Thứ Hai, 04/12/2017 | 09:16

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y Tế, những năm gần đây số lượng trẻ dậy thì sớm ngày càng nhiều. Cá biệt có trẻ mới 3 tuổi đã dậy thì khiến cha mẹ phải tiêm thuốc dậy thì sớm cho con. Tuy nhiên theo các chuyên gia cần đưa trẻ đến bác sĩ để có liệu pháp thích hợp, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển lâu dài cho trẻ.

Năm 2017, mỗi tháng Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 30 ca trẻ bị dậy thì sớm đến khám, điều trị. Hiện có 200 bệnh nhi dậy thì sớm đang được bệnh viện này quản lý. So sánh cùng thời điểm với năm 2016, con số này đã tăng gần gấp đôi.

Những triệu chứng bất thường

Lứa tuổi các bác sĩ gặp nhiều ở trẻ dậy thì sớm được ba mẹ đưa đi khám là 6-8 tuổi, với những triệu chứng như có lông mu, ngực to, dương vật cương cứng… Trẻ bị dậy thì sớm lúc nhỏ thường cao nhất lớp. Khi đưa trẻ đi khám, các bậc cha mẹ đều hoang mang lo lắng, mong muốn bác sĩ giúp con trở về tình trạng bình thường.

Khi con gái học lớp 1, chị N.T.N.H – 42 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM – đã phát hiện con mọc lông vùng kín, ngực nhú lên. Tuy nhiên do không biết đây là triệu chứng của bệnh dậy thì sớm nên chị không đưa con đi điều trị. Mãi đến năm con học lớp 2 thì có kinh nguyệt, lúc này vợ chồng chị mới đưa con đi khám.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã chẩn đoán con chị (cháu H.P.T., 7 tuổi) bị dậy thì sớm rồi chích thuốc. Kết quả, cháu T. ngưng có “kinh nguyệt”, gương mặt trở lại đúng tuổi chứ không già như trước.

Đến nay, sau gần 3 năm điều trị, cháu học hết lớp 5 thì bác sĩ ngưng chích thuốc. Lúc ngưng chích thuốc, cháu cao 1,48m. Hiện cháu đang học lớp 8, cao 1,51m thấp hơn các bạn khác trong lớp.

Trường hợp khác, cha mẹ hốt hoảng đưa con đến bệnh viện vì con trai mới gần 3 tuổi mà rất thích sờ đùi các cô gái trẻ, dương vật của cháu hay cương cứng. Khi khám, bác sĩ thấy dương vật của cháu to bất thường, thậm chí đã mọc lông. Kết quả chụp MRI, cháu được chẩn đoán dậy thì sớm.

Ý kiến của chuyên gia

Bác sĩ Trần Thị Bích Huyền, khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết, trẻ dậy thì sớm là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ gái đa số không tìm được nguyên nhân, còn ở bé trai thì 50% trường hợp có khối u trên não hoặc ở vị trí nào đó.

Đối với trẻ dậy thì sớm, mỗi tháng các bé sẽ đến bệnh viện chích thuốc.Trẻ được tiêm thuốc sẽ ức chế sự phát triển của các đặc tính sinh dục như kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, kinh nguyệt, giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Về lâu dài sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao sau này. Bởi nếu không tiêm hormone thì xương sẽ bị ảnh hưởng.

Với những trường hợp 6-8 tuổi hoặc trên 8 tuổi, không phải nhất thiết điều trị ức chế dậy thì. Việc điều trị này chỉ giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.

Bệnh nhi được chích hormone đến tuổi có thể dậy thì bình thường (10-11 tuổi). Tùy lứa tuổi phát hiện trẻ dậy thì sớm mà thời gian điều trị sẽ thay đổi. Sau khi ngưng chích thuốc, những đặc tính sinh dục sẽ phát triển trở lại, sau 12-18 tháng bé gái có kinh trở lại, còn bé trai sẽ sản xuất tinh trùng bình thường.

Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh tình trạng dậy thì sớm, cha mẹ cần cho trẻ hạn chế ăn các thức ăn năng lượng cao, ngăn ngừa, điều trị sớm tình trạng béo phì ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, chăm sóc tiền sản tốt cho tất cả bà mẹ đạt dinh dưỡng đầy đủ trong giai đoạn bào thai. Trường hợp trẻ dậy thì sớm, cha mẹ cần đưa con đến khám chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp, không tự ý tiêm thuốc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con sau này.

Yhocvn.net (Theo tuoitre.vn)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook