Chủ Nhật, 20/09/2015 | 20:18

Cảm giác nhột khi bị người khác cù?

Tiến sĩ Emily Grossman giải thích tại sao não của bạn có thể dự tính được chuyển động của tay, từ đó ức chế cảm giác nhột khi bị cù.

Có hàng nghìn sợi dây thần kinh bên dưới da của bạn, và khi chúng bị kích thích khi được chạm, các sợi thần kinh này sẽ truyền một tín hiệu đến não bộ. Tác động của một cú thọc lét nhẹ là kết quả phân tích của hai khu vực não bộ.

Vùng vỏ não chi phối cảm giác xúc giác sẽ đánh giá áp lực của cú chạm, và sau đó vỏ não vành trước sẽ phát ra các cảm giác dễ chịu. Khi hai khu vực vỏ não này được đặt cùng nhau, chúng sẽ tạo ra một cảm giác nhột. Nó chỉ có tác dụng với các cú chạm nhẹ.

Theo Tiến sĩ Emily Grossman, một phần nguyên nhân chúng ta cảm thấy nhột là vì chúng ta không biết cú chạm sẽ có cảm giác như thế nào. Bằng cách đặt tay bạn lên tay người thực hiện động tác cù, tay bạn sẽ gửi tín hiệu đến bộ não, và bộ não của bạn sẽ dự tính được trước điều đó, do đó bạn sẽ không cảm thấy nhột.

Grossman là một nhà thuyết trình khoa học, nhà giáo dục, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực sinh học phân tử và di truyền học, với vị trí dẫn đầu trong ba môn Khoa học tự nhiên tại Queen’s College thuộc trường Đại học Cambridge, cũng như bằng tiến sĩ trong nghiên cứu ung thư.

Theo Visiontimes

Nhột chỉ xuất hiện ở những vị trí nhất định của cơ thể. Theo nhà bác học Charles Darwin, nhột phản ánh lịch sử tiến hóa của nhân loại. Khi vượn biến thành người, da dẻ trở nên nhẵn nhụi. Con người yếu đuối hơn. Nhiều vũ khí tự vệ mất đi nên giác quan phải tinh tế hơn để tồn tại. Thời đó, côn trùng (nhện độc, sâu bọ… ) có thể đốt, cắn, châm chích nên chúng là một trong những loại kẻ thù nguy hiểm.

Da buộc phải cảnh giác, thông qua độ nhạy cảm nhất định. Đó là cảm giác buồn buồn, nhồn nhột mỗi khi có chú côn trùng đáng sợ nào đó bò lên. Cảm giác ấy là tín hiệu báo lên não, não gửi thông điệp cho cơ thể: kẻ thù bắt đầu đe dọa hoặc đã thâm nhập, cần đối phó ngay – lập tức hất chúng đi.

Muốn làm được nhiệm vụ cảnh báo, trên da có những thụ quan, đầu mút của hệ thần kinh để cảm nhận sự tiếp xúc nào đó lên thân thể. Nếu ngứa xuất hiện trên toàn thân, bất cứ đâu, thì nhột có chọn lọc. Những vùng da phơi ra ngoài, dày hơn, chai lỳ hơn như lưng, cẳng chân, cẳng tay, mặt… kém nhạy cảm hơn, ít nhột, ít buồn.
Còn những vị trí không phải “chường mặt” ra ngoài như nách, sườn, bụng, vùng quanh rốn, lỗ mũi, lỗ tai…, cảm giác nhột sẽ rất nhạy. Vả lại, chúng cũng là những “tuyến phòng thủ” ở sâu, buộc cơ thể phải phản ứng kịp thời, khiến mức độ cảm nhận tăng lên rõ rệt.

Khoảng 95% trẻ em dưới 10 tuổi sợ nhột. Tỷ lệ này là 65% ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, 35% từ 65 trở lên, 94% ở phụ nữ.

Như vậy, nữ “sợ nhột” nhiều hơn nam, người trẻ nhiều hơn người già.

Nghiên cứu mới đây tại Mỹ: Trên 90% số người được hỏi thú nhận mình rất “sợ nhột” (cùng tỷ lệ với số người “sợ đau”). Tuy nhiên, mức độ “sợ nhột” của mỗi người một khác, theo lứa tuổi, giới tính và tính cách.

Có người còn phân chia “thang nhột” theo vị trí. Nơi nhột nhiều nhất là lỗ tai, lỗ mũi, rồi dưới khoeo, hông, nách, cổ, sườn, gan bàn chân…, nhưng có lẽ cũng tùy người.

Nói cách khác, phản ứng nhột là bản năng sinh lý của một cơ thể khỏe mạnh, giúp cơ thể cảnh giác, tự vệ chống lại những tác hại từ ngoài vào. Một con sâu bé tí teo chui vào tai mà bạn không nhột thì nguy hiểm quá đi chứ, phải không?

Các nhà phản xạ học cho rằng, nhột với đau là cùng loại cảm giác, cùng cơ chế, chỉ khác nhau về mức độ mà thôi. Ai nhạy cảm với sự đau thì cũng là những người rất dễ nhột. Trong khi ngứa có đủ loại nguyên nhân thì nguyên nhân gây nhột chỉ là… cù (dùng ngón tay ngoáy mạnh vào những vùng nhạy cảm).

Cù – nhột – cười là 3 mắt xích liên hoàn. Lúc đó, não giải phóng một số hóa chất gây hưng phấn như endorphin, enkaphalin, dopamin, noradrenalin, adrenalin… Cho nên, cù còn có tác dụng tạo ra ham muốn tình dục vì nó kích thích các vùng dục cảm trên da. Chắc hơn ai hết, các bạn trẻ hiểu ngay rằng đó là cái cù rất nhẹ, cái cù mơn man như chiếc lông gà phớt qua.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook