Vì sao mùa thu, mua đông không khí lại ô nhiễm nhiều nhất trong năm?
Nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc Môi trường Đô thị (Đại học Xây dựng) cho thấy tổng lượng bụi của mùa thu tăng khoảng 30% so với các mùa khác trong năm. Bên cạnh đó, từ tháng 10 đến tháng 1 là thời điểm ô nhiễm mạnh nhất.
Mùa thu được coi là thời điểm thời tiết giao mùa giữa mùa hè và mùa đông. Đây là thời điểm nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch cao, có thể sáng nóng chiều đã trở lạnh. Các bác sĩ cảnh báo mùa này dễ mắc nhiều bệnh như hen suyễn dị ứng, đau họng, suy tim, viêm loét dạ dày…Tuy nhiên, trên thực tế từ tháng 10 đến tháng 1 là thời điểm ô nhiễm mạnh nhất trong năm nên dễ gây bệnh đối với nhưng người nhạy cảm.
Mùa đông với nền nhiệt thấp, ít ánh sáng, ít mưa, gió mùa đông bắc tràn về, đem theo chất ô nhiễm từ phía Bắc khiến cho không khí ô nhiễm hơn. Đặc biệt, những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí thường ô nhiễm nặng do chất ô nhiễm không phát tán được. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Vì vậy, các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa thường gặp trong thời gian này là do đang trong giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu sự tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp các nguồn ô nhiễm vốn có (khói của các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, từ các xe chở vật liệu không được che đậy…).
Theo TS.Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường – Bộ Giao thông Vận tải: Trong thành phần khí thải của phương tiện giao thông nói chung và ô tô xe máy nói riêng, có thành phần là CO2, CO, NOX và H20. Đó là những hợp chất trong khí thải khi ta đốt nhiên liệu thì sẽ thải ra môi trường. Tuy nhiên không thể đổ lỗi tất cả những ô nhiễm môi trường thời gian qua là do quá trình đốt nhiên liệu của các phương tiện giao thông.
PGS, TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trên Nhandan rằng hiện tượng sương mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là điều rất đáng lưu ý, bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, nhất là những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch và người già, phụ nữ có thai, trẻ em…
WHO đã xác định, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới WHO nói rằng mỗi năm ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,5 triệu ca tử vong do không khí ô nhiễm bên trong. Các nhà nghiên cứu cho thấy rất nhiều các hóa chất và độc tố được tìm thấy riêng lẻ trong không khí. Tuy nhiên nghiên cứu gần đây cho thấy sự các bụi nhỏ PM 2.5 là vô cùng nguy hiểm.
Các hạt bụi nhỏ PM 2.5 có thể đi qua các rào cản bảo vệ bộ não của chúng ta, ảnh hưởng đến bào thai, tim và các hệ thông máu đều bị ảnh hưởng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp chết do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp chết do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của chình mình.
Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI được chia ra làm 5 nhóm gồm nhóm từ 0-50 (không khí tốt), từ 51-100 (không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian bên ngoài), từ 101-200 (không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài), từ 201-300 (không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác hạn chế ra ngoài) và từ 300 trở lên không khí thuộc ngưỡng nguy hại, tất cả mọi người nên ở trong nhà. |
Với chỉ số AQI thường xuyên trên 100 những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội được xếp loại kém. Điều đáng lưu ý, kết quả quan trắc trong báo cáo môi trường quốc gia về chất lượng không khí cho thấy, ở Hà Nội nói riêng và khu vực phía bắc nói chung, chất lượng không khí ô nhiễm đáng lo ngại, có sự thay đổi theo mùa, trong đó chất lượng không khí mùa đông thường ô nhiễm hơn mùa hè, đặc biệt là chỉ số bụi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí.
Chưa có bình luận.