Đối với những trẻ khi phát hiện mắc bệnh viêm họng cấp thì người dùng nên làm gì? Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin qua bài viết dưới đây nhé!
Nên làm gì khi trẻ có các dấu hiệu bị viêm họng cấp
Khi trẻ gặp phải chứng bệnh viêm họng cấp, điều quan trọng nhất bạn cần phải làm chính là cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể của trẻ, đặc biệt là giữ ấm các bộ phận cổ, ngực, gan bàn chân. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cung cấp cho trẻ nhiều vitamin C bằng cách ăn các hoa quả như quýt, cam, bưởi hoặc viên uống, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nếu trẻ có biểu hiện trở nặng, lâu khỏi, sốt cao trên 38độ C thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để bác sĩ thăm khám, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị. Trong trường hợp con của bạn bị viêm họng cấp do virus gây ra, điều trị bằng kháng sinh không mang hiệu quả nên chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Ngoài ra, bạn cần thường xuyên cho trẻ súc miệng và súc họng bằng nước muối ấm pha loãng vào mỗi buối sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích bạn cho trẻ dùng nước muối sinh lý có bán tại các hiệu thuốc để đảm bảo hợp vệ sinh cũng như sự cân bằng giữa lượng muối và lượng nước. Trẻ có biến chứng thấp tim cần được cha mẹ quan tâm, theo dõi thường xuyên và có phương pháp điều trị chu đáo.
Dấu hiệu nhận biết viêm họng cấp
Triệu chứng điển hình
Bắt đầu sốt cao, đột ngột (39 – 40oC), ớn lạnh, kèm theo nhức đầu, nuốt đau, đau mỏi thân mình, ăn, ngủ kém. Một số trường hợp có hạch cổ sưng và đau.
Người bệnh ở giai đoạn đầu có cảm giác khô nóng trong họng, khát nước, dần dần cảm giác đau rát tăng lên khi nuốt và khi nói, đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt. Có thể có nghẹt mũi (một hoặc hai bên) và chảy nước mũi. Thông thường có rát họng và ho khan. Vài ba ngày sau, nếu không được phát hiện và điều trị có thể có khàn tiếng.
Khi khám sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ, xuất tiết. Hai amiđan sưng to, nếu viêm tái phát thì amiđan thường có hốc, có thể có mủ hoặc bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt hoặc miệng các hốc amiđan. Xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng, chỉ số CRP (C Reaction Protein) dương tính.
Xét nghiệm nhày họng, bằng phương pháp nhuộm đơn thấy nhiều tế bào bạch cầu, vi khuẩn (trực khuẩn hoặc cầu khuẩn). Nhuộm bằng phương pháp gram có thể thấy cầu khuẩn gram dương (xếp đôi, hoặc thành đám hoặc đứng riêng rẽ) hoặc thấy cả xoắn khuẩn Vincent. Nếu có điều kiện nuôi cấy chất nhày họng sẽ xác định được loại vi khuẩn gây viêm họng cấp, trên cơ sở đó thực hiện kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp cho việc điều trị.
Trong trường hợp viêm họng cấp do virut cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Hoặc viêm họng cấp do virut APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival) thì xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ, bệnh tiế̉n triển 3 – 5 ngày. Các trường hợp viêm họng cấp do virut thì việc xác định loại virut gì còn gặp không ít khó khăn.
Bệnh viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Nguồn: Phunutoday
Chưa có bình luận.