Bệnh mày đay là một trong những bệnh ngoài da phổ biến. Đây là một phản ứng cấp hoặc mạn tính của mao mạch do dị ứng gây phù ở da hoặc niêm mạc.
Mày đay (hay còn gọi là mề đay) là một trong những bệnh ngoài da phổ biến. Đây là một phản ứng cấp hoặc mạn tính của mao mạch do dị ứng gây phù ở da hoặc niêm mạc. Biểu hiện của bệnh là các dát đỏ, sần phù xuất hiện nhanh và cũng mất đi nhanh, thường không để lại dấu vết gì trên da.
Bệnh có cơ chế phức tạp, trong đó có vai trò quan trọng của chất trung gian hóa học histamin. Điều trị chủ yếu bằng kháng histamin và trừ bỏ yếu tố gây bệnh, điều này không phải dễ dàng vì trên một bệnh nhân nhiều khi không phải chỉ có một mà nhiều yếu tố gây bệnh.
Triệu chứng lâm sàng
* Thương tổn cơ bản
Thương tổn cơ bản là một sẩn phù màu hồng hoặc đỏ ranh giới rõ, gồ cao hơn mặt da, ở giữa, đôi khi màu trắng nhạt. Kích thước, số lượng tiến triển của sần phù thay đổi tùy từng trường hợp. Thường ngứa dữ đội càng gãi, càng ngứa, càng nổi thêm sẩn mới. Sẩn nổi đột ngột rầm rộ thành đám, dần dần nhẹ bớt, khi lặn không để lại di chứng trên da, tùy theo thời gian tiến triển có thể chia thành:
– Cơn mày đay cấp: Bắt đầu đột ngột ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, biểu hiện chủ yếu bằng ban sần phù nề, ngứa dữ dội. Đặc biệt có thể nổi phỏng nước giống như trong ban đỏ đa dạng, bắt đầu rầm rộ nhưng chỉ thoáng qua vài giờ, vài ngày thì lặn không để lại dấu vết song bệnh rất hay tái phát. Cơn mày đay cấp có thể kèm theo triệu chứng toàn thân sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng…
– Mày đay mạn là loại đã kéo dài trên 6 tuần, không kể bắt đầu rầm rộ hay kín đáo, tiến triển thất thường, có khi nổi gần như hàng ngày làm cho bệnh nhân rất khó chịu, có khi cao hơn cách quãng nhiều ngày, giữa các cơn chỉ có một ít sẩn phù kín đáo. Do ngứa dai dặng, trên da thường có tổn thương do gãi, cộm, liken hóa.
* Những dạng khác của mày đay
Phù mạch (phù Quincke)
Là hiện tượng phù cục bộ, đột ngột ở da, dưới da và niêm mạc. Thương tổn phù khu trú, màu trắng nhạt hoặc hơi hồng, nắn chắc, nổi đột ngột làm sưng vù mặt, mi mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục, sau vài giờ thì lặn không ngứa, chỉ gây cảm giác căng khó chịu lan tỏa, do rối loạn vận mạch ở trung bì và hạ bì… nguy hiểm của phù Quinke là có thể làm tổn thương đường hô hấp trên, phù nền thanh quản gây khó thở, co thắt thanh quản dẫn đến suy hô hấp cấp, phải xử trí cấp cứu nếu không bệnh nhân có thể tử vong.
Là hiện tượng các dát hoặc sẩn phù xuất hiện sau vài phút khi dùng một vật đầu tù…. những đường nhẹ lên da hay ở nơi quần áo cọ xát vào da, thương tổn là vệt giữa màu …. hoặc trắng nhạt hai bên có vệt màu hồng nhạt. Bệnh nhân mày đay có thể kèm da…. hoặc không.
Những dạng khác ít gặp hơn: sẩn nhỏ, sẩn mụn nước hoặc xuất huyết. Đối với mày đay ở đường tiêu hóa có thể gây đau bụng từng cơn, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch… có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Nguyên nhân gây bệnh mày đay
Căn nguyên gây bệnh mày đay rất phức tạp, trên cùng một bệnh nhân, có thể có một hoặc nhiều căn nguyên gây bệnh mày đay cùng kết hợp. Một số căn nguyên thường gây mày đay theo phân loại như sau:
* Mày đay vật lý
– Da vẽ nổi (do chấn thương, chà xát)
– Mày đay do lạnh: xảy ra ở vùng ưa tiếp xúc do lạnh hoặc nổi ban rải rác toàn thân khi thay đổi nhiệt độ da đột ngột, có thể xảy ra tử vong khi bệnh nhân đang tắm ở sông, biển.
– Mày đay mặt trời (có thể thứ phát sau một lupus ban đỏ hệ thồng focphyrin da muộn, hoặc ….). Sau vài phú ra nắng nổi ban mày đay rải rác nhất là ở các phần hở, càng ra nắng lâu ban càng nổi dày; có khi kèm triệu chứng toàn thân thậm trí trụy tim mạch.
– Mày đay do vận động, xúc cảm như mệt nhọc, gắng sức, stress…
– Mày đay do chèn ép, rung động….
* Mày đay tiếp xúc
– Do tiếp xúc qua da, qua đường hô hấp khi hít phải các chất gây dị ứng từ phấn hoa, lông vũ, khói thuốc… hoặc qua ăn uống, các thuốc và hóa chất khác (theo cơ chế miễn dịch hoặc không miễn dịch)
– Bệnh có xu hướng trở thành mạn tính hay tái phát mỗi khi tiếp xúc lại với chất gây bệnh.
* Mày đay do nhiễm khuẩn
Bệnh do nhiễm virus như viêm gan virus B, C, nhiễm vi khuẩn ở đường tiêu hóa, tai mũi họng hay nhiễm Candida ở da, nội tạng.
* Mày đay hệ thống
Xuất hiện do người bệnh mắc một số bệnh toàn thân như: lupus ban đỏ, viêm mạch, đái tháo đường, cường giáp, bệnh ung thư…. Mày đay có thể kèm viêm mạch máu rải rác, biển hiện thành xuât huyết dưới da, đau khớp toàn thân, suy sụp hoặc có thể kèm tổn thương nặng ở thận phổi.
* Mày đay di truyền
Gặp trong một số trường hợp mày đay vật lý (nhất là do lạnh) phù Quincke.
Đáng chú ý có hội chứng Muckale-well: nổi ban mày đay theo chu kỳ kèm sốt, đau khớp, điếc tuần tiến, bệnh thận dạng bột.
Bệnh có tính chất gia đình
* Mày đay tự phát (vô căn): không rõ căn nguyên
Điều trị bệnh mày đay
* Loại bỏ căn nguyên gây bệnh
– Tốt nhất là loại bỏ được các yếu tố nghi ngờ gây bệnh vì thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì phải tìm được nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ các nguyên nhân đó.
– Không tự động dùng thuốc ngoài hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa
– Nên tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê, thuốc lá…
* Một số phương pháp điều trị mày đay
– Thuốc kháng Histamin: tác dụng chống ngứa, chống dị ứng như: loratadine, cetirizine, levocetirizine, fexofenadine…
– Thuốc Corticoid (dạng uống hoặc tiêm): chỉ nên dùng trong điều trị mày đay cấp, nặng kèm theo các triệu chứng toàn thân như phù thanh, viêm mạch, mày đay do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng Histamin thông thường.
– Đối với tổn thương da: nên thoa bột talc. Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin thoa vì dễ gây viêm dạ dị ứng. Mỡ corticoid ít hiệu quả, ngược lại còn gây tác dụng phụ như teo da, tăng giảm sắc tố da..
Cách phòng ngừa bệnh mày đay
Do có nhiều nguyên nhân gây bệnh nên khi bị nổi mày đay, người bệnh cần dừng tất cả các loại thuốc và thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng. Tránh gãi, tránh chà xát.. làm tăng mức độ nặng của thương tổn.
Đối với những người bị bệnh mày đay do lạnh trước khi ra ngoài cần chú ý mặc ấm, đi găng tay, tất, tắm ấm. Hạn chế ra lạnh quá sớm để giảm bớt các đợt tái phát bệnh. Đối với mày đay do nóng nên hạn chế đến mức tối đa tác động của ánh nắng mặt trời lên da (nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày)
Không dùng các thức ăn và đồ uống có cồn, cay hoặc nóng như rượu, trà, cà phê… Không tự ý dùng thuốc ngoài hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.