Bệnh ung thư thanh quản hạ họng gồm ung thư thanh quản và ung thư hạ họng với các triệu chứng như nuốt nghẹn, khàn tiếng, khó thở, nổi hạch cổ được điều trị chủ yếu là phẫu thuật và xạ trị.
Ung thư thanh quản hạ họng (UTTQHH) là tổn thương ác tính tế bào niêm mạc che phủ vùng thanh quản-hạ họng bao gồm Ung thư thanh quản (UTTQ) và Ung thư hạ họng (UTHH). Ở giai đoạn sớm tổn thương tại một vùng, nhưng ở giai đoạn muộn chúng lan sang nhau và khó phân biệt xuất phát điểm tại đâu vì vậy người ta gọi chung là ung thư thanh quản – hạ họng.
Chỉ định điều trị và tiên lượng bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí tổn thương cũng như giai đoạn bệnh. Nếu như UTTQ có tiên lượng tốt thì UTHH có tiên lượng rất xấu, điều trị rất khó khăn.
UTTQHH là bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 20-25% các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới (chiếm 90% các trường hợp) và có liên quan nhiều đến vấn đề nghiện rượu, hút thuốc lá, hít nhiều các khí thải độc hại…
Các dấu hiệu chẩn đoán bệnh ung thư thanh quản hạ họng
Các triệu chứng lâm sàng
– Nuốt: vướng, nghẹn, đau
– Khàn tiếng kéo dài, tăng dần, không khỏi sau điều trị kháng viêm, khi nặng mất tiếng.
– Tiếng nói ông ổng như có cộng hưởng- “nói qua ống thổi”.
– Khó thở nhẹ – nặng dần, khó thở thì thở vào.
– Nổi hạch cổ cùng bên tổn thương. Giai đoạn muộn lan sang cả hai bên. Gặp nhiều hạch cổ giữa và dưới, hạch rắn chắc, lúc sớm còn di động sau hạch cố định.
– Giai đoạn muộn thấy vùng sụn giáp to chắc, nổi gồ như sờ vào mai rùa. Toàn thân gầy sút cân, da xanh tái.
Các triệu chứng xét nghiệm
– Nội soi hạ họng thanh quản: quan sát trực tiếp tổn thương, xác định vị trí tính chất thương tổn, đồng thời thực hiện sinh thiết u làm chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học. Các tổn thương có thể gặp là: u sùi – sùi loét. U lớn gây chít hẹp đường thở
– Xét nghiệm tế bào hạch cổ: thấy hình ảnh tế bào ác tính
– Xét nghiệm mô bệnh học khối u đã sinh thiết: 95% trường hợp là ung thư biểu mô vảy.
– Chụp CT Scan, MRI vùng cổ: đánh giá tổn thương và mức độ xâm lấn ra xung quanh.
– Chụp PET/CT: khi có điều kiện để đánh giá tổn thương u và những ổ di căn xa
– Các xét nghiệm khác: Xạ hình xương, chụp Xquang phổi, siêu âm gan ổ bụng, Công thức máu và sinh hoá máu… để đánh giá toàn trạng người bệnh.
– Một điều không được quên là mặc dù đã được chẩn đoán xác định nhưng bao giờ cung phải soi thực quản và phế quản để phát hiện những ổ di căn do tế bào ung thư rơi vào đường ăn và đường thở người bệnh.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh
– Viêm thanh quản cấp và mạn tính: bệnh khỏi sau điều trị kháng viêm.
– Các u nhú, u xơ, polyp thanh quản lành tính: cần lấy bỏ u và chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học khối u.
– Các viêm đặc hiệu như lao thanh quản…dựa vào các dấu hiệu chẩn đoán lao và đánh giá tình trạng sức khoẻ toàn thân.
Điều trị bệnh ung thư thanh quản hạ họng
Nguyên tắc điều trị bệnh
– Phẫu thuật và xạ trị là hai phương pháp điều trị chủ yếu. Hoá trị có vai trò bổ trợ và thường chỉ định cho các giai đoạn muộn.
– Chỉ định phương pháp và kỹ thuật điều trị phụ thuộc vào vị trí tổn thương cũng như giai đoạn bệnh.
Phẫu thuật
Chỉ định chủ yếu cho các ung thư thanh quản thực sự và ở giai đoạn còn sớm: Tuỳ theo vị trí tổn thương và giai đoạn bệnh mà có những chỉ định khác nhau:
– Phẫu thuật cắt dây thanh.
– Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần dọc hoặc ngang.
– Phẫu thuật cắt thanh quản toàn bộ.
Đối với hạch cổ:
– Nếu không có hạch cổ: vét hạch chức năng.
– Nếu hạch cổ dương tính: Vét hạch triệt để.
Điều trị bằng tia xạ
Là phương pháp được chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh. Xạ trị phối hợp với phẫu thuật cho giai đoạn sớm còn mổ được, xạ trị đơn độc cho giai đoạn muộn hoặc các trường hợp không có chỉ định phẫu thuật. Xu hướng hiện nay là phối hợp hoá xạ trị để tăng cường, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh UTTQHH.
– Xạ trị bằng máy xạ trị gia tốc (Linac) theo kỹ thuật 3D hoặc điều biến liều (IRMT) vào hai vùng: U nguyên phát và hệ thống hạch cổ bao gồm cả hạch thượng đòn. Tổng liều vào u và hạch cổ sờ thấy trên lâm sàng phải đạt 70Gy, liều dự phòng hạch tối đa 50 Gy. Lưu ý phải che chì bảo vệ cột sống sau liều 40Gy.
– Vấn đề chăm sóc chống viêm da và niêm mạc họng miệng và đường hô hấp trên phải được quan tâm một cách nghiêm túc. Cũng như vậy, việc nuôi dưỡng người bệnh, chống khó thở- suy hô hấp giữ vai trò hết sức quan trọng quyết định sự thành công của kế hoạch điều trị cho người bệnh.
Điều trị bằng hóa chất
Là phương pháp điều trị phối hợp nhằm các mục đích cơ bản là:
– Tiêu diệt các tế bào ung thư đã và đang di căn xa cũng như những tế bào ung thư xâm lấn vi thể mà khả năng xạ trị bỏ qua hoặc không với tới
– Tăng mức độ nhạy cảm của tổ chức ung thư đối với tia bức xạ. Trên cơ sở đó có thể giảm liều chiếu xạ, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
– làm khu trú tổn thương, hạ thấp giai đoạn bệnh tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện các phương pháp xạ trị, phẫu trị.
Chỉ định
– Điều trị bổ trợ trước, sau hoặc xen kẽ với phẫu thuật.
– Điều trị phối hợp đồng thời và/hoặc bổ trợ sau xạ trị.
– Bệnh giai đoạn muộn có di căn xa điều trị tạm thời bằng hoá chất đơn độc.
Các loại hoá chất thường dùng:
– Docetaxel 100mg/m2, TM ngày 1; Chu kỳ 21 ngày
– Paclitaxel 250mg/m2, TM ngày 1; Chu kỳ 21 ngày
– Paclitaxel + cisplatin: Paclitaxel200mg/m2 TM ngày 1, Cisplatin75mg/m2, TM ngày 1, Chu kỳ 21 ngày.
– Phác đồ VP: Navelbine 25mg/m2, TM ngày 1,8 ; Cisplatin 80ng/m2, TM ngày 1, Chu kỳ 21 ngày.
Điều trị bổ trợ không đặc hiệu
– Các thuốc điều trị triệu chứng: giảm đau, chống viêm, chống ho, hạ sốt, cầm máu…
– Thuốc ức chế huỷ xương: pamidronate,…
– Các thuốc nâng cao thể trạng, dịch dinh dưỡng…..
– Các thuốc bổ trợ: điều biến miễn dịch.
-Các thuốc giảm tác dụng phụ của hoá chất: Kích hồng cầu (erythropoietin), kích bạch cầu (leukokin,…), trợ gan (philopha,…).
– Mở khí quản chủ động khi người bệnh có dấu hiệu khó thở.
Phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư thanh quản hạ họng
– Không uống rượu (nhất là các loại rượu có độ cồn cao). Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào (bao gồm cả hút chủ động và thụ động).
– Hạn chế tiếp xúc và hít thở các khí thải độc hại, bụi v.v…nếu phải tiếp xúc thì phải có phương tiện bảo hộ.
– Khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần, bắt buộc phải khám tai, mũi, họng khi khám sức khoẻ.
– Khám lâm sàng và nội soi tai mũi họng khi có các dấu hiệu: nuốt vướng-đau, khàn tiếng kéo dài, ho kéo dài, khịt khạc đờm có máu tươi, nổi hạch cổ lâu tan và chắc.
Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.