Thứ Bảy, 12/09/2015 | 16:20

Tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ sơ sinh đang có chiều hướng gia tăng. Nhìn những em bé sơ sinh bụ bẫm mũm mĩm, ai cũng thích, nhưng ít ai biết đến những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau trọng lượng quá mức của những em bé này lúc mới sinh.

Tháng 11 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một bé trai nặng 6,5kg ra đời tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An. Đây là trường hợp trẻ sơ sinh nặng 6,5kg thứ ba – mức cân nặng lớn nhất được biết đến từ trước đến nay của một trẻ sơ sinh tại Việt Nam – được biết đến trong vòng hai năm qua. Hai trường hợp trước là một bé trai và một bé gái, đều ở Đà Nẵng.
BS. Nguyễn Cảnh Chương, Giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Hiện nay chưa có thông kê khoa học chính thức về tỷ lệ trẻ em sơ sinh thừa cân, nhưng theo kinh nghiệm của tôi cũng như nhiều bác sỹ đồng nghiệp làm việc lâu năm trong ngành thì tỷ lệ trẻ sơ sinh quá cân (tức là những em bé có trong lượng lúc mới sinh vượt quá 3.5kg đối với sinh lần đầu và 3.8kg đối với các lần sinh tiếp theo) đang có xu hường gia tăng mạnh. Mỗi năm, khoảng 15% trong số các sản phụ sinh con quá cân. 10 năm trước đây thì tỷ lệ này rất nhỏ, chỉ khoảng vài phần trăm.”
Trẻ sơ sinh thừa cân dễ mắc nhiều bệnh mãn tính
BS Chương cho biết trẻ sơ sinh nặng hơn 3,8kg trông bụ bẫm khoẻ mạnh nhưng thực chất những em bé này có nguy cơ thường trực là hạ đường huyết sau khi sinh do nồng độ insulin của người mẹ rất cao và sau khi sinh thì bị tụt xuống nên hệ thống nội tiết của em bé chưa thích nghi kịp. Hiện tượng này kéo theo một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy thở, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt… Khi lớn lên nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của những em bé sơ sinh thừa cân cao gấp đôi so với những em bé có cân nặng bình thường. Vì vậy, trẻ sơ sinh thừa cân cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là những ngày đầu sau sinh để hạn chế những biến chứng.
Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, những trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh trên 3,5kg có nguy cơ bị thừa cân cao hơn 2,4 lần so với trẻ có cân nặng thấp hơn mức này. Và những trẻ này nếu không được bú sữa mẹ thì nguy cơ thừa cân sau này sẽ tiếp tục tăng lên.
Kết quả các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Thụy Điển mới đây cho thấy những trẻ sơ sinh nặng cân có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bệnh về đường tiêu hóa khi trưởng thành. Những bé gái sinh nặng cân có khả năng mắc bệnh ung thư vú, nhưng tỷ lệ này thấp hơn khả năng mắc bệnh ung thư tử cung khi trưởng thành. Chi tiết của công trình nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí “The International Journal of Cancer Online”.
Mẹ tiểu đường, béo phì dễ sinh con thừa cân
Theo BS Chương, những em bé thừa cân đa số là do mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường do thai nghén làm cho em bé tăng cân nhiều trong tử cung của người mẹ. Từ trước đến nay, nhiều bà mẹ vẫn muốn con mình sinh ra trông thật bụ bẫm nên quan niệm không phải ăn cho mình mà ăn cả cho con đang trong bụng, vì thế họ ăn quá nhiều, ăn hết sức, và ăn quá nhiều thức ăn béo, ngọt. Những bà mẹ mang thai chỉ có nhu cầu về năng lượng cao hơn những phụ nữ không mang thai khoảng 30%, tức là khoảng 500-600 kilo Calo/ngày. Tổng số năng lượng này chỉ tương ứng với khoảng 1 bát cơm trong mỗi bữa ăn. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai cần phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân đối trong bữa ăn chứ không phải là cung cấp quá nhiều năng lượng dẫn đến tình trạng tăng cân quá mức ở người mẹ và quá cân của thai nhi. Đây cũng chính là tiền đề của bệnh đái tháo đường do thai nghén.
Đặc biệt, những thai phụ tăng cân từ 15kg trở lên trong lúc mang thai dễ sinh con thừa cân. Nếu trẻ có cả cha và mẹ thừa cân thì nguy cơ thừa cân của trẻ cũng tăng từ 3,4 đến 6,2 lần so với trẻ có cha mẹ bình thường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người mẹ mang thai

Theo các nhà dinh dưỡng thì các bà mẹ mang thai phải chú ý đến việc cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, gồm có Protêin, Lipit, Gluxit và đặc biệt là bổ xung các Vitamin và khoáng chất. Nên tăng cường các Vitamin nhóm B (B9 rất tốt cho việc phát triển hệ thần kinh của thai nhi), tăng chất vi lượng đó là Sắt và Canxi trong suốt quá trình mang thai.

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm sữa dành cho phụ nữ mang thai, tuy nhiên việc sử dụng các sản phẩm này hoàn toàn không phải là bắt buộc nếu như họ có một chế độ ăn đầy đủ và cân đối. BS Chương cho biết ở các nước tiên tiến như Mỹ và nhiều nước ở Châu Âu người ta không sử dụng các sản phẩm sữa dành cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì phụ nữ không có thói quen uống sữa thường xuyên và các thánh phần trong bữa ăn đôi khi không được tư vấn đầy đủ nên nó mất cân đối và thiếu chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Chính vì thế nên phụ nữ mang thai thường được các bác sĩ tư vấn khuyên nên dùng bổ sung các sản phẩm sữa dành cho bà mẹ mang thai. Đây là một phương pháp đơn giản để bổ sung các chất dinh dưỡng và vi chất bị thiếu, và điều này là hoàn toàn không bắt buộc./.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook