Thứ Ba, 06/09/2016 | 12:37

Loét dạ dày hành tá tràng là bệnh phổ biến, thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới. Là do sự phá huỷ làm mất lớp niêm mạc dạ dày hành tá tràng, có thể lan xuống lớp dưới niêm mạc, lớp cơ thậm chí đến lớp thanh mạc và có thể gây thủng.

Tổn thương loét có thể chỉ ở dạ dày, tá tràng hoặc có thể cả ở dạ dày và tá tràng.

Loét dạ dày hành tá tràng là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng ở nước ta, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng chiếm khoảng 11% – 15% dân số và có xu hướng gia tăng.

Nhận biết dấu hiệu bệnh loét dạ dày hành tá tràng

Đau bụng là dấu hiệu thường gặp nhất, đau là do ổ loét và acid dạ dày tấn công vào khu vực ổ loét gây đau, vì vậy đau có tính chất điển hình như sau:

– Đau vùng thượng vị là khu vực từ rốn đến xương ức, đau tăng lên khi đói, có khi đau bột phát về ban đêm, đau có thể giảm đi nếu ăn một chút hoặc uống các thuốc ức chế acid dạ dày (đây là hiện tượng pha loãng dịch vị tạm thời).

– Đau theo chu kỳ (tự khỏi và sau đó có thể trở lại sau vài ngày hoặc vài tuần).

Các biểu hiện khác thường ít gặp, có thể gặp các dấu hiệu nặng hoặc là biến chứng của bệnh:

– Nôn ra máu đỏ tươi hoặc màu đen, đi ngoài phân đen như bã cà phê.

– Buồn nôn hoặc nôn, sút cân không rõ nguyên nhân, chán ăn.

– Khi nào bạn gặp bác sĩ: khi các triệu chứng đau của bạn còn tồn tại và làm bạn lo lắng, các thuốc làm giảm tiết acid có tác dụng giảm đau tạm thời, nếu đau còn tồn tại thì cần gặp bác sĩ tư vấn.

Nguyên nhân gây bệnh loét dạ dày hành tá tràng

Do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và bảo vệ ở niêm mạc dạ dày, gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Yếu tố bảo vệ của dạ dày là lớp niêm mạc bình thường có lớp nhầy bao phủ chống lại môi trường acid trong dạ dày, nhưng nếu nồng độ acid trong dạ dày tăng lên hoặc lượng chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày giảm, có thể xuất hiện loét dạ dày, trong đó có các nguyên nhân sau:

– Vi khuẩn: nguyên nhân hay gặp nhất của loét dạ dày hành tá tràng, đó là xoắn khuẩn Helicobacter pylori (HP), HP là vi khuẩn sống và sinh sôi ở trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày. Bình thường thì HP không gây bệnh, nhưng khi lớp nhầy bao phủ niêm mạc bị phá vỡ nó có thể gây viêm và dẫn đến loét dạ dày. Sự lây truyền từ người sang người bởi tiếp xúc ăn uống, lây qua thức ăn và nước uống.

– Các thuốc giảm đau: gây kích thích niêm mạc đường tiêu hoá như aspirin, ibuprofen. Loét dạ dày do các nguyên nhân này thường xảy ra ở người lớn có sử dụng thuốc thường xuyên vì đau xương khớp, để giảm được các tác dụng phụ này nên dùng thuốc sau khi ăn no, hoặc có sự tư vấn của bác sĩ. Các thuốc giảm đau như paracetamol không gây loét dạ dày. Một số các thuốc kê đơn khác cũng có thể dẫn đến loét dạ dày như các thuốc điều trị loãng xương như bisphosphonate.

– Một số các yếu tố nguy cơ:

+  Hút thuốc lá có thể tăng  loét dạ dày ở người bị nhiễm vi khuẩn HP

+  Uống rượu làm tăng kích thích và làm mòn lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày và gây kích thích làm tăng sản xuất acid ở dạ dày

+  Stress không được kiểm soát trong đó có sự căng thẳng về tinh thần, sau phẫu thuật, chấn thương v.v…

Chẩn đoán bệnh loét dạ dày hành tá tràng

Nội soi đường tiêu hoá trên là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Trong trường hợp bệnh nhân không thể soi được (chống chỉ định tuyệt đối), có thể dùng phương pháp nội soi có viên nang.

– Mô tả hình ảnh nội soi của ổ loét: Vị trí, số lượng ổ loét, kích thước, hình dạng, màu sắc, đáy ổ loét, rìa ổ loét (niêm mạc xung quanh ổ loét).

– Nội soi sinh thiết tìm H.pylori: Test urease, qua mô bệnh học. HP có thể tìm qua test thở, xét nghiệm máu.

– Sinh thiết cạnh ổ loét làm mô bệnh học nếu nghi ngờ ung thư.

Điều trị bệnh loét dạ dày hành tá tràng

Nguyên tắc điều trị:  Gồm có điều trị nội khoa (chống loét, điều trị triệu chứng) + điều trị ngoại khoa.

Thời gian điều trị: 4 – 8 tuần.

Sau 8 tuần nếu không đỡ nên nội soi lại nhuộm màu, sinh thiết làm giải phẫu bệnh ổ loét, nếu tổn thương loét dạ dày nghi ngờ ung thư hoặc ung thư nên phẫu thuật.

Điều trị loét dạ dày có nhiễm HP cần dùng kháng sinh và thuốc giảm tiết acid để diệt vi khuẩn HP. Các thuốc kháng sinh được khuyến cáo dùng 10 – 14 ngày, các thuốc ức chế acid được khuyến cáo 1 – 2 tháng. Nếu loét dạ dày hành tá tràng mà không có nhiễm HP không phải dùng kháng sinh, mà chỉ dùng các thuốc ức chế acid để giúp lành ổ loét và có thể dùng kéo dài 2 tháng.

– Các kháng sinh để diệt vi khuẩn HP: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole và tetracycline, thời gian dùng 10-14 ngày.

– Các thuốc ức chế tiết acid dạ dày: zantac, cimetidin, nexium, pantoloc… các thuốc này dùng lâu dài có nguy cơ gãy xương.

– Các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày: sucralfate, gastropulgid, misoprostol.

– Sau điều trị thường ổ loét liền sẹo, nên phải kiểm tra bằng nội soi dạ dày sau điều trị nếu ổ loét không liền có thể do các nguyên nhân sau:

+  Không dùng thuốc theo chỉ dẫn

+  Do vi khuẩn HP gây bệnh kháng thuốc

+  Sử dụng thuốc lá

+  Hoặc sử dụng các thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ gây loét

– Nếu ổ loét tái phát phải xem xét các nguyên nhân khác:

+  Hội chứng Zollinger-Ellison

+  Nhiễm một loại vi khuẩn khác HP

+  Ung thư dạ dày

+  Hoặc một bệnh lý khác gây tổn thương giống loét dạ dày như Crohn

-Lối sống

+  Chọn các thức ăn giúp chóng liền ổ loét như hoa quả, rau và ngũ cốc.

+  Chú ý bệnh nhân mà phải dùng giảm đau nhiều nên tránh các thuốc giảm đau non steroids mà có thể dùng paracetamol

Dự phòng bệnh

Kiểm soát stress, tránh thức khuya.

Không hút thuốc và uống nhiều rượu.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook