Chủ Nhật, 06/09/2015 | 15:50

Trước một người bệnh phù, phải phân biệt phù cục bộ với phù toàn thể.

Trước một người bệnh phù, phải phân biệt phù “cục bộ” với phù “toàn thể”.

Phù cục bộ thường dễ tìm nguyên nhân.

Do nhiễm khuẩn khu trú như nhọt, áp xe, khi đó, trích mủ quan trọng hơn là dùng kháng sinh.

Do chấn thương như đụng giập, sai khớp, gãy xương. Có thể dùng các thuốc mỡ hoặc nước để chống viêm tại chỗ, nhưng chủ yếu là chữa đặc hiệu.

Do tắc tĩnh mạch, phù chi dưới một hoặc hai bên, có thể có viêm (nóng, đỏ) hoặc không. Nếu tĩnh mạch nổi rõ thì chẩn đoán dễ. Nên hội chẩn để dùng thuốc chống đông và kháng sinh. Suy tĩnh mạch ở người hay đứng lâu và người cao tuổi cũng có thể gây phù.

Do giun chỉ gây tắc mạch bạch huyết: phù hai chân hoặc phù bộ phận sinh dục (bìu dái, môi lớn …)

Lâu ngày da vùng đó bị dày cứng lại (phù voi). Những biểu hiện hay kèm theo là: sốt từng đợt 3 – 5 ngày, hay tái đi tái lại, nổi hạch, có dưỡng trấp. Điều trị đặc hiệu bằng diethylcarbamazin 5mg/kg/24 giờ, uống trong 3 tuần lễ hoặc dùng ivermectin ít tác dụng phụ hơn.

Nếu phù quá lâu hoặc quá lớn, có khi phải phẫu thuật.

Do tắc tĩnh mạch chủ trên như u trung thất, u phế quản, viêm hoặc tràn khí trung thất. Phù có dạng áo khoác: phù chi trên, mặt, cổ, nửa trên lồng ngực. Phải gửi tuyến trên.

Phù toàn thể

Nhẹ, chỉ thấy ấn lõm ở mắt cá chân hoặc nặng mặt, nếu nặng hơn thỉ có cả cổ trướng hoặc tràn dịch màng phổi. Nhiều khi phát hiện bằng “ lên cân quá nhanh”, vài cân trong ngày. Tìm nguyên nhân khó hơn, nhất thiết phải xét nghiệm nước tiểu tìm protein (albumin).

Nếu albumin niệu rõ ++ hoặc +++, chắc chắn phù do bệnh thận.

– Hội chứng thận hư hay gặp ở trẻ em: phù rất lớn, thể trạng vẫn tốt, không sốt.

Điều trị: ăn kiêng muối, nằm nghỉ, chữa bệnh nguyên nhân nếu có. Thuốc lợi niệu nên dùng khi phù quá lớn: uống furosemid, có khi kết hợp với metolazone là đủ, ít khi phải tiêm furosemid tĩnh mạch. Không nên cho nhiều thuốc lợi niệu quá để khỏi giảm tưới máu thận. Trường hợp hội chứng thận hư đơn thuần, nên dùng corticoid liều cao.

– Viêm cầu thận cấp do liên cầu: thường bắt đầu bằng sốt, viêm họng, đái ít, đôi khi huyết áp tăng. Một số nhỏ có thể nặng lên, gây suy thận, tử vong: còn phần lớn có tiên lượng tốt.

Điều trị: kiêng muối, nằm nghỉ, uống furosemid. Nếu nhiễm khuẩn rõ (sốt đau họng), nên cho penicilin tiêm bắp 1-2 triệu đơn vị/24 giờ tiêm trong 7-10 ngày.

– Với các bệnh cầu thận nguyên nhân khác như lupus ban đỏ hệ thống, thận nhiễm amylose, tăng huyết áp, cần hội chẩn để chữa nguyên nhân và điều trị đặc hiệu.

Nếu protein niệu không có hoặc có ít, nên nghĩ đến các bệnh tim, gan, nội tiết. Thiếu vitamin B1 trầm trọng cũng gây phù.

– Suy tim ứ huyết gây phù do tăng áp lực tĩnh mạch và giảm mức lọc cầu thận. Những bệnh hay gây suy tim ứ huyết là: hẹp hai lá, tim phổi mạn, viêm màng ngoài tim cấp hoặc co thắt, nhồi máu cơ tim cũ, bệnh cơ tim, nhiều bệnh tim bẩm sinh.

Ở tuyến trên, phải khám tim mạch, tìm nguyên nhân gây bệnh để chữa như cắt mép van, cắt bỏ màng ngoài tim … Chữa phù do tim gồm: thuốc lợi niệu (furosemind, hydroclorothiazid), trợ tim (digoxin), giảm ăn muối, nghỉ tương đối.

– Xơ gan cũng hay gây phù, vì albumin huyết giảm. Thường kèm theo cổ trướng, thể trạng sút kém.

Chẩn đoán cần định lượng albumin huyết (điện di hóa học), tỷ lệ prothrobin trong máu. Chữa phù do xơ gan cũng chỉ gồm ăn nhạt tương đối, ăn nhiều protid, không nên dùng nhiều thuốc lợi niệu.

– Một số phụ nữ có phù trước mỗi kỳ kinh, loại phù này chỉ cần kiêng muối mấy ngày đó là đủ.

– Phù niêm có nguyên nhân suy giáp trạng, điều trị bằng tinh chất tuyến giáp.

– Ở một số người cao tuổi, có khi không có bệnh thận, tim, gan mà vẫn có phù, có thể do môi dưới da lỏng lẻo để giữ nước.

Điều trị chỉ cần nâng sức khỏe bằng hoạt động đi lại nhiều hơn, ăn ít muối và nhiều protein hơn một ít.

Nếu phù do thiếu vitamin B12 thì phải tiêm dưới da B12.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook