Thứ Hai, 12/06/2017 | 15:55

Trẻ bỗng nhiên bị sốt cao, bỏ ăn, nôn trớ… và cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhi H.T.L. (4 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) bị viêm cơ tim nặng có biến chứng rối loạn nhịp tim.

Người nhà cho biết, bé L. tiền sử khỏe mạnh bình thường. Thời gian gần đây, bé bỏ ăn, sốt cao và nôn mửa nhiều lần trong ngày. Ngày 2/6, gia đình đã đưa bé L. đi khám tại Bệnh viện Nông nghiệp do không ăn được nên đã được truyền dịch. Đến 20h ngày 2/6, bé L. bất ngờ bị xỉu, khi các bác sĩ khám thấy xuất hiện tình trạng tim đập chậm nên nhanh chóng chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Bé L., được chuyển tới bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, mệt lả, nhịp tim chậm dần chỉ còn 40-50 lần/phút. Tình trạng suy hô hấp có biểu hiện suy tim diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Bệnh nhi L. ngay lập tức  được đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim.

Ths.Bs Trương Văn Quý, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bé L. bị viêm cơ tim nặng và có biến chứng rối loạn nhịp tim. Bệnh nhi đã được chăm sóc và điều trị kịp thời và bệnh nhi cũng đáp ứng rất tốt với những điều trị mà bác sĩ đưa ra nên hồi phục khá nhanh chóng.

Sau 3 ngày được chăm sóc liên tục, bé L. đã có những chuyển biến rất khả quan. Sau 4 ngày, bệnh nhi đã không còn phải thở máy. Ngày 8/6, bé L. đã tỉnh táo và nói chuyện được. Theo các bác sĩ đánh giá, khả năng co bóp của cơ tim đã phục hồi nhanh chóng.

Theo bác sĩ Trương Văn Quý, trẻ bị viêm cơ tim thường không có những triệu chứng rõ ràng. Trẻ có thể mệt nhiều, không chịu chơi, nôn trớ, bỏ bú hoặc bú kém… Nhiều khi có thể nhầm với triệu chứng của bệnh lý khác như khó thở, suy hô hấp. Do vậy, nếu không được thăm khám toàn diện dễ vị chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị không chính xác ngay từ đầu.

“Viêm cơ tim cấp là bệnh ít gặp ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp là do virus. Bệnh diễn biến nhanh và các triệu chứng của bệnh lại không đặc hiệu, chỉ đến khi trẻ có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, trẻ mệt nhiều, nôn nhiều, bỏ bú (ở trẻ bú mẹ) thì gia đình mới chú ý để đưa trẻ đi khám. Do vậy khi trẻ có dấu hiệu bị ốm đặc biệt là các dấu hiệu trẻ mệt nhiều, ngủ nhiều, li bì, nôn nhiều… cần phải đưa trẻ đi khám ngay”, bác sĩ Trương Văn Quý nói.

Sau 10 ngày điều trị (12/6), cháu L. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện.

Yhocvn.net (Theo Emdep)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook