Thứ Sáu, 02/10/2015 | 19:19

Bữa ăn với một bát cháo hổ lốn cho vào máy xay sinh tố, bữa ăn một mình em phải ăn… thì còn gì gọi là bữa ăn?

– Chị ơi, con em không ngồi ăn một chỗ được, cứ phải đi khắp nơi mới ăn hết bát cháo, giờ phải làm sao?

– Chị ơi, con em mỗi bữa chỉ ăn được một tí rồi thôi, em phải làm sao?

– Chị ơi, con em không ăn rau, chỉ ăn cơm với thịt không thôi, phải làm sao?

– Chị ơi, con em ăn rất nhiều nhưng vẫn rất còi, phải làm sao?

Tôi đã được nghe vân vân và vân vân các câu hỏi đau đầu, có khi dở khóc dở cười của các bậc làm cha mẹ thời nay về việc ăn uống của con. Những câu hỏi này ngày xưa các cụ nhà mình chả bao giờ phải nghĩ đến thì nay tại sao lại nhiều vậy?

Em bé trong bụng mẹ biết tự lấy những dưỡng chất mà cơ thể cần. Khi vừa ra đời, cũng giống như mọi loài khác, việc đầu tiên là em tìm đến đầu ti của mẹ để ăn. Cho dù không được ai trợ giúp, bằng cách nào đó vừa sinh ra, em vẫn có thể tìm được đầu ti của mẹ để bú. Rõ ràng, ăn là nhu cầu bản năng của mọi giống loài. Và với con người, ăn còn là giây phút thư giãn, chia sẻ tình cảm và thưởng thức cái đẹp.

Sai lầm của mẹ khiến bữa ăn của trẻ là cực hình

Con biếng ăn, sai lầm từ lúc mẹ cho con bú. Người mẹ không chuyên tâm, không có sự giao tiếp tình cảm với con, không để bữa bú là khoảng thời gian bé được thưởng thức, vui đùa với đầu ti mẹ. Ảnh: parentscountry.

Thế nhưng, ăn giờ trở thành nỗi ám ảnh khốn khổ của cả các em bé, các bậc làm cha mẹ, những người làm ông bà, các thầy cô giáo mầm non, những người giúp việc và cả những người khách qua đường. Cái cảnh một người bà bóp miệng, bóp mũi đứa trẻ trong khi mẹ em thì giữ chặt tay chân để bà đút thìa cháo vào miệng đứa cháu là nỗi ám ảnh kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến. Hay như câu chuyện một người bạn kể về một bà mẹ cho con ăn, cứ một miếng ăn là hai cái tát để con mở miệng, thật là khủng khiếp. Việc này phản ánh rõ cái sự vô minh, sự yêu thương mù quáng đã, đang gây đau khổ cho cả gia đình và sẽ gây ra những hệ quả tệ hại đến mức không thể đo lường được cho tương lai của đứa trẻ.

Gốc rễ của tất cả những vấn đề đó đều khởi nguồn từ sai lầm của người mẹ khi cho con bú. Bú chính là bữa ăn đầu tiên trong đời của đứa trẻ. Nếu bú đúng thì đây là thời gian em bé thưởng thức bữa ăn của mình, là giây phút em thư giãn, tập trung ăn hoàn toàn với mẹ, theo cái cách em bú một mạch vui vẻ cho đến lúc no sẽ tự bỏ ti ra. Nếu vậy khi lớn hơn em cũng sẽ không ăn một tí rồi lại bỏ bữa, một tí nữa lại đòi ăn. Nếu bú đúng nghĩa là giây phút tâm trí mẹ hoàn toàn tập trung, thư giãn tâm tình với em, thì bữa ăn sẽ trở thành giây phút gắn kết tình cảm yêu thương giữa những người thân trong gia đình thay vì những cảm giác “phải ăn” trong tâm trạng vội vàng cho kịp giờ.

Đến giai đoạn con ăn dặm, nếu bố mẹ biết rằng ăn dặm không phải là để bổ sung cho đủ dưỡng chất, để con ăn khỏe, ăn no cho cao lớn mà là giai đoạn nhạy cảm của vị giác thì mọi sự đã khác đi. Nếm tất cả các vị để kích thích, giúp phát triển vị giác. Ăn tất cả mọi món có thể ăn được để rèn luyện vị giác và học ăn đúng cách: ăn miếng nhỏ, nhai kỹ, tận hưởng mùi vị của từng vị, của sự kết hợp các vị để hấp thụ được trọn vẹn từng miếng ăn, để giao lưu tình cảm với người cùng ăn mới là quan trọng.

Bữa ăn với một bát cháo hổ lốn đủ mọi thứ cho vào máy xay sinh tố, bữa ăn một mình em phải ăn, không được nhìn để học, để bắt chước cách người lớn ăn như thế nào thì còn gì gọi là bữa ăn? Bữa ăn với ti vi bật inh ỏi, với tiếng xe máy ồn ào, với tiếng người nói chuyện rôm rả bên cạnh, với những đồ chơi bắt mắt đặt bên cạnh thì còn gì là bữa ăn? Bữa ăn nọ liên tục nối tiếp bữa ăn kia trong khi đứa trẻ không được tha hồ chạy nhảy, không được tha hồ làm việc trí óc thì lấy đâu ra cảm giác ngon miệng khi ăn. Phải ăn thì làm sao có thể trân trọng thức ăn, trân trọng công sức người cung cấp thức ăn cho em được?

Bữa ăn như thế đúng nghĩa của cái cụm từ “cho con ăn” mà các bậc cha mẹ ngày nay thường dùng. Nó cũng giống như “cho gà ăn” vậy. Con người thì phải là “thưởng thức bữa ăn”, là “chia sẻ bữa ăn”, là “bữa ăn gia đình”, là “ăn cùng người thân”.

Là người làm cha mẹ, tôi luôn nhắc mình rằng: “Ăn nhiều, ăn đồ đắt điền, ăn của ngon, vật lạ không phải là ngon, là tốt cho sức khỏe. Không quan trọng ăn gì, nhưng ăn kỹ, ăn vui tươi, ăn đúng lúc đói, ăn cùng người mình yêu thương mới là ngon, là tốt cho sức khỏe”.

Bùi Hằng
Mẹ Montessori

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook