Trước tình trạng gia tăng bệnh tay chân miệng (tăng nhanh cuối tháng 2, đầu tháng 3), Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng tránh bệnh lây lan.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến ngày 13/3 toàn thành phố ghi nhận 176 trường hợp bị tay chân miệng. Mặc dù các trường hợp mắc còn rải rác và chưa có tử vong, tuy vậy số liệu trên cũng cho thấy có sự gia tăng nhanh trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2016. Diễn biến của dịch bệnh đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Theo đó, ngành y tếcần phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh với nhiều hình thức đa dạng để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và vệ sinh đồ chơi cho trẻ.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giám sát dịch bệnh, cung ứng đủ hóa chất và trang thiết bị phòng chống dịch tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tếDự phòng thành phố và Trung tâm Y tếquận, huyện, thị xã phối hợp với ngành giáo dục đào tạo triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang có dấu hiệu gia tăng (Ảnh minh họa)
Cụ thể là tuyên truyền cho học sinh các biện pháp phòng bệnh; khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly điều trị kịp thời.
Cùng với đó là cử cán bộ hướng dẫn nhà trường các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tay chân miệng như vệ sinh lớp học (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập…) bằng xà phòng hoặc Chloramin B theo quy định. Chỉ đạo các trường học thông báo kịp thời thông tin về học sinh có biểu hiện nghi mắc bệnh tay chân miệng cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời điều tra dịch tễ học và xử lý dịch.
Tại các cơ sở điều trị, Sở Y tế yêu cầu phối hợp chặt chẽ với TTYT Dự phòng thành phố và TTYT các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.
Đồng thời chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh tay chân miệng; tổ chức tiếp nhận, khám sàng lọc, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây chéo trong bệnh viện và hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch.
Theo Khám Phá
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.