Chủ Nhật, 06/09/2015 | 23:54

Trong 2 ngày 4 đến 5.9 tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Quốc tế thường niên của Mạng lưới Châu Á bảo vệ quyền của nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp và môi trường (ANROEV) do Trung tâm Giám sát Dữ liệu nguồn Châu Á (AMRC) văn phòng tại Hồng Kông và Trung tâm Phát triển và Hội nhập Việt Nam (CDI) đồng tổ chức.

Chủ đề Hội nghị năm nay là “Kiểm soát bệnh nghề nghiệp và cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)” đã thu hút sự quan tâm, tham dự của trên 100 đại biểu đến từ 20 quốc gia trên thế giới bao gồm các nước Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Các đại biểu là đại diện cho các tổ chức y tế và an toàn; các tổ chức lao động; các tổ chức môi trường; các viện nghiên cứu; các nhà khoa học đến từ các trường đại học; các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đại diện các tổ chức của nạn nhân.

Hội nghị quốc tế mạng lưới ANROEV tại Hà Nội

 Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề chung về sức khỏe lao động và môi trường trong khu vực Châu Á; các tai nạn/thảm họa lớn ở Châu Á trong những năm gần đây; Bệnh nghề nghiệp và bệnh do môi trường gây ra ở Châu Á và vấn đề hợp tác đa quốc gia để loại bỏ một cách hiệu quả hoặc giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và môi trường.

Trong bối cảnh Châu Á đang dần trở thành “công xưởng” của Thế giới và người lao động cũng như các cộng đồng đang phải gánh chịu hậu quả từ việc gia tăng tai nạn và bệnh tật gây ra bởi các lý do lien quan đến nghề nghiệp và môi trường và đặc biệt, bản thân Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lớn với việc tăng thị phần trong sản xuất nhất là trong điện tử và may mặc và như vậy, giống như các nước Châu Á khác, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cũng như an toàn cho người lao động và các cộng đồng, Hội nghị nhằm tăng cường chia sẻ và cập nhật giữa các thành viên, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội về việc kiểm soát bệnh nghề nghiệp và tăng cường an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc trong các nước Châu Á; phát triển hợp tác chiến lược cấp khu vực và quốc tế, xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn để kiểm soát bệnh nghề nghiệp và cải thiện ATVSLĐ. Hội nghị cũng đề xuất các khuyến nghị đến chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng các chiến lược và kế hoạch dự phòng liên quan đến bệnh nghề nghiệp, ATVSLĐ trong giai đoạn 2016 – 2020. Ban tổ chức hội nghị cũng mong rằng, qua hội nghị này, các chương trình hợp tác cấp khu vực và quốc tế về bệnh nghề nghiệp và ATVSLĐ giữa các tổ chức xã hội tại mỗi khu vực nói chung, khu vực Châu Á nói riêng được cải thiện. Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ các tổ chức xã hội trong khu vực xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động liên quan.

GSTS. Võ Đại Lược – Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương phát biểu khai mạc hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, GSTS. Võ Đại Lược – Tổng Giám đốc Trung tâm kinh tế Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: Hội nghị rất có ý nghĩa đối với vấn đề Kiểm soát bệnh nghề nghiệp ở mỗi nước, qua đó có hành động hợp tác và có thông điệp gửi đến các chủ sử dụng lao động, các chính phủ, tổ chức Công đoàn trong việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo sức khỏe, ATVSLĐ cho người lao động.

Đây là dịp để các tổ chức địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các tổ chức phi chính phủ và các học giả từ các trường đại học có uy tín đối thoại về những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh do môi trường và những nỗ lực để loại bỏ các hóa chất độc hại như benzene, amiăng và các loại chất khác và các quy trình nguy hiểm trong quá trình lao động, sản xuất.

Tại hội nghị, ông Sanjiv Pandita – Giám đốc AMRC đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc tổ chức tham gia hội nghị để cùng chia sẻ thông tin, kết nối hợp tác để giúp các nước thực thi pháp luật bảo vệ quyền làm việc trong điều kiện được đảm bảo an toàn cho người lao động.

Các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp và môi trường tại Hội nghị

Các thành viên thảo luận

Thay mặt Cục ATVSLĐ (Bộ LĐTBXH), ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục ATVSLĐ đã giới thiệu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ của VN, nhất là Luật ATVSLĐ vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII ngày 25.6.2015, với nhiều điểm mới đã quy định phải đảm bảo ATVSLĐ, bảo đảm sức khỏe cho người lao động; đề cao việc phòng ngừa hiệu quả bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, vv …

Các thành viên mạng lưới ANROEV chup ảnh lưu niệm sau Hội nghị

Sau hai ngày thảo luận sôi nổi về các vấn đề “Vấn đề chung về sức khỏe lao động và môi trường trong khu vực Châu Á”, “Các tai nạn, thảm họa lớn ở Châu Á trong những năm gần đây”, “Bệnh nghề nghiệp và bệnh do môi trường gây ra ở Châu Á”, “Hợp tác đa quốc gia để loại bỏ một cách hiệu quả hoặc giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và môi trường”, chiều ngày 5/9/2015, Hội nghị đã ra tuyên bố Hà Nội ANROEV 2015.

Việt Bùi

Tuyên bố Hà Nội ANROEV 2015:

Quyền an toàn vệ sinh lao động là quyền con người!

Tuyên bố Hà Nội ANROEV 2015 khẳng định: mặc dù châu Á đã trở thành một trung tâm trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, người lao động và gia đình của họ vẫn phải làm việc vất vả và phải đánh đổi bằng những thiệt hại vô cùng to lớn về con người. Châu Á là một trong những khu vực có tỷ lệ người tử vong, thương vong và mắc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp và môi trường cao nhất thế giới, ước tính khoảng hơn 1 triệu người thiệt mạng vì các vấn đề liên quan đến lao động và hàng triệu người khác tử vong vì lý do ô nhiễm môi trường. Theo ước tính của tổ chức ILO và tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa số người lao động và người trong cộng đồng thiệt mạng vì bệnh nghề nghiệp và các tác nhân môi trường chứ không phải do ngẫu nhiên.

Các thành viên của mạng lưới châu Á vì Quyền của nạn nhân môi trường và bệnh nghề nghiệp (viết tắt là ANROEV) cam kết thực hiện và hỗ trợ các hoạt động nhằm xây dựng công việc an toàn, có ý nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội và bền vững về môi trường; công việc đó cho phép người lao động phát triển kiến thức và kĩ năng cũng như có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; tại nơi làm việc, người lao động phải được đảm bảo nhân phẩm và đối xử một cách tôn trọng

Mạng lưới sẽ:

• Tăng cường đoàn kết giữa những người lao động trên thế giới nhằm ngăn chặn rủi ro từ các quốc gia này sang quốc gia khác, ngăn chặn thiệt hại gây ra bởi điều kiện lao động thiếu an toàn.

• Xây dựng một mạng lưới tích cực và dân chủ nhằm kết nối các nhà hoạt động về an toàn vệ sinh lao động với nhau, trong đó những sáng kiến độc đáo và đa dạng từ các quốc gia trên thế giới được ủng hộ và tôn trọng.

Để đạt được điều này, các thành viên của mạng lưới ANROEV yêu cầu Chính phủ các nước trong khu vực:

• Công nhận vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc là quyền cơ bản của người lao động.

• Cần phải dứt khoát, khẩn trương và tích cực đưa chính sách về an toàn vệ sinh lao động thành một vấn đề chính sách ưu tiên. Chính sách này phải yêu cầu báo cáo tất cả các trường hợp tử vong và bệnh nghề nghiệp tại các quốc gia tương ứng. Công ước 155 của ILO cần được chính phủ của mọi quốc gia trong khu vực phê chuẩn.

• Tích cực thúc đẩy và thực thi pháp luật bảo vệ người lao động bất kể tình trạng pháp lý của họ, đặc biệt là người lao động không có giấy tờ tùy thân, phi chính thức hay nhập cư, chống lại những cản trở làm suy yếu luật pháp và các thỏa ước bảo vệ người lao động.

• Công nhận rằng người lao động và các tổ chức của họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện, nâng cao an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Những nơi làm việc được tổ chức và đoàn kết là nơi an toàn và cần phải nỗ lực để bảo vệ quyền tự do hiệp hội tại nơi làm việc.

• Đảm bảo rằng những người lao động bị ốm hoặc bị thương phải được chăm sóc, chữa trị phù hợp và kịp thời, được bồi thường và hỗ trợ phục hồi một cách thỏa đáng trong khoảng thời gian hợp lý. Toàn bộ quá trình chữa trị phải đảm bảo rằng nạn nhân sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự trì hoãn không đáng có.

• Đảm bảo việc khám bệnh nghề nghiệp phải được thực hiện phù hợp bởi các chuyên gia và cơ sở y tế độc lập, minh bạch và có tính giải trình cao.

• Đảm bảo rằng các nạn nhân và tổ chức của họ được tham gia vào các quá trình xây dựng chính sách liên quan đến an toàn vệ sinh lao động.

• Phát hiện những nhóm người yếu thế dễ gặp các vấn đề về nguy hiểm tại nơi làm việc do địa vị xã hội của họ. Cần đưa ra những chính sách đặc biệt để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của những người lao động không có giấy tờ, người di cư, phụ nữ, người da màu và dân tộc thiểu số.

• Thiết lập khung pháp lý để buộc các công ty, nhãn hiệu và các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến chết người, thương tật hoặc gây bệnh cho công nhân và công dân tại bất kì nước nào. Các công ty này cũng phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động do các công ty con và nhà thầu phụ của họ gây ra.

• Đảm bảo các quá trình sản xuất không an toàn và các hóa chất độc hại đã bị cấm ở nơi khác phải bị loại bỏ hoàn toàn ở Châu Á.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook