Thứ Hai, 07/05/2018 | 16:05

Những cơn mưa bất thường mùa hạ đôi khi khiến người đi đường không kịp trở tay dẫn đến bị ướt hết cơ thể. Đối với một số người, việc dính phải nước mưa hết sức bình thường, tuy nhiên với con trẻ, do làn da còn non nớt nên dính nước mưa có thể gây dị ứng, mẩn ngứa. Vậy khi con bị dị ứng nước mưa phải xử lý như thế nào?

Một bé trai 5 tuổi bị dính mưa và hậu quả là sau mấy tiếng bé bị dị ứng ngứa ran cả tay và chân. Lần khác do tắm mưa em cũng bị ngứa, mẩn đỏ hết cả người. Mẹ bé thắc mắc ngày xưa khi còn bé cũng tắm nước mưa mãi nhưng chẳng sao. Đằng này con đã được trang bị áo mưa kín, chỉ hở tay, chân mà vẫn sinh chuyện…vậy do nguyên nhân gì?

Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến cho biết nguyên nhân khiến bé bị đỏ da, nổi mẩn ngứa là do các chất gây ô nhiễm có trong nước mưa gây nên.

Những thập kỷ trước sở dĩ mẹ bé không bị dị ứng khi tắm mưa bởi môi trường sống ngày xưa khác biệt nhiều so với bây giờ. Không khí trong lành, không bị ô nhiễm nên nước mưa cũng “lành” hơn, vì vậy khả năng bị dị ứng khi tắm mưa cũng hiếm hơn.

Ngoài ra, lý do khiến tình trạng dị ứng nặng hơn bởi TP HCM mới bắt đầu mùa mưa. Theo phân tích của các chuyên gia những cơn mưa đầu mùa thường chứa nhiều chất gây ô nhiễm nhất. Do đó việc bị dị ứng là điều tất yếu.

Ngoài ra, tình trạng ngứa nhiều hay không còn tùy vào cơ địa của từng cháu. Đối với những cháu da nhạy cảm, dễ dị ứng thì đi mưa về cũng dễ ngứa, nổi mẩn hơn trẻ khác.

Qua đó các chuyên gia khuyến cáo, với những bé đã từng bị dị ứng với nước mưa thì tốt nhất là cha mẹ chuẩn bị sẵn áo mưa đủ kín khi đưa đón con đi học. Nguyên tắc là càng hạn chế vùng da tiếp xúc với nước mưa càng tốt.

Trường hợp bị dính nước mưa, khi về nhà, cần lau khô người cho con, để con nghỉ ngơi ít phút rồi tắm lại bằng nước sạch để nước mưa có chất bẩn trôi đi, hạn chế tình trạng mẩn ngứa.

Thông thường, tình trạng mẩn ngứa, đỏ da sẽ khỏi vài giờ sau khi tắm. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ngứa quá đến mức ngủ không được, gãi trầy cả da hoặc nổi mẩn kéo dài gia đình cần đưa bé đi khám ngay.

Đối với những trẻ hay bị dị ứng, cha mẹ tuyệt đối không cho con tắm mưa, nhất là những cơn mưa đầu mùa hay những cơn mưa sau nhiều ngày không mưa. Tương tự với những trẻ không bị dị ứng khi đi mưa cũng phải lưu ý và tắm lại khi đi mưa về.

Cuối cùng, các chuyên gia nhắc nhở đối với một số gia đình ở nông thôn vẫn dùng nước mưa để nấu nướng, tắm rửa cần lưu ý không dùng trực tiếp nước mưa. Nước mưa sau khi thu được nên để lắng trong một thời gian, khi sử dụng trong ăn uống phải đun sôi kỹ mới đảm bảo sức khỏe.

Trẻ bị dị ứng nước mưa phải làm thế nào?

Theo Nld.com.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook