Thứ Hai, 19/08/2024 | 08:50

Bạch cầu (hay còn gọi là tế bào bạch huyết) là một phần quan trọng của hệ miễn dịch.

Hệ miễn dịch là một hệ thống bao gồm các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể con người đóng vai trò bảo vệ cơ thể. Bạch cầu (hay còn gọi là tế bào bạch huyết) là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Chúng đóng vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, và ký sinh trùng và các kháng nguyên lạ gây bệnh từ bên ngoài.

1/ Bạch cầu là gì ?

Đây là một loại tế bào máu được tạo ra trong tủy xương, tế bào bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng, bạch cầu tham gia vào cả hai hệ thống là miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Bạch cầu lưu thông trong máu và trong các mô, chúng phản ứng với chấn thương hoặc bệnh tật bằng phản ứng viêm.

2/ Nguồn gốc

Tế bào bạch huyết có nguồn gốc từ các tế bào gốc sinh máu vạn năng (Pluripotential Hemopoietic Stem Cell – PHSC) trong tuỷ xương. Các tế bào gốc tạo máu này sẽ biệt hóa qua nhiều giai đoạn khác nhau để tạo thành các loại tế bào trưởng thành.

Đầu tiên các tế bào gốc sinh máu vạn năng sẽ phát triển thành những tế bào tiền thân dòng lympho và các tế bào tiền thân dòng tuỷ. Các tế bào tiền thân dòng lympho sẽ sinh ra các tế bào tiền bạch cầu lympho T và tiền bạch cầu lympho B.

Hầu hết bạch cầu lympho rời khỏi tủy xương trước khi chín. Bạch cầu lympho T trưởng thành trong tuyến ức, bạch cầu lympho B phát triển và trưởng thành trong các mô bạch huyết ở ruột, lách và tuỷ xương.

Các tế bào tiền thân dòng tủy sẽ tăng sinh và biệt hóa qua các giai đoạn đề tạo ra bạch cầu hạt trung tính, bạch cầu hạt ưa acid, dưỡng bào và bạch cầu ưa base, bạch cầu mono…

Các bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân) và bạch cầu mono phát triển và trưởng thành trong tuỷ xương.

3/ Màu sắc

Không phải tất cả tế bào bạch cầu đều có màu sắc giống nhau, tế bào bạch cầu có thể không màu, nhưng cũng có thể xuất hiện dưới dạng màu tím nhạt đến hồng khi được quan sát dưới kính hiển vi và nhuộm màu bằng thuốc nhuộm.

4/ Phân loại bạch cầu

Bằng các phương pháp nhuộm đặc hiệu, ta có thể nhận biết và đếm được các loại bạch cầu. Bạch cầu được phân loại dưa trên hai yếu tố là:

+ Hình dáng của nhân.

+ Sự có hay không có các hạt trong bào tương của tế bào.

Những bạch cầu chứa những hạt lớn trong bào tương được gọi là bạc cầu hạt. Nhân của bạch cầu hạt chia làm nhiều thùy nên còn được gọi là bạch cầu đa nhân. Tùy theo màu sắc của các hạt trong bào tương, bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân) lại được chia thành ba loại:

+ Bạch cầu trung tính: chiếm khoảng 60%

+ Bạch cầu ưa acid (bạch cầu ái toan): chiếm khoảng 3%

+ Bạch cầu ưa kiềm (bạch cầu ái kiềm): rất hiếm

Những bạch cầu không hạt (đơn nhân) trong bào tương dựa trên kích thước mà được chia thành hai loại là:

+ Bạch cầu mono: chiếm khoảng 4%

+ Bạch cầu lympho: chiếm khoảng 35%

5/ Những đặc tính của bạch cầu

Bạch cầu không chỉ di chuyển trong máu và bạch huyết mà còn có thể di chuyển trong các mô, đặc biệt là trong các mô liên kết lỏng lẻo.

Bạch cầu là những tế bào có khả năng vận động, chúng phóng ra các tua bào tương bám vào một điểm nào đó rồi kéo toàn bộ tế bào đi theo. Bạch cầu có khả năng đi qua các lỗ của thành mao mạch (cho dù cho các lỗ nay nhỏ hơn kích thước của bạch cầu) bằng quá trình xuyên mạch.

Bạch cầu di chuyển các mô bị viêm nhiễm, bị tổn thương do bị hấp dẫn bởi các hóa chất của tế bào tổn thương hoặc của vi khuẩn giải phóng ra hoặc do các phức hợp miễn dịch tạo ra trong đáp ứng miễn dịch.

6/ Thời gian sống của bạch cầu

Đời sống của bạch cầu phụ thuộc vào vai trò của chúng trong quá trình bảo vệ cơ thể. Bạch cầu trung tính và những bạch cầu có khả năng vận động và thực bào mạnh thường chỉ sống từ vài phút đến vài ngày vì chúng phải liên tục bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bị chết trong quá trình này.

Các bạch cầu lympho B và một số bạch cầu lympho T có thể sống và thực hiện chức năng liên tục một cách bình thường trong vài năm trước khi bị phá huỷ. Các bạch cầu già bị phá huỷ ở gan, lách, tuỷ xương và các hạch bạch huyết.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Tăng tiểu cầu: Nguyên nhân, thuốc điều trị, tiên lượng bệnh

Viêm hạch bạch huyết: các giai đoạn, triệu chứng, thuốc điều trị

Onureg, azacitidine, thuốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Sốc nhiễm khuẩn trong các bệnh truyền nhiễm

Những biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư máu

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook