Tật nói lắp thường xuất hiện ở con trẻ từ khi con nhỏ. Nếu cha mẹ không để ý đưa con đi khám, kiên trì hướng dẫn con phát âm, nói như những người bình thì căn bệnh này sẽ đeo đẳng con suốt quãng đời còn lại. Trên thực tế, có rất nhiều cách phòng ngừa tật nói lắp ở trẻ mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.
Các triệu chứng khi trẻ bị nói lắp
Nói lắp xảy ra do rối loạn trong giao tiếp bằng lời nói. Người bệnh thường nói lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ hoặc trọng âm khiến cho mạch giao tiếp bị gián đoạn.
Ngoài ra, người nói lắp còn xuất hiện các biểu hiện nháy mắt liên tục hoặc run môi…Trong y khoa, nói lắp không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng làm người bệnh kém tự tin trong các hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Các chuyên gia đánh giá các triệu chứng của tật nói lắp ở một người có thể khác nhau tùy từng hoàn cảnh. Tật nói lắp xuất hiện ở các bé trai nhiều gấp ba lần so với bé gái. Về trí tuệ, trẻ bị nói lắp hoàn toàn bình thường, vẫn hiểu được lời người khác nói, vẫn học hành được. Tuy nhiên dạng bất thường có thể phát triển trong giai đoạn bắt đầu tập nói. Khoảng 5%-10% trẻ thường bị tật này khi mới nhập học và 1% trẻ sau tuổi dậy thì bị tật nói lắp dai dẳng.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân gây nói lắp còn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học nhận định những nguyên nhân chính có thể do chấn thương ở trẻ sơ sinh, do mắc bệnh, khủng hoảng tình cảm hoặc đoạn tách rời trên vỏ não ngăn tín hiệu lưu thông…
Một số chuyên gia cho rằng những trường hợp đẻ khó phải dùng forceps cặp vào đầu thai nhi để lôi ra khỏi bụng mẹ hoặc trẻ nhỏ bị ngã va đầu vào vật cứng gây tổn thương vùng Broca có thể dẫn đến tật nói lắp.
Ngoài ra cũng có nghi vấn cho rằng trong quá trình mang thai, sản phụ mắc một bệnh nào đó có thể truyền sang cho thai và căn bệnh đó đã gây tổn thương cho não – trung tâm ngôn ngữ của thai nhi. Trường hợp trẻ nhỏ mắc phải một bệnh ở não hoặc màng não sau khi điều trị khỏi đã để lại tỳ vết nào đó ở trung tâm ngôn ngữ cũng có thể xảy ra.
Ở một góc độ khác, một số nhà khoa học cho rằng trẻ bị khủng hoảng tình cảm, gặp một cú sốc, hoặc một chuyện nào đó thời thơ ấu cũng khiến trẻ mắc tật nói lắp. Hậu quả của dị tật tâm lý xã hội này theo thời gian trở thành thói quen khó chữa.
Yếu tố quan trọng cuối cùng mà các nhà khoa học đề cập tới liên quan đến đoạn tách rời trên vỏ não ngăn tín hiệu lưu thông. Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học thuộc các trường đại học Hamburg và Gottingen (CHLB Đức) đã nghiên cứu qua kỹ thuật chụp cộng hưởng từ của não 15 người bị tật nói lắp, so sánh với não của 15 người nói bình thường và đưa ra kết luận những người nói lắp có những đoạn tách rời vỏ não ngăn những tín hiệu lưu thông bình thường giữa các khu vực trong vùng kiểm soát ngôn ngữ dẫn đến nói lắp.
Phương pháp phòng ngừa tật nói lắp
Các nhà khoa học đánh giá, nếu trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường tràn đầy tình yêu thương, hạnh phúc của cha mẹ, được chăm sóc cẩn thận cả về thể chất lẫn tinh thần thì chắc chắn khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển bình thường, tránh được tật nói lắp.
Do đó cần giảm thiểu các chấn thương tâm lý và những biến động đột ngột từ gia đình như cãi vã giữa các cặp đôi, các mối quan hệ bất đồng, cha mẹ li dị.. để loại bỏ những chấn thương tâm lý gây ảnh hưởng tới ngôn ngữ của trẻ.
Song hành với việc làm trên, cha mẹ cần tạo môi trường ngôn ngữ thuận lợi cho trẻ. Theo tự nhiên, việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống. Vì vậy, phương pháp tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đến những nơi đông vui, có nhiều hoạt động để trẻ tiếp thu ngôn ngữ đa dạng, dễ dàng nhất, tránh được tật nói lắp.
Những cách phòng ngừa tật nói lắp ở trẻ cha mẹ cần biết
Theo Vietnamnet.vn
Chưa có bình luận.