Thứ Ba, 08/03/2016 | 10:58

Bé Phương Anh, 2 tuổi rưỡi, đi chơi cùng mẹ, gặp bác Hồng, mẹ bảo bé chào bác nhưng bé cứ im lặng, bám lấy chân mẹ. Mẹ nhắc mấy lần nhưng bé vẫn không nói gì. Mẹ giận lắm, nhưng cũng đành chịu. Lúc về, mẹ lại nhắc bé chào tạm biệt bác, nhưng bé vẫn không chào. Trên đường về, chỉ còn hai mẹ con, mẹ hỏi tại sao bé không chào. Lúc đầu bé không nói gì, sau đấy mới nói: “Con không thích”. Nghe bé nói thế, mẹ liền cáu lên: “Mẹ đã nói vói con bao nhiêu lần rồi, khi gặp người lớn thì con phải nói: Cháu chào cô, cháu chào bác. Còn khi chia tay thì phải nói: Cháu tạm biệt cô, cháu tạm biệt bác, sao con không nghe lời mẹ? Lần sau, nếu mẹ bảo chào mà không chào là mẹ đánh đít đấy, nghe chưa?”

Làm thế nào để dạy con nói lời chào hỏi?
Làm thế nào để dạy con nói lời chào hỏi?

Vậy, việc trẻ ở lứa tuổi này không chào hỏi có phải là trẻ hư? Câu trả lời là “không”.

Để được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, mọi người cần nhận được tình yêu thương của người khác. Người lớn chúng ta chào hỏi để thể hiện mình là người biết giao tiếp, biết đối nhân xử thế, để được mọi người yêu mến. Nhưng đối với trẻ 3 tuổi, tất cả những gì trẻ làm đều xuất phát từ ý thích và thói quen của bản thân chứ trẻ chưa nghĩ đến những điều như trên.

Việc ở tuổi lên 3 trẻ không chào hỏi người lạ vì nhiều lý do. Ví dụ như: Trẻ không thấy hứng thú với việc chào; Trẻ thấy ngại, xấu hổ; Trẻ không muốn làm theo yêu cầu của người lớn… Ở tuổi này, trẻ chưa cần dành được tình cảm của những người xung quanh để được yêu thương, hay để được hạnh phúc hơn. Tất cả những người trẻ cần chỉ là những người thân của mình như ông bà, bố mẹ, cô chú. Do đó việc trẻ không chào hỏi không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của trẻ. Còn việc người lớn có cảm giác như thế nào khi không nhận được lời chào của trẻ không phải là điều trẻ quan tâm.

Do vậy, với những bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi này. Mỗi khi thấy con cần chào hỏi, chỉ cần nhắc nhở con chào, ví dụ nói: “Con có muốn chào bác không? Nếu muốn thì con nói: “Cháu chào bác ạ” cho bác vui, còn nếu con không muốn thì thôi, lần sau gặp bác con chào cũng được”… Bằng cách nhẹ nhàng như thế, trẻ sẽ ghi nhớ trong đầu rằng nên chào hỏi khi gặp mặt, nên tạm biệt khi chia tay; đồng thời không cảm thấy bị bắt buộc phải nói chào hỏi. Trẻ cũng hiểu rằng việc mình chào hỏi sẽ làm người khác vui. Ngoài ra, muốn con có thói quen chào hỏi thì chính bố mẹ cũng phải chào hỏi để làm gương cho con. Trong trường hợp trẻ không muốn chào hỏi, bố mẹ cũng không nên nhắc lại yêu cầu đấy, không nên khăng khăng ép buộc con, như thế trẻ sẽ cảm thấy ức chế tâm lý.

Nếu bố mẹ kiên nhẫn nhắc nhở nhẹ nhàng và làm gương, sẽ đến lúc thấy rằng không cần phải yêu cầu mà trẻ vẫn tự nói ra câu chào hỏi một cách tự nhiên. Đến lúc đấy, nhất định trẻ sẽ nhận được sự yêu thương của mọi người.

Châu Minh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook