Thứ Sáu, 24/04/2020 | 22:38

Ưu nhược điểm huyết thanh và huyết tương trong xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch

Huyết tương (Plasma) và huyết thanh (Serum) là hai thành phần cơ bản của tế bào máu trong cơ thể mỗi con người. Có vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Các xét nghiệm về huyết thanh, huyết tương còn phản ánh tình trạng bệnh lý trong cơ thể.

Trước đây, huyết thanh được ưu tiên sử dụng để xác định nồng độ của các thành phần trong máu. Ngày nay huyết tương được ưa dùng hơn bởi các phòng xét nghiệm (nhưng không phải tất cả). Vì các thành phần trong huyết tương phản ánh tình trạng bệnh lý bệnh nhân tốt hơn trong huyết thanh

Sự khác nhau giữa huyết thanh và huyết tương?

Huyết tương (Plasma)

+ Đặc điểm huyết tương:

Huyết tương cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) tạo nên máu trong cơ thể con người. Huyết tương là một trong những thành phần quan trọng nhất của máu. Huyết tương chiếm tới 55 – 65% tổng lượng máu trong cơ thể.

+ Màu sắc huyết tương:

Huyết tương ở người khỏe mạnh là chất lỏng có màu vàng nhạt và trong suốt. Huyết tương thay đổi thường xuyên theo tình trạng sinh lý trong cơ thể, ví dụ sau bữa ăn huyết tương có màu đục và trở nên trong, màu vàng chanh sau khi ăn vài giờ.

+ Thành phần huyết tương:

Huyết tương chứa 90% nước về thể tích, 10% còn lại là các chất tan như protein huyết tương, các thành phần hữu cơ và muối vô cơ,…

+ Protein huyết tương:

Huyết tương có chứa rất nhiều protein hòa tan và chiếm 7% về thể tích, trong đó các protein quan trọng nhất là:

+ Albumin huyết tương:

Là loại protein huyết tương phổ biến nhất (3,5-5g/dL máu) và là yếu tố chính gây ra áp suất thẩm thấu (osmotic pressure) của máu. Các chất chỉ hòa tan một phần hoặc sẽ không hòa tan trong nước được vận chuyển trong huyết tương bằng cách liên kết với albumin.

+ Globulin huyết tương:

Alpha, beta, gamma là những protein hình cầu hòa tan trong huyết tương. Gamma protein có các kháng thể hay immunoglobulin được tổng hợp bởi tương bào.

+ Fibrinogen huyết tương:

Được biến đổi thành fibrin bởi các enzyme liên kết với máu trong quá trình cầm máu. Fibrinogen được tổng hợp, chế tiết ở gan.

Các muối khoáng: muối khoáng chiếm 0.9 g/o về thể tích bao gồm các muối điện ly như Na, K, Ca v.v.

Huyết thanh (Serum)

+ Đặc điểm huyết thanh:

Huyết thanh bình thường có thành phần và biểu hiện tương đồng với huyết tương, bao gồm cùng mức các nguyên tố vi lượng và nước. Sự khác biệt ở đây là yếu tố đông máu Fibrinogen không có trong huyết thanh. Trong máu, huyết thanh là thành phần không phải dạng tế bào máu (không chứa tế bào bạch cầu hoặc hồng cầu), cũng không phải chất đông máu. Huyết thanh là huyết tương không bao gồm tơ huyết. Huyết thanh bao gồm tất cả protein không được sử dụng trong quá trình đông máu và tất cả các chất điện giải, kháng thể, kháng nguyên, nội tiết tố, và bất kỳ chất ngoại sinh nào.

+ Màu sắc huyết thanh:

Một mẫu huyết thanh bất thường có thể có màu sữa, đục hay vàng đậm và nó chỉ ra các tình trạng bất thường như là Cholesterol máu cao hay là tăng Billirubin máu.

+ Thành phần huyết thanh:

Thành phần của huyết thanh bao gồm các nguyên tố vi lượng và đa lượng như: Kali, Natri, Canxi, Clorua, Phosphor, Magie, Enzyme, axit uric, glucose, bilirubin, creatinine,…

Cách tạo ra huyết thanh là cho máu đông lại trong thời gian nhất định, tiếp đến đun ống bằng que thử, sau một thời gian sẽ loại bỏ được máu đã đông ra ngoài, sau đó ly tâm ống. Sau khi làm xong các bước này chúng ta sẽ có được huyết thanh.

Việc dùng huyết thanh hay huyết tương cho các xét nghiệm sinh hóa không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xét nghiệm, nếu mẫu đó không nhằm mục đích lưu trữ. Tùy vào mỗi Labo mà việc lựa chọn, sử dụng huyết thanh hay huyết tương là chính. Mẫu huyết thanh được khuyến cáo sử dụng khi mục đích lưu trữ hơn là mẫu huyết tương.

Việc dùng mẫu huyết tương có nhiều lợi ích hơn huyết thanh, bởi các lý do sau:

+ Tiết kiệm thời gian: mẫu huyết tương có thể ly tâm ngay mà không cần đợi sau 30 phút như huyết thanh.

+ Năng suất hơn: Với cùng 1 lượng máu, thì việc lấy được huyết tương sẽ nhiều hơn huyết thanh là 15-20%.

+ Tránh được ảnh hưởng của hiện tượng đông máu gây ra: Các cục máu đông trong ống huyết thanh đã được ly tâm có thể làm tắc kim hút nếu sử dụng cả ống máu mà không tách riêng ra cuvet (cóng). Điều này có thể được ngăn ngừa, nếu mẫu dùng là huyết tương, có chất chống đông máu.

+ Phòng chống sự thay đổi do quá trình đông máu gây ra: Quá trình đông máu có thể làm thay đổi nồng độ của nhiều thành phần trong máu bào vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Những thay đổi xảy ra bởi các cơ chế sau:

Tăng nồng độ các thành phần trong huyết thanh so với huyết tương, ví dụ như: Kali, Phospho, AST, LDH, serotonin, kẽm. Phát hành amid-NH3 từ quá trình ổn định Fibrin của yếu tố XIII.

Giảm nồng độ của các thành phần trong huyết thanh do quá trình trao đổi chất của tế bào và quá trình đông máu: glucose, protein toàn phần.

Kích hoạt ly giải hồng cầu, bạch cầu trong máu không chống đông, điều này có thể giải phóng Hemoglobin.

+ Một số xét nghiệm chỉ được làm trên huyết tương: elolase, serotonin, amoniac

Nhược điểm của việc dùng huyết tương so với huyết thanh:

+ Bị nhiễu kết quả nếu thực hiện xét nghiệm các cation: NH4+, Li+ (chống đông liti-heparin).

+ Chất chống đông có liên kết với một chất phân tích có thể làm giảm giá trị đo được của nó trong huyết tương (Burkhard và Meyer, 1995).

+ Sự có mặt của Fibrinogen ảnh hưởng đến xét nghiệm miễn dịch và việc dùng huyết thanh có thể ngăn ngừa điều này.

+ Trong điện di và phân tích protein, huyết thanh được khuyến cáo hơn là huyết tương (Guder, 2001).

Lưu ý:

Chỉ dùng huyết thanh để theo dõi điều trị thuốc hoặc phân tích độc tính.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook