Nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, bỉm trở thành trợ thủ đắc lực của mẹ trong việc chăm lo cho “đầu ra” của bé nhưng bé thì không phải lúc nào cũng yêu bỉm đâu.
“Tã giấy vừa hầm vừa bí”
Câu nói này được trích từ một quảng cáo thú vị trên truyền hình để trả lời cho câu hỏi: Nếu biết nói, bé sẽ nói gì? Quả thật, sẽ là một cực hình khi phải đóng bỉm 24/24 giờ từ ngày này sang ngày khác. Nếu là trong mùa hè thì đó còn là ác mộng. Nhưng vì chưa biết nói nên bé chỉ biết bứt rứt, khóc quấy khi “bị” mang bỉm vào những ngày nóng.
Không chỉ “vừa hầm vừa bí”, tã giấy còn khiến cho da bé bị ửng đỏ, đau rát, thậm chí bong vảy (còn gọi là hăm da) ở những vùng tiếp xúc với bỉm. Da của bé vốn rất mỏng manh nên khi bị cọ xát nhiều còn có thể rỉ dịch khiến bé bị ngứa ngáy. Đóng bỉm thường xuyên, các vùng da ở kẽ bẹn, kẽ mông trở nên bí bách cộng với nước tiểu ứ đọng lại sẽ làm tổn thương lớp biểu bì phía trên. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh.
Các bà mẹ khi phát hiện da em bé có có dấu hiệu mẩn đỏ phải ngừng đóng bỉm và đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm da do tã lót hoặc viêm kẽ do nấm Candida… Đối với các bé gái, viêm kẽ bẹn do nấm Candida không được điều trị dứt điểm, nấm sẽ ăn lan ra gây viêm âm đạo. Ở gia đình có tiền sử về các bệnh cơ địa như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, nguy cơ tổn thương và viêm do tã lót ở bé càng cao.
Ít ai ngờ được, căn bệnh nguy hiểm này lại có thể bắt nguồn từ một lỗi đơn giản: không thay bỉm thường xuyên cho bé. Nhiều người nhầm tưởng đây chỉ là bệnh của người lớn mà không biết rằng: Viêm đường tiết niệu là một trong ba bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, sau nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa.Là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Theo TS. Nguyễn Văn Bàng (Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), “nhiễm khuẩn đường tiết niệu (NKĐTN) là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em nhưng ít khi được chú ý đến. Bệnh thường biểu hiện qua rối loạn tiêu hoá khiến nhiều người nhầm lẫn và cho trẻ uống sai thuốc. NKĐTN hay gặp ở những trẻ bị dị dạng đường tiết niệu, trẻ có sức đề kháng yếu, hoặc do vệ sinh không sạch sẽ gây ra nhiễm khuẩn đường tiểu ngược dòng.
Với những trẻ thường xuyên đóng bỉm nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao và khó phát hiện hơn đối với trẻ không đóng bỉm. Khi đóng bỉm, phân và nước tiểu dễ lẫn vào nhau, tăng nguy cơ nhiễm trùng do phân chui lên đường tiểu. NKĐTN thường gặp nhiều hơn ở các bé gái vì đường tiểu các bé gái ngắn, vi khuẩn dễ xâm nhập ngược theo niệu đạo lên bàng quang, gây viêm bàng quang. Từ bàng quang có thể theo niệu quản lên thận gây ra viêm đài bể thận”.
Trẻ NKĐTN thường để lại những vết đục khi nước tiểu khô. Nhưng dấu hiệu này ít khi được phát hiện vì đa phần các bà mẹ thường bỏ bỉm đi ngay sau khi đã dùng xong. Vì vậy các bác sĩ khuyên chỉ nên đóng bỉm cho bé vào buổi tối. Hạn chế bắt bé phải đeo bỉm, tã vào những ngày nóng, chọn những loại tã phù hợp và thay tã thường xuyên cho bé. Tránh không cho vùng kín của bé tiếp xúc trực tiếp với nền đất, các vật dụng không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu sinh lý để phát hiện sớm bệnh cho bé.
Dùng bỉmthường xuyên dễ gây hại cho bé nam?
Nhờ có bỉm, bé không phải khóc ré lên mỗi khi tè dầm, mẹ cũng đỡ công giặt giũ. Nhưng một nghiên cứu thuộc Bộ môn Nhi khoa – Đại học Kiel (Đức) lại chỉ ra rằng: đóng bỉm, tã dùng một lần thường xuyên là thói quen xấu có hại cho “giống nòi”.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi nhiệt độ tinh hoàn của 48 bé trai khỏe mạnh độ tuổi từ 0-4,5 tuổi (thí nghiệm kéo dài 42 năm). Các bé được mặc một thăm dò nhiệt độ nhạy cảm để đo nhiệt độ bìu. Số liệu của các lần đo được ghi lại để so sánh sự chênh lệch nhiệt độ của bìu khi sử dụng tã vải, bông (tái sử dụng) và tã dùng một lần.
Đối với các bé mang tã dùng một lần, nhiệt độ tối đa của bìu lên đến 37-37,4 độ C(không tìm thấy sự thay đổi nhiệt độ khi sử dụng tã vải, bông tái sử dụng). Trong khi đó, nhiệt độ của bìu vốn thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể (do bìu được cấu tạo đặc biệt có thể điều chỉnh nhiệt độ, làm mát tinh hoàn).
Mặt khác, theo các tài liệu y khoa, nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển và tồn trữ của tinh dịch là 34,4 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn 36,7 độ C có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến số lượng của tinh trùng. Một vấn đề đáng lưu ý khác đó là sự tăng nhiệt độ của tình hoàn ở mức cao nhất được ghi lại chủ yếu là ở các bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất.
Để khuyến khích “công” và giảm “tội” của bỉm, các bà mẹ nên lưu tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn và sử dụng bỉm đúng cách.
Dùng bỉm an toàn
1. Chọn bỉm phù hợp
Trong những ngày đông, tã giấy, bỉm có ưu thế hơn so với tã vải vì độ hút thấm cao giúp bé không bị lạnh khi tè dầm. Khi mua cần chú ý đến màng đáy và vách chống trào của bỉm. Loại màng đáy thoáng khí dạng vải thông thoáng, mềm và dễ chịu hơn cho bé so với các loại màng đáy khác (màng đáy nilon thường, nilon thở, dạng vải thường…).
Có thể lựa chọn loại tã giấy có bổ sung tinh chất trà xanh, giúp khử mùi và chống hăm cho bé
Mùa hè, chỉ nên đóng bỉm cho bé vào buổi tối lúc đi ngủ. Dù dùng tã giấy hay tã vải, điều quan trọng là nên thay tã thường xuyên khi tã ướt và giữ cho vùng da mặc tã luôn khô ráo.
Cứ 4 giờ nên thay bỉm cho bé một lần ngay sau khi bé đi ngoài. Sau khi bé đi vệ sinh, cần lau sạch, từ trước ra sau; chú ý để da bé khô hẳn rồi mới đóng bỉm vào. Ở các nếp gấp, kẽ, nên xoa dầu hoặc kem dưỡng da dành riêng cho bé. Điều này giúp tạo ra một lớp màng bảo vệ không cho nước tiểu và phân ngấm vào da bé.
Khi bé bị viêm da phải dừng ngay việc mặc bỉm, làm thoáng, khô, sạch vùng da bị viêm. Lưu ý, lúc này không được thoa phấn lên vùng da bị viêm, tránh làm bít lỗ chân lông gây kích ứng da do không thoát được mồ hôi. Có thể thay bằng tã vải để thông thoáng hơn, nếu không khỏi phải đưa đến bác sĩ ngay.
Tuyệt đối không đóng bỉm cả ngày cho bé, thỉnh thoảng cũng cần để cho bé được thông thoáng. Khi bé bắt đầu tập đi thì không cần thiết phải đóng bỉm nữa.
An Giang
Chưa có bình luận.