Thứ Ba, 06/09/2016 | 14:44

Bệnh vảy nến thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh là các dát đỏ có vảy trắng như nến, bệnh còn có tác thương tổn ở móng và khớp.

Bệnh vảy nến (Psoriasis) là một bệnh da khá phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và bất kỳ ở đâu. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh vảy nến khác nhau tùy theo từng nước, từng châu lục, song dao động trong khoảng 2 – 5% dân số.

Đặc điểm nổi bật nhất của bệnh là tiến triển dai dẳng, hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh là các dát đỏ có vảy trắng như nến, bệnh còn có tác thương tổn ở móng và khớp.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vảy nến

Cho tới nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong cơ chế bệnh sinh của vảy nến. Đa số các tác giả cho rằng vảy nến là một bệnh rối loạn miễn dịch có yếu tố di truyền.

Các yếu tố thuận lợi như tuổi, nhiễm khuẩn, chấn thương thượng bì, stress, rồi loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, nghiện rượu, thay đổi khí hậu, môi trường… góp phần làm khởi phát bệnh hoặc làm cho bệnh nặng thêm.

Triệu chứng lâm sàng bệnh vảy nến

Cácthương tổn trên da

Thương tổn da điển hình là dát đỏ có vảy hình tròn hoặc bầu dục, hoặc thành mảng có nhiều vòng cung với các đặc điểm sau:

– Ấn kính mất màu.

– Ranh giới rõ với da lành.

– Có vảy trắng khô, nhiều tầng xếp lên nhau. Khi cạo hết các lớp vảy nền da phía dưới đỏ tươi.

– Vị trí khu trú chủ yếu ở vùng tỳ đè: khuỷu tay, đầu gối, xung quanh rìa tóc.

Thương tổn trên móng

Khoảng 30 – 40% bệnh nhân vảy nến có thương tổn ở móng tay, móng chân.

– Móng ngả màu vàng.

– Có các chấm lỗ.

– Dày, dễ mủn.

Thương tổn tại khớp

Thể nhẹ chỉ có 2% có biểu hiện ở khớp. Thể vảy nến nặng là khoảng 15 – 20%.

Biệu hiện là:

– Viêm khớp mạn tính.

– Biến dạng nhiều khớp.

– Cứng khớp.

Các thể lâm sàng bệnh vảy nến

Thể thông thường

Tùy theo kích thước tổn thương vảy nến chia ra:

– Thể giọt: kích thước thương tổn nhỏ khoảng 0,5 – 1cm đường kính.

– Thể đồng tiền: kích thước thương tổn 1 – 3 cm.

– Thể mảng: các mảng thương tổn có đường kính từ 5 – 10cm.

– Thể toàn thân.

Tùy theo vị trí khu trú của thương tổn

– Thể đảo ngược.

– Vảy nến niêm mạc.

– Vảy nến ở đầu chi.

– Vảy nến ở da đầu.

Thể đặc biệt

– Vảy nến thể mủ: có hai thể:

+ Thể mụn mủ rải rác.

+ Thể khu trú ở lòng bàn tay, chân.

– Vảy nến thể khớp.

– Vảy nến đỏ da toàn thân: có thể do hậu quả của việc sử dụng corticoid tại chỗ và toàn thân. Song đôi khi là biểu hiện đầu tiên của bệnh vảy nến.

Tiến triển của bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến tiến triển thất thường. Sau một đợt cấp phát, bệnh có thể ổn định, tạm lắng một thời gian. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm.

Biến chứng của bệnh vảy nến

– Bội nhiễm.

– Đỏ da toàn thân.

– Vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp.

Chẩn đoán xác định bệnh vảy nến

– Dựa vào lâm sàng: dát đỏ, có vảy trắng, giới hạn rõ hay gặp ở vùng tỳ đè. Cạo vảy theo phương pháp Brocq dương tính.

– Trường hợp lâm sàng không điển hình có thể dựa vào hình ảnh mô bệnh học.

Điều trị bệnh vảy nến phải phối hợp điều trị tại chỗ, toàn thân kết hợp với tư vấn.

Điều trị tại chỗ

– Sử dụng các thuốc bong vảy, khử oxy chống viêm.

+ Mỡ salicylé 1 – 5%.

+ Mỡ goudron.

+ Kem hoặc mỡ các loại retinoid.

– Chiếu tia cực tím.

Điều trị toàn thân

– Vitamin A acid.

– Methotrexat.

– Phương pháp sử dụng các chất sinh học: gần đây người ta đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng điều trị bệnh vảy nến rất hiệu quả:

+ Infliximab (Remicade)

+ Tuy nhiên, phương pháp này rất đắt tiền và có nhiều tác dụng phụ.

Tư vấn

Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc đồng thời tránh gãi, kỳ cọ các chất kích thích (bia, rượu), stress và điều trị triệt để các bệnh mạn tính nếu có.

Bệnh viện Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook