Nghệ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ phòng trừ bệnh nhưng nếu lạm dụng nghệ quá nhiều có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe nên cần cẩn trọng
Nghệ là loại gia vị rất tốt cho sức khỏe nhờ đặc tính chống viêm, giàu chất chống oxy hóa. Nhưng nếu lạm dụng nghệ quá nhiều có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe như sau:
Tăng nguy cơ sỏi thận
Do giàu oxalate nên khi tiêu thụ một lượng lớn nghệ trong thời gian dài có thể làm tăng nồng độ oxalate trong cơ thể từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ về ảnh hưởng của quế và nghệ đối với sự bài tiết oxalate qua nước tiểu, lipid huyết tương và glucose huyết tương ở những người khỏe mạnh kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ bổ sung nghệ có thể làm tăng đáng kể lượng oxalate bài tiết qua nước tiểu ở người khỏe mạnh. Từ đó có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở những người dễ mắc bệnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quế không có tác động tương tự đến lượng oxalate trong nước tiểu.

Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Nghệ có thể gây tình trạng khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, trào ngược axit dạ dày, kích ứng đường tiêu hóa nếu lạm dụng dùng quá nhiều. Do curcumin có trong nghệ có thể kích thích sản xuất mật nên khi dùng nhiều nghệ có thể khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, gây ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Làm loãng máu
Nghệ có đặc tính làm loãng máu tự nhiên nên khi dùng nghệ sẽ có lợi cho việc cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nhưng nếu lạm dụng thì loại gia vị này cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là ở những người dùng thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc aspirin. Do đó, nếu lạm dụng nghệ có thể gây cản trở quá trình đông máu, dễ gây bầm tím, chảy máu kéo dài.
Tương tác với thuốc
Nếu tiêu thụ nhiều nghệ có thể gây tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau, đặc biệt là những loại thuốc dùng để điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, thuốc chống đông máu. Bởi khi tiêu thụ nhiều có thể làm thay đổi cách cơ thể hấp thụ và xử lý các loại thuốc này, có khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí gây tác dụng phụ.
Có thể gây thiếu sắt
Nghệ chứa các hợp chất có thể ức chế sự hấp thụ sắt, đặc biệt là sắt không heme có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Khi lạm dụng nghệ hay dùng nghệ trong thời gian dài sẽ cản trở hấp thụ sắt dẫn đến thiếu sắt.
Mất cân bằng nội tiết tố
Curcumin trong nghệ có thể ảnh hưởng đến một số loại hormone trong cơ thể, bao gồm cả estrogen ở phụ nữ. Do đó, nếu tiêu thụ quá nhiều nghệ có khả năng làm gián đoạn nồng độ hormone, đặc biệt là ở những phụ nữ mắc các tình trạng nhạy cảm với hormone như ung thư vú, lạc nội mạc tử cung. Curcumin có thể bắt chước estrogen trong cơ thể, có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.
Do đó, để bảo đảm an toàn tránh ảnh hưởng tới sức khỏe chỉ nên sử dụng nghệ ở liều lượng từ 500 – 2.000 miligam (mg) mỗi ngày. Các chất bổ sung curcumin, nên tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu đang dùng thuốc điều trị nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nghệ với liều lượng lớn hoặc dưới dạng thực phẩm chức năng để tránh giảm hiệu quả của thuốc, hạn chế tác dụng phụ.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
Uống nghệ sai cách vì không hiểu thành phần trong nghệ
Tẩy nốt ruồi có nên bôi nghệ không, cách bôi nghệ đúng chuẩn
Những thực phẩm tránh tiêu thụ chung với dứa
Khảo sát hàm lượng 3 hoạt chất nhóm Curcuminoid trong nghệ vàng tại một số chợ tại Hà Nội
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.