Theo ghi nhận tại các bệnh viện khu vực miền Bắc, vào những ngày trời rét đậm, số lượng bệnh nhi đến khám chữa bệnh tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, điều cần thiết là tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn và lối sống khoa học… Chúng ta hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu vấn đề này.
Thực trạng
Vào mùa đông lạnh, thời tiết có sự thay đổi nhiều giữa ban ngày và ban đêm khiến cơ thể trẻ không thể thích nghi ngay lập tức. Do đó, nhiều trẻ hay bị ốm, ho sốt và mắc các bệnh về hô hấp vì hệ miễn dịch không hoạt động tốt, kéo theo sức đề kháng suy giảm.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi cho biết, vào những ngày trời chuyển lạnh, số lượng bệnh nhi đến khám chữa bệnh tăng cao, dẫn đến tình trạng quá tải do số lượng từ tuyến dưới chuyển lên. Đáng chú ý nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Đối với những bệnh lý này nếu chủ quan sẽ dẫn đến suy hô hấp thậm chí tử vong.
Tương tự, khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103 cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng cao hơn trong những đợt rét đậm. Đại tá Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Cấp cứu cho hay: “Theo thống kê sơ bộ, số lượng bệnh nhân không tăng cao, nhưng số trẻ em và người già mắc bệnh nặng phải nhập viện tăng cao hơn hẳn trong hai ngày qua”. Đa phần trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp.
Các phương pháp phòng bệnh
Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là miệng, mũi, cổ họng
PGS Dũng khyến cáo, trẻ cần được giữ đủ ấm, nhất là miệng, mũi, cổ và chân bằng việc hạn chế đi ra ngoài và bảo đảm không khí ấm áp trong phòng. Ngược lại, các bậc cha mẹ cũng không ủ ấm quá mức khiến trẻ bị mồ hôi, ngấm ngược vào người, dễ bị nhiễm lạnh, gây viêm phổi. Lưu ý không sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm vì khí than tỏa ra rất độc.
Trường hợp trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà, tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống.
Tăng cường sức đề kháng
Sức đề kháng là “hàng rào bảo vệ” giúp cơ thể trẻ chống chọi lại các yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài: các loại virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Nếu như sức đề kháng của trẻ tốt sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sau mỗi lần tổn thương hay bị bệnh. Do đó cha mẹ càng bổ sung đề kháng càng giữ cho sức đề kháng của trẻ được khỏe mạnh trong mùa đông lạnh, trẻ sẽ giảm được nguy cơ nhiễm lạnh dẫn đến cảm cúm, cảm lạnh, hạn chế nhiều bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Biện pháp tăng sức đề kháng bao gồm duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Thói quen ăn uống nhiều tinh bột, protein song thiếu các vi chất khiến cơ thể không phát triển toàn diện, giảm sức đề kháng. Bổ sung cho bé ăn các loại đậu, ngũ cốc, hạt, trái cây và rau xanh để bổ sung vi chất. Những thực phẩm như mật ong, nấm, tảo…Tuy nhiên cần hạn chế cho bé ăn các loại thịt chế biến, đồ chiên, nước giải khát, đồ nướng, kẹo… bởi chúng có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Ngoài ra cần sử dụng các loại thảo mộc, gia vị, bổ sung rau xanh và trái cây, mẹ nên tận dụng hành tây, tỏi, gừng, hạt tiêu đen, ớt, cà ri và nghệ để nấu ăn cho con bởi chúng chứa thành phần giúp tăng cường miễn dịch.
Cuối cùng, cha mẹ cần cho con uống nhiều nước, cho thêm vài lát canh hoặc cam để cơ thể sản xuất bạch huyết, tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp thực phẩm chứa lợi khuẩn cho trẻ.
Theo Thế giới trẻ & 24h.com.vn
Chưa có bình luận.