Tế bào bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Các tế bào này lưu thông qua máu và mô để tấn công bất kỳ sinh vật lạ nào xâm nhập vào cơ thể. Bạch cầu được phân ra thành các loại khác nhau tùy theo chức năng, nhiệm vụ riêng.
Các loại bạch cầu
Những bạch cầu chứa những hạt lớn trong bào tương được gọi là bạch cầu hạt hay bạch cầu đa nhân. Tùy theo màu sắc của các hạt trong bào tương, bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân) lại được chia thành ba loại:
+ Bạch cầu trung tính
+ Bạch cầu ưa kiềm (bạch cầu ưa base)
+ Bạch cầu ưa acid (bạch cầu ưa acid)
Những bạch cầu không có hạt trong bào tương là bạch cầu không hạt, chúng có nhân không chia thành các thùy nên còn được gọi là bạch cầu đơn nhân. Dựa trên kích thước ta có thể chia bạch cầu không hạt (bạch cầu đơn nhân) thành hai loại là:
+ Bạch cầu lympho
+ Bạch cầu mono
Chức năng của các loại bạch cầu
Bạch cầu là tế bào có vai trò chính yếu trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào cả hai hệ thống: miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Các loại bạch cầu khác nhau sẽ có vai trò và đảm nhận chức năng khác nhau trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
1/ Bạch cầu trung tính
Bạch cầu trung tính có các chức năng:
+ Tạo ra hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn sinh mủ nhờ khả năng vận động và thực bào rất mạnh.
+ Sau khi chết sẽ tạo thành mủ ở nơi vi khuẩn xâm nhập và giải phóng những enzym gây ra triệu chứng sưng và đau tại chỗ viêm.
+ Ở lại tham gia vào quá trình làm lành chỗ tổn thương.
2/ Bạch cầu ưa kiềm
Bạch cầu ưa base có các chức năng:
+Giải phóng heparin một chất chống đông máu có tác dụng làm tan các cục máu đông rất nhỏ ở các mao mạch.
+ Đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong một số phản ứng dị ứng nhờ khả năng giải phóng một lượng lớn những chất gây ra các phản ứng của mạch và phản ứng mô tại chỗ làm xuất hiện các biểu hiện của dị ứng.
3/ Bạch cầu ưa acid
Bạch cầu ưa acid có các chức năng:
+ Khử độc các protein lạ và các chất khác
+ Hóa ứng động các kháng thể đặc hiệu và các protein lạ
+ Thực bào và phá hủy các phức hợp kháng nguyên – kháng thể
+ Tấn công và giải phóng các chất để giết chết ký sinh trùng
4/ Bạch cầu lympho
Có hai loại bạch cầu lympho là bạch cầu lympho T và bạch cầu lympho B, mỗi loại bạch cầu lympho lại có chức năng khác nhau
Chức năng của bạch cầu lympho T: sau khi được hoạt hóa sẽ tấn công các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể bằng cách tấn công trực tiếp hoặc giải phóng một chất gọi là lymphokin. Lymphokin sẽ thu hút bạch cầu hạt đến xâm nhập, tấn công kháng nguyên đồng thời cũng kích thích các bạch cầu lympho B và lympho T khác
Chức năng của bạch cầu lympho B: sản xuất ra kháng thể
5/ Bạch cầu mono
Tại mô liên kết của các cơ quan, bạch cầu mono sẽ phát triển thành đại thực bào.
Do đó chức năng của bạch cầu mono là:
+ Ăn các phân tử các phân tử có kích thước lớn, các mô hoại tử, dọn sạch các vùng mô tổn thương.
+ Thực bào và tiêu hóa kháng nguyên
+ Chuyển tín hiệu của kháng nguyên cho các bạch cầu lympho B và T để hai loại bạch cầu này sản xuất ra các kháng thể đặc hiệu (lympho B) và hoạt hóa (lympho T)
Chỉ số WBC là gì?
Chỉ số Wbc (White Blood Cell) là chỉ số thể hiện số lượng bạch cầu trong một thể tích máu. Giá trị này bình thường trong khoảng 4.000- 10.000 tế bào/mm3. Nếu số lượng bạch cầu cao hơn khoảng trên gọi là tình trạng tăng bạch cầu, thấp hơn khoảng trên là tình trạng giảm bạch cầu. Đây là một chỉ số quan trọng, dựa vào chỉ số này tăng hoặc giảm thầy thuốc có thể tiên lượng được tình trạng sức khỏe của người bệnh.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Những điều ít ai biết về bạch cầu
Tiêm huyết tương tiểu cầu PRP điều trị thoái hóa khớp hiệu quả thế nào?
Onureg, azacitidine, thuốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy
Vì sao máu của động vật bậc thấp không có màu đỏ?
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.