, phụ trách vận chuyển ôxy, hỗ trợ cho tim, làm giãn cơ bắp, điều chỉnh độ acid kiềm…

Protein chứa các acid amin cần thiết cho cơ thể. Vì thế, nếu thực phẩm nghèo protein, cơ thể sẽ thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em. Do đang ở giai đoạn phát triển, nhu cầu protein mỗi ngày của trẻ em nhiều hơn người lớn. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu cần protein càng nhiều. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì phải chọn thực phẩm giầu protein, các chất chế phẩm sữa có thành phần dinh dưỡng gần giống như sữa mẹ để dễ tiêu hoá.

Trẻ ở các lứa tuổi khác nhau thì lượng protein cần thiết hàng ngày cho mỗi kg thể trọng cũng khác nhau:

– Trẻ trong 1 tuổi: Trẻ bú mẹ cần 2g, trẻ nuôi bằng các chế phẩm sữa cần 3,5 g.

– Trẻ 1 – 4 tuổi cần 2 – 2,5g.

– Trẻ 7 tuổi cần 1,5 – 2 g.

– Trẻ trên 13 tuổi cần 1,5g.

Thiếu protein, cơ thể trẻ chậm phát triển, không có sức, thiếu máu… Tuy nhiên nếu thừa protein, trẻ lại dễ bị táo bón, ăn uống khó tiêu.

Thực phẩm có nhiều protein là thịt (gà, lợn, vịt), cá trứng, sữa, các loại đậu, lạc, vừng… Protein trong thức ăn phải được sử dụng hợp lý, các loại chế phẩm thức ăn trong bữa ăn nên phong phú, đa dạng và cần kết hợp cân đối protein thực phẩm với động vật, như thế sẽ phát huy đầy đủ các tác dụng bổ sung protein và giúp trẻ tiếp nhận đủ protein cho cơ thể./.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook