Để trẻ không bị sụt cân khi tiêu chảy, cần duy trì chế độ ăn thích hợp
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em và hầu như trẻ nào cũng có lúc mắc bệnh này. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường hay được chăm sóc tại nhà; tuy nhiên, để giúp trẻ mau hồi phục, cha mẹ cần biết những điều sau đây…
Những thói quen xấu gây hại trẻ tiêu chảy
Việc chăm sóc đúng tại nhà giúp trẻ giữ gìn được sức khoẻ, khiến bệnh mau lành, ít biến chứng. Tuy nhiên, một số thói quen hay gặp có thể gây ra những hậu quả trầm trọng.
– Hạn chế cho trẻ uống nước vì sợ uống vào lại tiêu chảy nhiều: Điều này dẫn đến việc trẻ nhanh chóng bị thiếu nước, lâm vào tình trạng mà các bác sĩ gọi là rối loạn nước và điện giải, có thể gây co giật, sốc, đe doạ tính mạng.
– Uống thuốc “cầm” tiêu chảy: Thuốc sẽ làm ruột liệt, các chất thải ứ đọng lại dẫn đến dễ nhiễm độc, bụng chướng to, bỏ ăn, khó thở.
– Cho trẻ ăn cháo trắng với muối, không cho bú mẹ: Sẽ làm trẻ mau kiệt sức, suy dinh dưỡng, khó hồi phục sau bệnh. Thực ra, trẻ vẫn có thể tiêu hoá và hấp thu những thức ăn thông thường được.
– Cho trẻ uống thuốc không theo toa của bác sĩ: Không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài bệnh.
Thực đơn cho trẻ tiêu chảy cấp
Để trẻ không bị sụt cân khi tiêu chảy, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Trẻ bị tiêu chảy thường biếng ăn, vì vậy cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn. Thức ăn của trẻ trong những ngày này cần mềm hơn, lỏng hơn, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Do ăn mỗi bữa không nhiều nên trẻ cần được cho ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa khoảng 2 giờ/lần. Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quý giá cho trẻ trong lúc này vì rất dễ tiêu hoá và hấp thu.
Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Thực đơn cho trẻ trong những ngày này cần bổ sung các món ăn giàu vi chất như sắt, kẽm, vitamin A, C và các loại men sống Probiotic để giúp trẻ tăng sức đề kháng, tái lập cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, mau chóng khỏi bệnh./.
Chưa có bình luận.