Thứ Ba, 27/02/2024 | 13:20

Rò trực tràng là sự thông thương bất thường giữa trực tràng và các bộ phận bên cạnh như bàng quang, niệu đạo, hoặc âm đạo.

Trực tràng là một bộ phận vô cùng quan trọng có vai trò giữ chất thải và tham gia vào quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể. Thức ăn được dạ dày co bóp và tiêu hóa thành dịch lỏng sẽ được đưa qua ruột non, tiếp theo là đại tràng và cuối cùng là trực tràng.

Rò trực tràng là sự thông thương bất thường giữa trực tràng và các bộ phận bên cạnh như bàng quang, niệu đạo, hoặc âm đạo. Bệnh tuy không phổ biến nhưng tạo nên tình trạng di chuyển sai lệch gây ra nhiều hậu quả tại chỗ cũng như toàn thân.

Điều trị rò trực tràng

Trong y khoa, phẫu thuật rò trực tràng khá phức tạp. Một số rò trực tràng – bàng quang hoặc niệu đạo có thể tự liền bằng cách đặt sonde bàng quang, điều trị kháng sinh, giảm nề…tuy nhiên hầu hết cần phải điều trị bằng phẫu thuật.

Đối với trường hợp rò bàng quang – âm đạo đều phải can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên trong phẫu thuật cần cân nhắc khi đường rò có dấu hiệu mủn nát, viêm nhiễm nặng, bệnh Crohn ….

Tùy theo vị trí, số lượng, mức độ và giai đoạn tiến triển của bệnh mà phẫu thuật có những phương pháp khác nhau, tuy nhiên dù áp dụng phương pháp nào thì cũng phải dựa trên các nguyên tắc chủ yếu như triệt tiêu đường rò, hạn chế tổn thương, bảo tồn chức năng và đề phòng tái phát.

Các phương pháp tiếp cận đường rò bao gồm: tiếp cận qua ngả bụng, ngả hậu môn, ngả âm đạo. ngả tầng sinh môn (đối với niệu đạo), đối với ngả bụng thì có thể phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.

Các kỹ thuật xử trí đường rò bao gồm: cắt lọc đường rò, khâu phục hồi ở các vị trí rò trên các bộ phận liên quan (bàng quang, trực tràng, âm đạo, niệu đạo), ở mỗi vị trí đều có những kỹ thuật khâu riêng biệt để đảm bảo không hẹp, không xì dò, đảm bảo được chức năng.

Phương pháp phòng ngừa rò trực tràng

– Vận động, thể dục thể thao thường xuyên, kiên trì và hợp lý là một cách phòng ngừa bệnh rò trực tràng.

– Chủ động kiểm soát từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày giúp tình trạng rò trực tràng được cải thiện đáng kể.

– Vệ sinh cơ quan sinh dục, vệ sinh sau quan hệ tình dục đúng theo hướng dẫn.

– Vệ sinh hậu môn, tầng sinh môn, lỗ tiểu ngoài sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện … điều quan trọng là luôn giữ các vùng kín đó luôn trong trạng thái khô ráo, tránh ẩm ướt.

– Chống táo bón: vận động, thể dục thể thao thường xuyên, kiên trì và hợp lý, có chế độ ăn khoa học, uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít/ngày/người… giúp nâng cao sức khỏe, phòng tránh tật bệnh.

– Điều trị triệt để các bệnh kèm theo gồm viêm đường tiểu, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm ruột khác …

– Không lạm dụng tình dục, đặc biệt là tránh các hành vi tình dục gây sang chấn tầng sinh môn, tổn thương trực tràng và âm đạo.

– Đi khám tại các cơ sở có uy tín khi xuất hiện các triệu chứng gồm tiểu buốt, rát, hay nước tiểu bất thường, dịch tiết âm đạo bất thường … hoặc có biểu hiện nặng tức khó chịu vùng tầng sinh môn.

Bệnh lý rò trực tràng tuy không phổ biến nhưng để lại những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hậu quả khiến người bệnh phải đối diện với những di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy khi cơ thể xuất hiện những bất thường người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời … lưu ý lưu giữ các giấy tờ liên quan để theo giõi quá trình thăm khám và điều trị lâu dài.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Viêm loét đại trực tràng chảy máu

Bệnh ung thư đại trực tràng – Bạn có biết?

Đo áp lực hậu môn trực tràng cho bệnh nhân không kiểm soát được đại tiện

Những điều thú vị về dạ dày: Kho chứa khổng lồ với loại axit thần thánh

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook