Loét dạ dày – tá tràng không chỉ là bệnh của người lớn mà gần đây bệnh gặp phổ biến ở trẻ em.
Tuy nhiên ở trẻ em, bệnh có triệu chứng không giống như người lớn nên dễ chẩn đoán và điều trị sai.
Bé Nguyễn Thị V., 6 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội nhập viện vì thường xuyên đau vụng bụng và gần đây có kèm theo nôn sau khi ăn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện 108 xác định bé V. có một vết loét lớn ở hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị khiến ăn không tiêu.
6 tuổi bị cắt 2/3 dạ dày
Dù bé V. ở độ tuổi rất nhỏ nhưng các bác sĩ vẫn phải chỉ định cắt 2/3 dạ dày để điều trị chứng hẹp môn vị do loét dạ dày. Theo lời kể của bố mẹ bé V., mấy tháng trước, bé kêu đau bụng nhưng vì nghĩ con bị đau bụng giun nên gia đình cho uống thuốc tẩy giun và thuốc rối loạn tiêu hoá để trị bệnh. Tuy nhiên, gần đây, bé kêu đau bụng nhiều hơn, cứ ăn vào lại nôn ra nên gia đình mới đưa tới bệnh viện tìm nguyên nhân.
Những trẻ mà bố mẹ có tiền sử bị bệnh dạ dày thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Đây là bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng nhiều người bệnh thường trì hoãn điều trị hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. |
Theo PGS – TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện 108, nếu trước đây viêm loét dạ dày – hành tá tràng thường chỉ gặp ở người lớn do quá trình ăn uống, sinh hoạt không điều độ tích tụ lâu ngày thì gần đây, bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 15 tuổi. Điều đáng quan tâm là các triệu chứng lâm sàng ở trẻ em thường không giống với người lớn. Ở người lớn, dấu hiệu của bệnh thường là đau âm ỉ thì với trẻ em, đó là những cơn đau dữ dội, lăn lộn giống như bị giun chui ống mật. Vì thế, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun.
Bác sĩ Lương Nhất Việt, Trưởng Khoa Phẫu thuật trẻ em Bệnh viện Việt Đức, cho biết triệu chứng của bệnh thường rất mơ hồ,hơn nữa khi trẻ em bị đau bụng, ít ai nghĩ rằng trẻ có thể bị loét dạ dày nên khi được đưa đến bệnh viện, nhiều trẻ đã có biến chứng xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày, hẹp môn vị…
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Giới chuyên môn cho rằng thủ phạm gây loét dạ dày chính là những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt, lo lắng học hành, tâm lý căng thẳng, lo âu, chơi trò chơi điện tử quá nhiều, thức khuya… Ngoài ra, cũng phải kể tới vi khuẩn Helicobacter Pylori là một xoắn khuẩn có khả năng sống trong lớp nhầy của dạ dày gây nên bệnh lý loét dạ dày – tá tràng. Theo bác sĩ Việt, bệnh nhân nhập viện và phải chỉ định phẫu thuật do biến chứng loét dạ dày ở Bệnh viện Việt Đức mỗi năm chỉ khoảng vài chục trường hợp nhưng phần lớn đều là những trường hợp nặng.
Theo các bác sĩ, điều nguy hiểm là ở trẻ càng nhỏ, tình trạng viêm loét càng nặng, bệnh diễn tiến nhanh hơn người lớn rất nhiều. Khi vết loét ăn sâu vào lớp cơ của ruột gây chảy máu, thủng dạ dày, nguy hiểm hơn là biến chứng hẹp môn vị khiến trẻ ăn vào lại nôn ra. Khi đã bị hẹp môn vị và thủng dạ dày thì bắt buộc phải điều trị bằng phẫu thuật. “Với những trẻ nhỏ bị cắt dạ dày sẽ hạn chế việc hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì thế, nếu thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên hoặc cơn đau bụng cấp tính dữ dội cần phải đi khám ngay để điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng về sau” – TS Triệu Triều Dương lưu ý./.
Chưa có bình luận.