Trong cuộc sống có những thời điểm không thể tránh khỏi hơi thở có mùi do viêm răng, viêm lưỡi, hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém… Tuy nhiên hôi miệng diễn ra thường xuyên có mùi như ẩm mốc hoặc thức ăn ôi thiu cần đi khám chuyên khoa tiêu hoá vì đó không đơn thuần là dấu hiệu của bệnh răng miệng mà có thể cảnh báo suy gan.
Vai trò của gan trong hệ tiêu hoá
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như tạo ra mật, đào thải độc tố và phân hủy chất béo trong ruột non ở quá trình tiêu hóa, hỗ trợ tạo ra một số loại protein cần thiết cho huyết tương, vận chuyển chất béo trong cơ thể.
Gan lưu trữ và giải phóng glucose khi cần thiết, dự trữ hàm lượng sắt của cơ thể, thay đổi amoniac có hại thành ure, làm sạch máu cùng các chất độc hại khác, hỗ trợ điều chỉnh quá trình đông máu của cơ thể, tạo ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi máu, từ đó tránh nhiễm trùng.
Các dấu hiệu khi gan mắc bệnh
Gan đảm nhiệm chức năng lọc chất thải ra khỏi máu, theo thời gian chức năng gan có thể bị suy giảm do các bệnh lý như viêm gan, xơ gan… do lối sống không lành mạnh hoặc nhiễm virus, vi khuẩn.
Khi gan không thể lọc hết chất thải ra khỏi máu, những chất này tiếp tục theo máu di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có phổi. Lúc này, hơi thở của người bệnh có mùi hôi do sự gia tăng hợp chất hữu cơ dimethyl sulfide, sản phẩm của các axit amin chứa lưu huỳnh chưa được lọc khỏi máu. Mùi hôi càng nặng, chức năng gan càng suy giảm nhiều.
Đặc trưng hơi thở của người mắc bệnh gan giống như mùi lưu huỳnh và tỏi. Mùi này kéo dài, không hết hoàn toàn dù đã đánh răng hay dùng nước súc miệng đi kèm với các triệu chứng khác như đau bụng, mề đay, phù nề, dễ bầm tím, mệt mỏi, vị giác kém, vàng da vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt…
Các căn bệnh liên quan tới gan gây ra triệu chứng hôi miệng
Gan nhiễm mỡ do lượng chất béo tích tụ trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan.
Xơ gan do các mô tế bào khỏe mạnh của gan được thay thế bằng mô sẹo.
Viêm gan do mô gan bị viêm nhiễm do sự tấn công của virus, ký sinh trùng, uống quá nhiều rượu bia hoặc do chính hệ miễn dịch tấn công “nhầm” tế bào gan.
Ung thư gan do sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường tại gan.
Các mùi đặc trưng trong hơi thở khi mắc các bệnh về gan gồm mùi quả thối, mùi ẩm mốc hoặc thức ăn ôi thiu…
Các chuyên gia khuyến cáo những người đột nhiên bị hôi miệng đã loại trừ các bệnh về nha khoa cần đi khám chuyên khoa tiêu hoá để tầm soát, xác định nguyên nhân chính gây bệnh, tránh những biến chứng có thể sẽ xảy ra.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Đốm đỏ trên mặt đề phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Tiêu thụ nhiều muối gây tổn thương gan
Chế độ ăn có lợi cho người bị gan nhiễm mỡ độ 1
Mẩn ngứa thường xuyên đề phòng gan nhiễm mỡ
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.