Thứ Bảy, 12/09/2015 | 17:26

Bản năng làm mẹ khiến nhiều phụ huynh tìm mọi cách xoay xở để con khỏi sốt, giảm bớt tình trạng quấy khóc và khó chịu ở con trẻ

Lo lắng vì đứa con sốt xình xịch cả đêm mà không thấy thuyên giảm, bà mẹ vội đưa đến bệnh viện kiểm tra. Bé Isabelle mới hơn 1 tuổi, quấy khóc và chạm vào người thì thấy nóng ran. Cặp nhiệt độ cho thấy thân nhiệt lên tới 39,4 độ C. Đáng nói là chỉ thấy bé sốt mà không có triệu chứng khác như ho hoặc sổ mũi.

Chị Dana Dalton, sống ở bang North Carolina, Mỹ giống như nhiều phụ huynh khác đã ngay lập tức dùng thuốc hạ sốt (acetaminophen) cho bé Isabelle khi con sốt cao nhưng không hiểu sao nhiệt độ không thuyên giảm nhiều. “Thật căng thẳng vì tôi không biết con bé bị làm sao và nó không thể nói ra được”.

Bản năng làm mẹ khiến nhiều phụ huynh tìm mọi cách xoay xở để con khỏi sốt, giảm bớt tình trạng quấy khóc và khó chịu ở con trẻ. Nhưng hầu hết các chuyên gia lại cho rằng không phải lo lắng nhiều về việc điều trị sốt cho con. Thực tế, trẻ em trên 6 tháng tuổi sốt có thể là điều tốt. “Sốt thường là một dấu hiệu chứng tỏ một hệ thống miễn dịch mạnh khỏe”, Tiến sĩ Kathi Kemper, Giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Wake Forest Baptist của Hoa Kỳ nói. “Bản thân cơn sốt không có gì nguy hiểm”.

Khi sốt, trẻ cảm thấy không thoải mái, điều đó có nghĩa là cơ thể trẻ đang chống trả một bệnh tiềm ẩn, mà phổ biến nhất là viêm tai, cảm lạnh thông thường, hay bệnh cúm. Thường thì không cần phải can thiệp nhiều khi trẻ sốt, trừ khi sốt đi kèm với các triệu chứng như ho, sổ mũi, hay nôn mửa.

Chăm sóc khi trẻ sốt

– Đảm bảo bé được nghỉ ngơi thật nhiều.

– Ăn loãng, uống nhiều nước.

– Cho trẻ ở nơi thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, không khí trong lành nhưng tránh gió lùa.

– Mặc cho trẻ quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi.

– Lau người bé với nước ấm hoặc đặt bé vào bồn tắm nước ấm.

– Không nên dùng nước lạnh hoặc đá để chườm, vùng được chườm rất mát nhưng thực ra, các mạch ngoại biên bị co lại vì lạnh càng làm cản trở quá trình thoát nhiệt.

– Hạ sốt từ từ bằng paracetamol theo cân nặng.

Thay vào đó, nhiều chuyên gia cho biết vỗ về, an ủi trẻ là cách làm hiệu quả để giúp trẻ vượt qua cơn sốt nhanh hơn. “Chúng tôi luôn khuyên các bậc phụ huynh nên chăm sóc hỗ trợ trẻ”, Tiến sĩ Estevan Garcia thuộc Trung tâm Y tế

Maimonedes ở Brooklyn, New York cho hay. “Hãy đảm bảo con bạn uống đủ nước và ăn đủ”. Tiến sĩ Kathi Kemper cũng nhấn mạnh thêm rằng chỉ cần đưa nhẹ con trong vòng tay hoặc giữ trẻ nín khóc cũng có tác dụng: “Vấn đề là điều trị cho con bạn chứ không phải là chiếc nhiệt kế”.

Mặc dù vậy, nhiều bậc cha mẹ có thể cảm thấy lo ngại với những điều tưởng như không mới mẻ trên. Điều khiến họ lo sợ nhất là trẻ sốt cao quá có thể gây co giật. Thường thì trẻ sốt cao trên 39,5 độ có thể bị co giật. Tuy nhiên, tình huống này là hiếm gặp và sẽ trở nên vô hại nếu xử lý đúng cách. Theo thống kê của Viện Y tế quốc gia Mỹ, chỉ có khoảng 4% trẻ bị sốt quá cao và lên cơn co giật.

Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục, sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc đã làm đủ mọi biện pháp mà không hạ được thân nhiệt, hãy cho con đi khám bác sỹ. Bởi thế, các phụ huynh cần theo dõi sát sao, nếu đã sử dụng biện pháp hỗ trợ nhưng nhận ra là con trẻ vẫn cảm thấy khó chịu thì cần đến sự can thiệp y tế. Với những chuyên gia có kinh nghiệm thì họ không chỉ điều trị cơn sốt thông thường mà tìm hiểu nguyên nhân thực sự là gì.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook