Thứ Sáu, 18/11/2016 | 16:30

Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) nguy hiểm như thế nào?

Hiện nay nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – hành tá tràng, khi đi nội soi, được bác sĩ thông báo dương tính với khuẩn HP (helicobacter pylori) và có nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư dạ dày. Vậy vi khuẩn HP là gì và nó nguy hiểm như thế nào?

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là gì?

Theo các bác sĩ, vi khuẩn Hp viết đầy đủ Helicobacter pylori, là nguyên nhân gây ra một số bệnh ở dạ dày như loét dạ dày – hành tá tràng, viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính. Helicobacter pylori còn có thể gây ung thư dạ dày.

Khi vào cơ thể, vi khuẩn Hp chui vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn; làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ và tạo một số độc tố làm tổn thương các tế bào niêm mạc dạ dày nằm bên dưới lớp nhầy.

Từ sự phá hủy này, niêm mạc dễ dàng bị ăn mòn bởi chất axit có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, gây ra viêm loét dạ dày hay tá tràng. Triệu chứng thường thấy là đau thượng vị, ợ chua, cồn cào, nóng rát sau xương ức…

Với những người có vi khuẩn Hp dương tính nhưng không có vấn đề liên quan tới bệnh lý dạ dày thì có thể không cần điều trị diệt trừ vi khuẩn Hp trừ khi bạn nằm trong các đối tượng có nguy cơ cao như trong gia đình đã có người Ung thư dạ dày, tiền sử trước đây đã có loét dạ dày tá tràng, trong gia đình có bệnh nhân bị bệnh dạ dày tái phát nhiều lần nhất là trẻ em, hoặc thậm chí quá lo lắng về Ung thư dạ dày (vi khuẩn Hp là tác nhân hàng đầu gây Ung thư dạ dày)… Khi đó bạn có thể được bác sỹ cho điều trị diệt trừ vi khuẩn Hp.

Hiện nay để loại bỏ vi khuẩn Hp khỏi dạ dày cho các đối tượng khác nhau bằng dùng thuốc kháng sinh, tuy nhiên, vi khuẩn Hp kháng thuốc gia tăng nên việc điều trị đôi khi sẽ không đạt được kết quả tốt.

Điều trị diệt HP đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn

Helicobacter pylori lây chủ yếu qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, trong những gia đình có thói quen ăn uống chung.

Lây nhiễm xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch có chứa vi khuẩn. Hôn nhau cũng có thể lây virus HP nhưng tỷ lệ thấp.

Về nguy cơ ung thư khi nhiễm khuẩn HP và liệu có diệt hết được vi khuẩn HP, các bác sĩ đã giải thích rằng, vi trùng HP được xếp vào nhóm đứng đầu gây ung thư dạ dày hiện nay.

Việc điều trị diệt HP đã giảm rõ số lượng ung thư mới xuất hiện trong vòng hơn 20 năm qua kể từ năm 1983 hai tác giả người Mỹ Warren & Marshall tìm ra HP trên bệnh nhân cắt dạ dày do ung thư. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị dứt điểm nếu được điều trị sớm bằng cách dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý.

Sau khi nhận được thông báo đã nhiễm khuẩn HP, người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối phương pháp điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ cũng cho rằng, sau phát hiện người bệnh có thể trị khỏi sau 4-6 tuần uống thuốc theo đúng chỉ định.

Khuẩn HP nguy hiểm như thế nào
Khuẩn HP nguy hiểm như thế nào

Ngoài việc điều trị theo đúng phác đồ của thầy thuốc thì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị bệnh.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên:
– Ăn đúng giờ, tránh để đói hoặc no quá.
– Ăn chín với đồ dùng cá nhân chén bát mới riêng, ăn thức ăn dễ tiêu, giảm mỡ béo. Kỵ ăn chua, cay, ăn thức ăn nguội hoặc quá nóng và đồ khô rắn, khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ.
– Kiêng rượu, bia, cà phê, thuốc lá, giảm stress… tránh thức uống ảnh hưởng dạ dày như thuốc vitamine C, axít folic điều trị thiếu máu, các thuốc dạng sủi bọt, thuốc giảm đau kháng viêm và corticoide.
– Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn, không thức khuya

Đặc biệt lưu ý, khi uống thuốc một thời gian người bệnh sẽ có cảm giác khỏi bệnh, tuy nhiên không được dừng thuốc. Sau thời gian dùng đủ thuốc, bắt buộc phải ngưng thuốc hai tuần sau đó kiểm tra lại vi trùng HP đã hết chưa. Nếu kết quả âm tính với HP thì bạn đã được điều trị khỏi hoàn toàn.

Hiện trên thị trường các hiệu thuốc tây y và đông y cũng quảng cáo rất nhiều loại thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm loét dạ dày cũng như loại bỏ hết vi khuẩn HP, tuy nhiên, các bác sĩ khuyên người bệnh nếu bị đau dạ dày, nên đến bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách.

Ung thư dạ dày khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Thời gian đầu bệnh thường không gây triệu chứng gì. Đến khi ung thư phát triển lan rộng, di căn gây ra đau vùng thượng vị không điển hình, không có chu kỳ với triệu chứng đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa…khiến bệnh nhân bị suy nhược, gầy sút cân.
Bởi vậy, việc nhận biết những dấu hiệu ung thư dạ dày để phòng tránh kịp thời căn bệnh nguy hiểm này là điều vô cùng cần thiết. Những dấu hiệu sau đây không thể bỏ qua:
– Luôn bị ợ chua, rối loạn tiêu hóa. Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư dạ dày. Biểu hiện này chiếm khoảng 68% số người mắc bệnh.
– Ăn không thấy ngon miệng, chán ăn. Người bệnh cảm thấy hơi thở luôn nóng. Biểu hiện nôn sau khi ăn xong. Ban  đầu người bệnh chỉ có cảm giác khó chịu, buồn nôn những về sau những món không thích hoặc món nhiều dầu mỡ ăn vào sẽ bị nôn ngay. Tình trạng bệnh nặng thì sẽ bị nôn sau mỗi bữa ăn.
– Những cơn đau bụng không ngớt: vị trí bị đau nhiều nhất đó là thượng vị, đau bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có dấu hiệu cũng như chu kì cố định.
– Sút cân nhanh: trước đó bệnh nhân bị mất cảm giác thèm ăn, cơ thể bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng, rất hay trong tình trạng uể oải, làm việc kém năng suất.
– Xuất hiện dấu hiệu bị thiếu máu: Khi bị ung thư dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu trong gây mất máu kéo dài.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu thấy có những triệu chứng như trên, hãy đến ngay bệnh viện để được khám chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Những trường hợp phát hiện muộn, khi ung thư đã di căn thì các bác sĩ thường chỉ còn cách chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chữa trệu chứng, nâng cao thể trạng để kéo dài sự sống.

Yhocvn.net 

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Trẻ bị nhiễm Hp dạ dày tăng nhanh và giải pháp điều trị mới

+ Các phương pháp phát hiện helicobacter pylori (Hp) hiện nay

+ Xét nghiệm Hp (Test Hp) qua hơi thở: ưu, nhược điểm và các bước thực hiện

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook